Hải Phòng chi gần 11.000 tỷ đồng cho tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng
Tại Kỳ họp thứ 23 (Kỳ họp chuyên đề) diễn ra chiều 20/2, HĐND TP Hải Phòng đã thông qua Nghị quyết về chủ trương đóng góp kinh phí từ nguồn ngân sách thành phố thực hiện dự án đầu tư xây dựng tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng (đoạn qua địa bàn TP Hải Phòng).
Theo Báo Đầu tư đưa tin, Hải Phòng sẽ đóng góp 10.960 tỷ đồng cho dự án đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng.
Trong đó, có khoảng 5.860 tỷ đồng cho công tác giải phóng mặt bằng để đầu tư xây dựng đoạn tuyến qua địa bàn thành phố, bao gồm tuyến chính và các tuyến nhánh, gồm nhánh Nam Đình Vũ - Đình Vũ và nhánh Nam Hải Phòng - Nam Đồ Sơn.
5.100 tỷ đồng còn lại dành cho việc thực hiện đầu tư xây dựng tuyến nhánh đường sắt dài khoảng 12 km từ ga Nam Hải Phòng đi ga Nam Đồ Sơn và ga Nam Đồ Sơn.

Hướng tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng. (Ảnh: Báo Đầu tư).
Trước đó, tại Kỳ họp bất thường lần thứ 9, Quốc hội đã chính thức thông qua Nghị quyết về chủ trương đầu tư dự án đầu tư xây dựng tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng với tỷ lệ tán thành cao.
Theo Nghị quyết, sơ bộ tổng mức đầu tư của dự án là 203.231 tỷ đồng (tương đương hơn 8,3 tỷ USD) với điểm đầu tại vị trí nối ray qua biên giới thuộc tỉnh Lào Cai, điểm cuối tại ga Lạch Huyện, TP Hải Phòng;đi qua địa phận 9 tỉnh, thành phố gồm: Lào Cai, Yên Bái, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Hà Nội, Bắc Ninh, Hưng Yên, Hải Dương và Hải Phòng.
Tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng cóchiều dài tuyến chính khoảng 390,9 km, chiều dài các tuyến nhánh khoảng 27,9 km; tốc độ thiết kế 160 km/h đối với tuyến chính đoạn từ ga Lào Cai mới đến ga Nam Hải Phòng, tốc độ thiết kế 120 km/h đối với đoạn qua khu vực đầu mối TP Hà Nội, tốc độ thiết kế 80 km/h đối với các đoạn tuyến còn lại.
Dự án được đầu tư theo hình thức đầu tư công, áp dụng công nghệ đường sắt chạy trên ray, điện khí hóa; bảo đảm hiện đại, đồng bộ, an toàn và hiệu quả. Đồng thời, dự án được áp dụng các cơ chế, chính sách đặc thù, đặc biệt.
Đoạn tuyến đi qua địa bàn TP Hải Phòng có chiều dài tuyến chính là 46,18 km và hai tuyến nhánh dài 20,57 km (từ ga Nam Hải Phòng - ga Nam Đồ Sơn và từ Trạm tác nghiệp kỹ thuật Nam Đình Vũ - ga Đình Vũ), tốc độ thiết kết đoạn tuyến chính 160 km/giờ, tuyến nhánh 80 km/giờ.
Trên đoạn tuyến qua TP Hải Phòng có 4 nhà ga. Trong đó, ga Nam Hải Phòng có diện tích lớn nhất khoảng 51 ha nằm ở phía Nam đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng trên địa bàn hai xã Đại Đồng và Minh Tân, huyện Kiến Thuỵ, là ga hỗn hợp, ga lập tàu, tác nghiệp hàng hoá và hành khách.
Ba nhà gà còn lại là ga hỗn hợp, ga tiền cảng và tác nghiệp hàng hoá gồm: ga cảng Lạch Huyện nằm trong bến cảng Lạch Huyện thuộc thị trấn Cát Hải, huyện Cát Hải, có diện tích 22 ha; ga Đình Vũ, tuyến nhánh xuống cảng Đình Vũ, có diện tích khoảng 5,6 ha trên địa bàn phường Đông Hải, quận Hải An; ga Nam Đồ Sơn trên địa bàn xã Đại Hợp, huyện Kiến Thuỵ, có diện tích khoảng 10,5 ha.
Ngoài ra, trên đoạn tuyến Hải Phòng còn có hai trạm tác nghiệp kỹ thuật là Trạm tác nghiệp kỹ thuật Tân Viên trên địa bàn xã Quốc Tuấn, huyện An Lão, diện tích khoảng 6,8 ha và Trạm tác nghiệp kỹ thuật Đình Vũ trên địa bàn phường Đông Hải, quận Hải An, diện tích khoảng 6,2 ha (ga trên cao).
TP Hải Phòng ước tính diện tích phải giải phóng mặt bằng dự án cả hai giai đoạn là 376 ha, chi phí giải phóng mặt bằng, tái định cư khoảng 5.860 tỷ đồng. Trong đó, giai đoạn 1 là 345 ha, chi phí 5.376 tỷ đồng; giai đoạn 2 là 30,5 ha, chi phí 484 tỷ đồng.