|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Hà Nội bãi bỏ yêu cầu có lịch trực, lịch làm việc khi ra khỏi nhà

09:32 | 10/08/2021
Chia sẻ
Sáng 10/8, sau khi lắng nghe dư luận về ban hành quy định "siết" việc cấp và sử dụng giấy đi đường, TP Hà Nội đã có văn bản điều chỉnh theo hướng giảm bớt giấy tờ.

Trên cơ sở thực tiễn triển khai các địa bàn và tiếp thu ý kiến phản hồi từ người dân, cộng đồng doanh nghiệp và qua phản ánh của các cơ quan truyền thông, sáng 10/8, UBND TP Hà Nội đã có văn bản yêu cầu làm rõ và thực hiện việc cấp, sử dụng giấy đi đường trong thời gian giãn cách xã hội theo Công điện số 18 (6/8/2021).

Người đi đường xuất trình giấy tờ tùy thân (CMND/CCCD/Hộ chiếu) kèm theo giấy đi đường (mẫu đã được ban hành kèm theo Công văn số 2434 của UBND TP ngày 29/7). 

So  với quy định ban hành ngày 8/8, thành phố đã giảm bớt các loại giấy tờ gồm: lịch trực, lịch làm việc, văn bản phân công nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị.

Với cơ quan, đơn vị, đoàn thể, tổ chức chính trị xã hội Trung ương và thuộc thành phố; cơ quan ngoại giao, tổ chức quốc tế: Người đứng đầu đơn vị cấp giấy đi đường và chịu trách nhiệm đảm bảo các yêu cầu, quy định về phòng chống dịch COVID-19 (như đã nêu tại Mục 2 và Mục 3 Công văn số 2562/UBND-KT ngày 7/8).

Hà Nội bãi bỏ yêu cầu có lịch trực, lịch làm việc khi ra khỏi nhà - Ảnh 1.

Hà Nội ra văn bản giảm bớt thủ tục về giấy đi đường. (Ảnh: CAND).

Tập đoàn, tổng công ty; doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh dịch vụ được phép hoạt động trên địa bàn thành phố đã nêu tại Mục 5 của Công văn số 2562/UBND-KT ngày 07/8/2021: Thủ trưởng, người đứng đầu đơn vị cấp Giấy đi đường cho người lao động và chịu trách nhiệm đảm bảo các yêu cầu, quy định về phòng chống dịch.

UBND Hà Nội yêu cầu doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh có trách nhiệm tổng hợp danh sách người lao động của đơn vị cần lưu thông trên đường, kèm theo phương án sản xuất, kinh doanh đảm bảo các yêu cầu và quy định về phòng chống dịch và gửi đến UBND cấp phường, xã để được xác nhận (người đi đường không cần xuất trình các giấy tờ này).

Văn bản cũng nêu rõ UBND cấp phường, xã thực hiện nhanh chóng, thuận tiện, theo hình thức trực tuyến, thư điện tử hoặc qua đường bưu điện, đảm bảo không tập trung đông người tại trụ sở. 

Với doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh được phép hoạt động, UBND cấp phường, xã cử cán bộ xuống làm việc trực tiếp để thống nhất phương án sản xuất kinh doanh đảm bảo an toàn phòng, chống dịch và xác nhận danh sách người lao động cần lưu thông trên đường; từ đó làm cơ sở để thủ trưởng, người đứng đầu đơn vị cấp Giấy đi đường.

Các lực lượng, các chốt kiểm soát tăng cường liên thông để phát hiện, nhắc nhở, kiến nghị xử lý các đơn vị cấp giấy đi đường không đúng trong thời gian giãn cách. "Yêu cầu các lực lượng thực hiện tốt, linh hoạt, tránh gây ùn tắc, mất an toàn trong phòng, chống dịch và trên tinh thần tạo điều kiện thuận lợi nhất cho tổ chức, cá nhân", lãnh đạo Hà Nội nêu.

TP Hà Nội cũng yêu cầu UBND cấp quận, huyện, cấp phường, xã không được quy định phát sinh thêm các thủ tục, giấy tờ gây khó khăn cho tổ chức, cá nhân.

Trước đó, ngày 9/8, nhiều chốt kiểm soát trên các trục đường chính dẫn vào TP xảy ra hiện tượng ừn ứ. Một số phường có tình trạng người dân xếp hàng đợi làm thủ tục xác nhận giấy đi đường theo mẫu mới, có nơi phải giải quyết thủ tục cho người dân đến tối.

Sơn Thạnh

Quốc hội đề nghị làm rõ thu thuế sàn TMĐT, cơ sở thường trú 'ảo'  nước ngoài bằng cách nào?
Trước đề xuất thu thuế thu nhập doanh nghiệp với sàn thương mại điện tử, cơ sở thường trú 'ảo' của doanh nghiệp nước ngoài, Cơ quan thẩm tra đề nghị làm rõ tính khả thi về phương thức thu thuế và những Hiệp định pháp lý có liên quan.