|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Nhà đất

Hai dự án hạ tầng KCN hơn 367 ha tại Quảng Nam chậm tiến độ

15:23 | 23/03/2021
Chia sẻ
Dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng KCN Tam Anh – Hàn Quốc và KCN Tam Anh 1 (huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam) chậm triển khai nhiều năm.

UBND tỉnh Quảng Nam vừa có thông báo kết luận của Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh tại các cuộc họp rà soát tình hình thực hiện các dự án lớn tại vùng Đông Nam Bộ của tỉnh. Trong đó, có một số dự án hạ tầng khu công nghiệp (KCN).

KCN Tam Anh – Hàn Quốc hơn 200 ha

Theo Ban Quản lý khu kinh tế mở Chu Lai (Ban Quản lý), dự án Đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng KCN Tam Anh – Hàn Quốc do Công ty TNHH C&N Vina Tam Anh – Hàn Quốc làm chủ đầu tư với quy mô 200 ha. 

Dự án được Ban Quản lý cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư vào ngày 5/4/2013, điều chỉnh lần hai năm 2017. Chủ đầu tư cam kết đến quý I/2018 hoàn chỉnh đưa giai đoạn 1 đi vào hoạt động với tổng diện tích là 90 ha. Tuy nhiên tính đến tháng 11/2019, dự án chưa đưa vào hoạt động theo quy định.

Quảng Nam: Hai dự án khu công nghiệp hơn 367 ha chậm triển khai - Ảnh 1.

Vị trí KCN Tam Anh – Hàn Quốc. (Ảnh: cnvn.com.vn).

Về dự án này, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh đã giao Ban Quản lý mời Công ty TNHH C&N Vina Tam Anh – Hàn Quốc làm việc để đôn đốc nhà đầu tư sớm triển khai đầu tư xây dựng hoàn thiện kết cấu hạ tầng trên phần đất đã được bồi thường, giải phóng mặt bằng. Đồng thời, hỗ trợ chủ đầu tư trong việc xúc tiến, kêu gọi các nhà đầu tư thứ cấp vào đầu tư tại KCN.

Trường hợp nhà đầu tư không có năng lực để tiếp tục triển khai thực hiện và thu hút đầu tư thì ông Thanh yêu cầu vận động chủ đầu tư liên kết, chuyển nhượng cho nhà đầu tư khác có năng lực để tiếp tục triển khai thực hiện trên phần diện tích đã được bồi thường, giải phóng mặt bằng. 

Đối với phần diện tích chưa được bồi thường, tổ chức lựa chọn nhà đầu tư khác để thực hiện đảm bảo quy mô KCN theo quy hoạch đã duyệt.

UBND huyện Núi Thành có trách nhiệm tiếp tục phối hợp với Ban Quản lý, nhà đầu tư để đăng ký và kế hoạch sử dụng đất; chỉ đạo các Phòng, đơn vị, địa phương liên quan tích cực triển khai công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng để bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư triển khai đầu tư xây dựng dự án đảm bảo tiến độ.

KCN Tam Anh 1 hơn 167 ha

Dự án thứ hai chậm triển khai là dự án Đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng KCN Tam Anh 1 do CTCP Kính Nổi Chu Lai – CFG làm chủ đầu tư với quy mô 167,05 ha. 

Theo báo cáo của Ban Quản lý, dự án được giấy chứng nhận đăng ký đầu tư lần đầu ngày 30/6/2015, thay đổi lần thứ hai ngày 15/8/2017. Theo cam kết quý I/2020, hoàn thiện toàn bộ dự án và thu hút đầu tư, quý IV/2022 hoàn thành xây dựng hạ tầng. 

Tính đến tháng 11/2019, dự án đang trong quá trình bồi thường, giải phóng mặt bằng, chỉ mới bồi thường xong một phần đất sạch, nhỏ lẻ, không tập trung.

Đối với dự án này, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam đã giao Sở Tài nguyên và Môi trường (TNMT) phối hợp với Ban Quản lý rà soát địa điểm quy hoạch các mỏ cát làm nguyên liệu cho Nhà máy kính nổi trong hồ sơ dự án đầu tư để cùng với UBND huyện Núi Thành làm việc, hướng dẫn CTCP Kính nổi Chu Lai – CFG thực hiện các hồ sơ, thủ tục cấp phép khai thác mỏ cát trắng theo đúng quy định, làm nguyên liệu cho nhà máy.

Khu vực quy hoạch đầu tư xây dựng KCN xác định chức năng chính là đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng và kinh doanh KCN; việc kết cấu tận thu khoáng sản (nếu có) là vấn đề phát sinh trong quá trình đầu tư.

Ông Thanh giao Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì làm việc với Ban Quản lý, Sở TNMT, UBND huyện Núi Thành và chủ đầu tư để giải quyết các tồn tại, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ đầu tư hạ tầng KCN.

"Trường hợp không đảm bảo tiến độ hoặc nhà đầu tư không có năng lực triển khai thực hiện dự án, thực hiện thủ tục chấm dứt hoạt động dự án, tổ chức lựa chọn nhà đầu tư mới để triển khai thực hiện dự án. Sau khi lựa chọn được nhà đầu tư khác, nếu có tổ chức tận thu cát trắng sẽ yêu cầu chủ đầu tư mới ưu tiến bán cho CTCP Kính nổi Chu Lai – CFG làm nguyên liệu cho Nhà máy kính nổi, thi công hoàn trả mặt bằng để đầu tư hạ tầng KCN", Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam chỉ đạo.

Chu Lai

Danh mục tự doanh 11 tỷ USD của các CTCK đang phân bổ như thế nào?
Giá trị tự doanh toàn ngành chứng khoán đã vượt mức 11 tỷ USD tại cuối 2024. Đa số các công ty ghi nhận FVTPL chiếm tỷ trọng lớn nhất cơ cấu mảng tự doanh. Trong khi đó, MBS, ACB chủ yếu phân bổ tại HTM, còn Vietcap, TBCS tiếp tục ghi nhận phần lớn ở khoản AFS.