Grab đóng cửa mô hình bếp tổng GrabKitchen ở thị trường lớn nhất
Vào ngày 19/12 tới, Grab sẽ đóng cửa GrabKitchen, mô hình bếp tổng (cloud kitchen) của mình, ở Indonesia. Grab hiện có hơn 40 bếp tổng ở Indonesia và việc đóng cửa GrabKitchen sẽ làm ảnh hưởng tới khoảng 20 nhân viên, theo Tech in Asia.
Tech in Asia đánh giá việc đóng cửa GrabKitchen của Grab là một động thái đáng quan tâm do Grab là một trong những công ty đầu tiên áp dụng mô hình bếp tổng ở Đông Nam Á. Bếp tổng từng là một phần của kế hoạch mở rộng mảng giao đồ ăn của Grab.
Dù vậy, dường như GrabKitchen không đạt đến như kỳ vọng của Grab trong bối cảnh hãng này dành mọi sự tập trung cho mục tiêu lợi nhuận.
“Chúng tôi bắt đầu kinh doanh bếp tổng 4 năm trước để lấp đầy các khoảng trống về đồ ăn trên nền tảng của chúng tôi”, Mayang Schreiber, giám đốc truyền thông Grab Indonesia, nói với Tech in Asia. “Qua thời gian, nguồn cung và nhu cầu đã thay đổi. Vì thế, cùng việc chúng tôi chuyển sang mô hình kinh doanh không đòi hỏi nhiều tài sản, chúng tôi quyết định dừng hoạt động GrabKitchen ở Indonesia”.
Indonesia là thị trường Đông Nam Á mà GrabKitchen có hoạt động đậm nét nhất. Bên cạnh đó, Grab cũng có hoạt động GrabKitchen ở Singapore, Thái Lan và Malaysia. “Các cơ sở bếp tổng của chúng tôi ở các thị trường khác sẽ hoạt động như bình thường”, Mayang Schreiber nói thêm.
Mô hình kinh doanh có chi phí đầu tư quá cao?
Bếp tổng có thể là một mô hình kinh doanh có chi phí đầu tư hiệu quả do không cần địa điểm đẹp và đầu tư không gian. Chúng cũng có thể được dùng để thử nghiệm thực đơn hay sản phẩm mới với mức độ rủi ro thấp. Vì thế, bếp tổng từng được kỳ vọng là một thay thế chi phí thấp đối với mô hình nhà hàng truyền thống.
Dù vậy, với Grab, đây lại là câu chuyện hoàn toàn khác. Tìm, thuê địa điểm, thực hiện các công tác, bảo dưỡng bảo trì, thuê nhân công cho bếp tổng thực sự là một thách thức đối với các nền tảng giao đồ ăn vốn không cần đầu tư quá nhiều tài sản.
Grab từ chối bình luận về chi phí duy trì bếp tổng. Dù vậy, quyết định đóng cửa GrabKitchen ở Indonesia là một dấu hiệu cho thấy chúng đang kéo lợi nhuận đi xuống.
Một người trong ngành ở Jarkata nói rằng mô hình này có chi phí hoa hồng cao phải trả cho các đối tác giao hàng, đồng nghĩa với chi phí vận hành cao. “Cách duy nhất để có lợi nhuận là bán với giá cao hơn nhưng khách hàng không chấp nhận điều này”, người này nói thêm.
Một cách để hạ giá thành là sản xuất đồ ăn với quy mô mới. DishServe là một công ty đang dùng chiến lược bếp tổng nhưng với cách tiếp cận khác. Công ty này sản xuất đồ ăn với số lượng lớn ở nhà máy tổng và các khâu chuẩn bị cuối cùng được các chủ nhà thực hiện trong chính căn bếp của mình.
Công ty này cho biết doanh thu đã tăng 3,6 lần kể từ đầu năm 2022.
Các startup bếp tổng vẫn sẽ gọi được vốn
Mặc dù quyết định đóng cửa GrabKitchen của Grab là một bước đi lùi với hệ sinh thái, đây không phải dấu chấm hết đối với cuộc chơi này.
Hoạt động kinh doanh cốt lõi của Grab không phải là vận hành bếp tổng. Rab cũng chỉ có hơn 40 bếp tổng so với hàng triệu nhà bán hàng trên nền tảng của nó. Vì thế, động thái của Grab “không có nhiều tác động với hệ sinh thái”, một chuyên gia nhận định.
Ở Đông Nam Á, hiện có khá nhiều startup tập trung vào mảng bếp tổng hoạt động và gọi vốn thành công.
Ví dụ, CloudEats, một công ty bếp tổng ở Philippines, đã gọi vốn thành công 7 triệu USD để mở rộng tại Châu Á. Hangry, một công ty vận hành bếp tổng ở Indonesia, cũng ghi nhận doanh thu tăng trưởng gấp hơn 3 lần trong năm 2021.
“Với ít vấn đề hơn phải giải quyết, khác với Grab khi có quá nhiều dịch vụ, việc tập trung sẽ mang lại các kết quả tốt”, Roshan Raj Behera, đối tác tại Redseer Strategy Consultants, nói với Tech in Asia.
Châu Á Thái Bình Dương được kỳ vọng là thị trường bếp tổng lớn nhất thế giới vào năm 2027 với tốc độ tăng trưởng 14,4% mỗi năm từ năm 2021 cho tới thời điểm đó.
RedSeer nói với Tech in Asia rằng các đối tác bán hàng hiện tại và tiềm năng của GrabKitchen nhiều khả năng sẽ hợp nhất với các đối thủ của Grab.
Mô hình bếp tổng của GoTo có tên Dapur Bersama là một trong những cái tên đầu tiên hưởng lợi. Dù vậy, các nhà bán hàng với nhiều điểm bán và mới chỉ hợp tác với Grab cho một số bếp tổng vẫn sẽ để thực đơn của họ xuất hiện trên Grab.
Dapur Bersama ra mắt dịch vụ ở Indonesia hơn một năm sau khi GrabKitchen “chào sân” nhưng tăng tốc khá nhanh sau đó bằng cách tuyên bố hợp tác với Rebel Foods (Ấn Độ) để mở 100 bếp tổng tại quốc gia này.