|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Hai cơ hội cho kinh tế Việt Nam từ Covid-19

07:13 | 20/02/2020
Chia sẻ
Thiệt hại kinh tế trực tiếp và ngắn hạn từ đại dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona (Covid-19) đến nền kinh tế Việt Nam ...
Hai cơ hội cho kinh tế Việt Nam từ Covid-19 - Ảnh 1.

Thứ nhất, việc bùng phát dịch do Covid-19, mà tâm dịch là ở thành phố Vũ Hán của Trung Quốc, góp phần thúc đẩy các tập đoàn toàn cầu đến đầu tư và kinh doanh tại Việt Nam như một điểm đến bên cạnh thị trường Trung Quốc, hay cụ thể hơn là cơ hội đến từ “Chiến lược Trung Quốc + 1” của các tập đoàn toàn cầu.

Thứ hai, đó là cơ hội để chúng ta đẩy mạnh tái cấu trúc nền kinh tế, trong đó thúc đẩy kinh tế công nghệ, kinh tế số thay cho việc dựa dẫm quá nhiều vào gia công xuất khẩu và nông nghiệp.

Ở khía cạnh thứ nhất, dịch do Covid-19 thêm một lần nữa cho thấy sự rủi ro khi lệ thuộc quá lớn của chuỗi sản xuất toàn cầu vào Trung Quốc và sau đại dịch, các doanh nghiệp lớn có thể tăng tốc chiến lược “Trung Quốc + 1”.

Thực ra “Trung Quốc + 1” không phải là điều mới mẻ. Các doanh nghiệp lớn toàn cầu đã nói nhiều đến chiến lược này trong suốt thập kỷ qua, tuy nhiên chỉ đến khi thương chiến Mỹ - Trung nổ ra, áp lực tìm đến một địa điểm khác ngoài Trung Quốc tăng lên khiến cho các doanh nghiệp toàn cầu đang đặt các cơ sở sản xuất ở Trung Quốc, trong đó đặc biệt là doanh nghiệp Mỹ, tích cực hơn trong chiến lược tìm kiếm các quốc gia khác để mở rộng các cơ sở sản xuất của mình.

Đại dịch lần này là một cú hích mới, chắc chắn khiến các doanh nghiệp phải hành động mau chóng hơn bởi họ ý thức được rủi ro từ bệnh dịch đe dọa đến chuỗi sản xuất là không thể xem thường. Nhìn kỹ lại, các đại dịch từ SARS, H5N1, dịch tả heo châu Phi (dù dịch này không lây sang người) - đều khởi phát từ Trung Quốc.

Nhưng khác với SARS của gần hai thập kỷ trước, với dịch Covid-19 lần này Trung Quốc “hắt hơi” đã khiến toàn thế giới “sổ mũi”: dịch bệnh kéo theo phong tỏa các thành phố, công nhân không thể đến nhà máy làm việc sẽ khiến toàn bộ các hoạt động sản xuất đình trệ và ảnh hưởng đến toàn cầu. 

Và với “hồ sơ dịch bệnh” như thế, giảm thiểu càng sớm càng tốt rủi ro phụ thuộc vào Trung Quốc là điều chắc chắn các doanh nghiệp phải tính đến.

Nhưng tận dụng được cơ hội “Trung Quốc + 1” hay không, với Việt Nam vẫn còn nhiều thách thức, trong đó thách thức lớn nhất chính là cơ sở hạ tầng phục vụ cho nền kinh tế. 

Hạ tầng yếu kém, cụ thể là hạ tầng giao thông và năng lượng, tiếp tục là nút cổ chai chưa được giải quyết nhiều năm nay. Luật Đầu tư với hình thức đối tác công - tư (PPP) và việc thực thi tốt luật này là một giải pháp quan trọng mà Quốc hội, Chính phủ cần tập trung nỗ lực.

Ở khía cạnh thứ hai, dịch Covid-19 cũng cho thấy sự mong manh của khu vực công nghiệp, mà thực chất là nền sản xuất gia công và phụ thuộc nặng vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu từ Trung Quốc. 

Trong khi đó, tiềm năng kinh tế đến từ các hoạt động công nghệ thông tin và Internet, hay cụ thể hơn là kinh tế số, đã được chứng minh trong thập kỷ vừa qua.

Đây là thế mạnh phù hợp với Việt Nam - quốc gia có dân số trẻ, nhạy bén với công nghệ, chất lượng nhân sự công nghệ thông tin tương đối tốt; và không cần đầu tư tốn kém về tài chính, nguồn vốn như trong lĩnh vực sản xuất.

Thêm một điểm nữa mà dịch Covid-19 cho thấy, sản xuất có thể bị đình trệ vì vấn đề nhân công trong dịch bệnh. Nhưng với kinh tế số, kinh tế dịch vụ - làm việc từ xa, làm việc tại nhà - vẫn “chạy tốt” khi môi trường tự nhiên, môi trường vật lý gặp khó khăn.

Chính phủ, vì vậy, song song với các giải pháp ngắn hạn đã triển khai (như đánh giá thiệt hại, khoanh nợ, hỗ trợ tín dụng...), cần bàn đến những vấn đề dài hạn để tận dụng cơ hội như đã nêu. 

Thực chất, đây cũng không hẳn là những vấn đề mới - nhưng bối cảnh mới và những rủi ro về dịch do dịch Covid-19 cho thấy nó cần được nhìn nhận như một động lực để Chính phủ dành nguồn lực và quan tâm nhiều hơn cho các vấn đề chiến lược quan trọng này.

Nguyễn Quang Đồng