|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Hai lý do khiến các thương vụ trên Shark Tank đổ bể

10:19 | 17/01/2024
Chia sẻ
Theo các nhà đầu tư, thương vụ đổ bể là do số liệu startup cung cấp không đúng hoặc doanh nghiệp cố tình "bùng kèo".

Tập cuối Shark Tank Việt Nam mùa 6 có sự xuất hiện của thương hiệu Huho với sản phẩm là thịt gác bếp từng rất thành công khi bán online, doanh số một tháng lên tới 1 triệu USD - theo lời nhà sáng lập. Năm 2022, startup này đạt doanh thu 60 tỷ đồng với lãi ròng chiếm 20%.

Ước hết năm 2023, doanh nghiệp này sẽ cán mốc doanh số 150 tỷ đồng.

Ông Nguyễn Hoà Bình - một trong những nhà đầu tư của Shark Tank, nhận định đây là con số "tốt đến mức khó tin". Ông Bình đặt câu hỏi mục đích startup Huho đến Shark Tank gọi vốn làm gì, khi vốn đã có các chỉ số tài chính ấn tượng như vậy.

 Shark Bình kể về trải nghiệm bị "bùng kèo" trên sóng truyền hình. (Ảnh: Shark Tank Việt Nam).

Trước nghi ngại của nhà đầu tư về mục đích tham gia chương trình, nhà sáng lập Huho Hoàng Chung Học thừa nhận công ty không thiếu vốn. Startup lên Shark Tank để tìm kiếm sự đồng hành của các nhà đầu tư cho chiến lược bán offline của mình.

Hiện Huho chủ yếu bán qua kênh online, trong đó TikTok và Shopee chiếm phần lớn doanh thu. Ông Học cho biết bản thân có kinh nghiệm thương mại điện tử nhưng chưa có kinh nghiệm trong việc đưa hàng vào các hệ thống. 

“Em muốn các Shark đồng hành cùng để có người có định hướng phát triển cũng như kinh nghiệm mà bọn em chưa có. Thực sự bọn em muốn có Shark đồng hành cùng chứ thực sự công ty không thiếu vốn”, Hoàng Chung Học khẳng định.

Sau câu trả lời của nhà sáng lập, ông Nguyễn Hoà Bình chia sẻ thêm về mục đích các startup lên Shark Tank mà không nhằm gọi vốn. Ông Bình cho biết từng có trường hợp startup "bùng kèo" ở Shark Tank sau khi chương trình được phát sóng.

Theo ông, sau khi đã giành được deal thì starup "giả vờ" hợp tác, nhưng chần chừ không gửi số liệu kết quả kinh doanh. Shark Bình cho biết, doanh nghiệp tiếp tục viện lý do cho đến khi nhà đầu tư tự nản và bỏ cuộc.

"Vậy là các startup đó tận hưởng trọn vẹn hiệu ứng tăng trưởng từ chương trình Shark Tank, còn các Shark rơi vào trạng thái ớ ờ. Đấy là cái lo ngại lớn nhất của tôi là vấn đề uy tín của các startup”, Shark Bình bày tỏ.

Trước đó, Shark Tank mùa 5, ông Nguyễn Hoà Bình từng cho biết startup Nerman từ chối hợp tác thẩm định doanh nghiệp với nhà đầu tư sau khi chương trình phát sóng.

Vị "cá mập" chỉ trích Nerman lợi dụng hiệu ứng truyền thông của Shark Tank chứ không thực sự có mục đích gọi vốn và điều này cũng làm ảnh hưởng tới uy tín của nhà đầu tư.

Tại mùa 5, Nerman đã chốt deal 1 triệu USD đổi lấy 27% cổ phần cùng sự tham gia của Shark Bình và Shark Phú.

Về phía startup, ông Thanh Định - sáng lập Nerman giải thích thương vụ không thành với Shark Bình do yêu cầu của nhà đầu tư đưa ra có phần bất lợi. Do đó, phía Nerman từ chối thẩm định doanh nghiệp với phía Nexttech và chọn làm việc với Sunhouse của Shark Phú. Hai bên đã đi đến thống nhất là hợp tác, hỗ trợ nhau trong khâu phân phối, sản xuất.

Với Huho hiện tại, ông Bình nêu rõ: “Nếu số liệu đúng như các bạn đã chia sẻ trên sóng thì chắc chắn chúng tôi sẽ đầu tư. Nếu sau này deal không thành chỉ rơi vào hai khả năng, thứ nhất những gì bạn cung cấp là không đúng, khả năng thứ hai là các bạn cố tình bùng deal”.

Trong khi đó, Shark Hưng yêu cầu sẽ tiến hành thẩm định doanh nghiệp và ký hợp đồng trước khi phát sóng, nếu deal không thành công thì sẽ đề nghị nhà sản xuất không phát sóng màn gọi vốn của startup.

Thành Vũ