|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Nhà đất

Loạt dự án nghìn tỷ tại Quảng Nam chậm tiến độ

11:03 | 22/03/2021
Chia sẻ
Loạt dự án bất động sản tại vùng Đông Nam, tỉnh Quảng Nam chậm triển khai đang được lãnh đạo tỉnh chỉ đạo rà soát, xử lý tồn tại, vướng mắc,....

Hai dự án của Tập đoàn T&T 

Cụ thể, CTCP Tập đoàn T&T có dự án Khu nông nghiệp công nghệ cao Đông Quảng Nam tại xã Bình Dương, huyện Thăng Bình. Theo Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, đây là dự án đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, có quy mô lớn, nhà đầu tư là đơn vị có năng lực tài chính và kinh nghiệm để triển khai thực hiện dự án. 

Dự án phù hợp với quy hoạch, kế hoạch phát triển ngành nông nghiệp của huyện Thăng Bình nói riêng và tỉnh Quảng Nam nói chung. Tuy nhiên, công tác phối hợp giữa nhà đầu tư và UBND huyện Thăng Bình chưa được đồng bộ, chặt chẽ. 

Quảng Nam tìm nhà đầu tư mới cho những dự án nghìn tỷ vùng Đông Nam - Ảnh 1.

Hầu hết dự án tại vùng Đông Nam, tỉnh Quảng Nam nhà đầu tư đăng ký triển khai từ 2016 đến nay nhưng vướng giải phóng mặt bằng, đất nông nghiệp của người dân. (Ảnh: Chu Lai).

Do đó, ông Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Trí Thanh giao Phó Chủ tịch Hồ Quang Bửu đề nghị CTCP Tập đoàn T&T cử cán bộ có thẩm quyền phối hợp, làm việc với UBND huyện Thăng Bình và các Sở, ngành liên quan để kịp thời xử lý các nội dung liên quan đến dự án. 

UBND huyện Thăng Bình có trách nhiệm phối hợp, hướng dẫn, giải quyết các hồ sơ, thủ tục theo thẩm quyền hoặc đề xuất các Sở, ngành liên quan tham mưu UBND tỉnh giải quyết các hồ sơ, thủ tục theo đúng quy định để triển khai thực hiện dự án. 

"UBND huyện Thăng Bình làm việc với nhà đầu tư để quy hoạch, sắp xếp lại ruộng đất đảm bảo áp dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp và xây dựng phương án đầu tư, kinh doanh theo hướng liên kết, hợp tác, hỗ trợ, đào tạo, chuyển giao công nghệ và bao tiêu sản phẩm cho nông dân. Thực hiện một số loại hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao độc lập của doanh nghiệp tại các vị trí phù hợp", ông Thanh chỉ đạo.

Dự án thứ hai T&T cũng đang triển khai tại vùng Đông Nam tỉnh Quảng Nam là Khu đô thị phức hợp Điện Dương. Theo lãnh đạo tỉnh Quảng Nam, dự án đã được UBND tỉnh thống nhất cho doanh nghiệp này lựa chọn địa điểm nghiên cứu, đề xuất dự án đầu tư, chưa tổ chức lựa chọn nhà đầu tư. 

Ông Thanh đề nghị Sở Xây dựng căn cứ định hướng Quy hoạch thiết kế cảnh quan đô thị khu vực ven sông Cổ Cò để hướng dẫn, đôn đốc UBND thị xã Điện Bàn phối hợp với các đơn vị liên quan khẩn trương hoàn chỉnh đồ án Quy hoạch phân khu xây dựng (1/2.000) dự án (có cập nhật các khu lân cận ven biển). 

UBND thị xã Điện Bàn tổ chức thẩm định, trình UBND tỉnh phê duyệt theo đúng quy định. Đồng thời, hướng dẫn UBND thị xã Điện Bàn đăng ký vào Chương trình, Kế hoạch phát triển nhà ở giai đoạn 2021 - 2030, tham mưu UBND tỉnh trình HĐND tỉnh xem xét, thông qua và phê duyệt để triển khai thực hiện thủ tục tiếp theo. 

Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) hướng dẫn UBND thị xã Điện Bàn lập hồ sơ, thủ tục, lấy ý kiến góp ý của các Sở, ngành liên quan để tham mưu UBND tỉnh báo cáo Ban cán sự đảng UBND tỉnh xin ý kiến Ban Thường vụ Tỉnh ủy trước khi hoàn chỉnh hồ sơ, trình Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư dự án và tổ chức lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án theo đúng quy định hiện hành của pháp luật.

Theo tìm hiểu, hai dự án trên của T&T có vốn đăng ký đầu tư hơn 2.000 tỷ đồng.

Dự án 1.500 tỷ của Nguyễn Hoàng

Quảng Nam tìm nhà đầu tư mới cho những dự án nghìn tỷ vùng Đông Nam - Ảnh 2.

Hiện trạng Dự án Thành phố giáo dục quốc tế Nam Hội An có vốn đăng ký đầu tư khoảng 1.500 tỷ đồng. (Ảnh: Chu Lai).

Theo báo cáo, CTCP Đầu tư phát triển Nguyễn Hoàng (Nguyễn Hoàng) đã phối hợp với UBND huyện Thăng Bình tổ chức đền bù, giải phóng mặt bằng và đã được bàn giao phần lớn diện tích đất dự án Thành phố giáo dục quốc tế Nam Hội An. 

Vì nhiều lý do khách quan khác nhau như việc điều chỉnh quy hoạch chi tiết cho phù hợp với chủ trương của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, UBND tỉnh về quản lý vệt cây xanh hai bên đường Võ Chí Công từ 50 m lên 100 m và nhất là do ảnh hưởng của dịch nên việc triển khai thực hiện dự án không đảm bảo tiến độ theo đúng cam kết.

Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam chỉ đạo Sở KH&ĐT chủ trì, phối hợp với UBND huyện Thăng Bình yêu cầu chủ đầu tư rà soát tiến độ thực hiện dự án, xây dựng kế hoạch triển khai trong thời gian đến để đề xuất UBND tỉnh xem xét gia hạn tiến độ (yêu cầu cam kết gia hạn một lần) và đôn đốc chủ đầu tư khẩn trương triển khai thực hiện dự án theo đúng tiến độ được gia hạn. 

Đồng thời, có văn bản yêu cầu và hướng dẫn doanh nghiệp xem xét điều chỉnh tên gọi dự án theo hướng không sử dụng từ "thành phố" (có thể là Khu liên hợp giáo dục quốc tế Nam Hội An) do không đáp ứng tiêu chí của thành phố,...

Theo tìm hiểu, dự án Thành phố giáo dục quốc tế Nam Hội An có vốn đăng ký đầu tư khoảng 1.500 tỷ đồng.

Khu phức hợp hơn 4.000 tỷ của Đạt Phương

Dự án này trước đây là một trong các dự án đối ứng công trình Cầu Km0+317 trên tuyến đường dẫn phía Bắc cầu Cửa Đại theo hình thức Hợp đồng Xây dựng - Chuyển giao (Hợp đồng BT). Tuy nhiên, UBND tỉnh Quảng Nam sau đó đã có công văn thống nhất không đưa dự án vào quỹ đất thanh toán cho CTCP Đạt Phương.

Hiện nay, dự án đã được bồi thường, giải phóng mặt bằng khoảng 60 ha. 

Ông Thanh giao Phó Chủ tịch UBND tỉnh làm việc với nhà đầu tư để rà soát tình hình thực hiện công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng để xem xét, đề xuất giải quyết các tồn tại, vướng mắc về thủ tục lựa chọn nhà đầu tư. 

Trường hợp cần thiết, điều chỉnh quy mô, phạm vi dự án để sớm triển khai thực hiện đưa dự án vào sử dụng đối với phần diện tích đã được bồi thường, giải phóng mặt bằng. Phần diện tích còn lại, điều chỉnh, loại bỏ phần dân cư đông đúc ra khỏi phạm vi dự án để tổ chức lựa chọn nhà đầu tư theo quy định hiện hành của pháp luật.

Thông tin trên website chủ đầu tư, Khu phức hợp dịch vụ nghỉ dưỡng Bình Dương vốn đăng ký đầu tư hơn 4.600 tỷ đồng.

Khu phức hợp hơn 4.000 tỷ của Nam Hội An

Đối với dự án Khu nghỉ dưỡng phức hợp quốc tế An Thịnh - PPC của CTCP Quốc tế Nam Hội An (Nam Hội An), Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam giao Sở KH&ĐT chủ trì, phối hợp với UBND huyện Thăng Bình và các đơn vị liên quan tham mưu UBND tỉnh thực hiện thủ tục chấm dứt hoạt động đầu tư dự án. Đồng thời, tổ chức lựa chọn nhà đầu tư để triển khai thực hiện dự án theo quy định.

Dự án này đã được UBND tỉnh quyết định chủ trương đầu tư ngày 24/3/2017, tuy nhiên, đến nay vẫn chưa thực hiện công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng để triển khai các thủ tục tiếp theo. 

Bên cạnh đó, chủ đầu tư cũng chưa thực hiện nghĩa vụ ký quỹ bảo đảm thực hiện dự án theo quy định, đồng thời dự án chậm tiến độ hơn 36 tháng nhưng nhà đầu tư không thực hiện thủ tục giãn tiến độ. Theo tìm hiểu, dự án có vốn đăng ký đầu tư khoảng 4.300 tỷ đồng.

Chu Lai