|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

‘Gom’ nghìn tỉ nhóm ngân hàng nửa đầu 2019, khối ngoại giao dịch chọn lọc trước động thái nới 'room' và bán vốn

16:38 | 19/07/2019
Chia sẻ
Nửa đầu năm 2019, khối ngoại đã mua ròng khoảng 1.349 tỉ đồng cổ phiếu ngân hàng. Tuy nhiên, giao dịch khối ngoại có chọn lọc ở một số cổ phiếu như VCB, CTG, STB chứ không diễn ra ồ ạt.

Khối ngoại 'gom' gần 1.350 tỉ đồng cổ phiếu ngân hàng nửa đầu 2019

Sau khi liên tục lao đốc nửa cuối năm 2018 và lình xình trong nửa đầu năm 2019, cổ phiếu ngân hàng được giới đầu tư quan tâm trở lại khi câu chuyện bán vốn cho khối ngoại được biên lại. Nhóm cổ phiếu 'vua' càng được quan tâm hơn khi mã VCB của Vietcombank liên tục 'phá đỉnh' mặc dù VN-Index vẫn chưa hẹn ngày trở lại mốc đỉnh thiết lập vào tháng 4/2018.

A32

Ông Lưu Trung Thái, Tổng Giám đốc MBBank. Ảnh: Dũng Minh

Mới đây, trả lời Reuters, ông Lưu Trung Thái, Tổng Giám đốc Ngân hàng Quân đội (MBBank) cho biết ngân hàng đang tìm phương án bán 7,5% vốn cổ phần cho một hoặc nhiều nhà đầu tư nước ngoài trong năm nay. Cụ thể, ông Thái cho biết MBBank sẽ phát hành khoảng 123 triệu cổ phiếu mới và sử dụng 38,9 triệu cổ phiếu quỹ để bán cho các nhà đầu tư nước ngoài. Nhà băng này cũng có kế hoạch tổ chức roadshow phục vụ cho việc bán cổ phần vào cuối năm nay.

Trước đó, vào cuối tháng 4, ông Nghiêm Xuân Thành - Chủ tịch Vietcombank cho biết sẽ tiếp tục chào bán khoảng 6,5% cổ phần, đối tượng tập trung chủ yếu là nhà đầu tư nước ngoài. Năm 2018, Vietcombank bán khoảng 3% vốn cho nhà đầu tư GIC đến từ Singapore cùng cổ đông chiến lược nước ngoài hiện hữu Mizuho, thu về 6.200 tỷ đồng.

Những thông tin trên khiến giới đầu tư trong nước kì vọng về sự khởi sắc của cổ phiếu ngân hàng với 'game' bán vốn cho khối ngoại. Sự kì vọng này cũng có cơ sở khi thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn là điểm đến hấp dẫn của dòng vốn ngoại.

Nhìn lại nửa đầu năm 2019, khối ngoại mua ròng khoảng 10.382 tỉ đồng, tương đương khối lượng 123,4 triệu đơn vị trên thị trường chứng khóa Việt Nam. Nếu chỉ tính riêng nhóm cổ phiếu ngân hàng, khối ngoại đã mua ròng khoảng 1.349 tỉ đồng với khối lượng 30,9 triệu đơn vị. Hoạt động giao dịch diễn ra cân bằng với 7 mã mua ròng và 7 mã bán ròng.

VCB, CTG, STB được khối ngoại mua ròng nhiều nhất

KN Ngân hàng

Thống kê giao dịch khối ngoại tại các cổ phiếu ngân hàng nửa đầu năm 2019. Nguồn: Thu Thủy tổng hợp

Thống kê dữ liệu giao dịch từ 17 ngân hàng niêm yết, cổ phiếu VCB đứng đầu về giá trị mua ròng của khối ngoại. Theo đó, nhà đầu tư nước ngoài mua ròng 1.469 tỉ đồng cổ phiếu VCB với khối lượng 23,5 triệu cổ phiếu. Ở chiều mua vào, giá trị giao dịch cổ phiếu này là 4.376 tỉ đồng trong khi giá trị bán ra là 2.907 tỉ đồng.

Theo sau đó, hai mã CTG và STB được nhà đầu tư nước ngoài mua ròng lần lượt là 346,5 tỉ đồng và 275,3 tỉ đồng. Cùng ghi nhận giá trị mua ròng cao còn có TPB (55,1 tỉ đồng), BID (28 tỉ đồng) và SHB (22,78 tỉ đồng).

Hoạt động mua ròng của khối ngoại tại cổ phiếu CTG diễn ra trong điều kiện "hở room" khi mã này bị khối ngoại bán ròng mạnh trong quý cuối năm 2018. Ghi nhận thời điểm hiện tại (19/7), cổ phiếu CTG đã 'kín room' khối ngoại với tỉ lệ 30%.

Bên cạnh giao dịch nhộn nhịp của một số mã đầu ngành, ba cổ phiếu giao dịch trên UPCoM là VIB, KLB và BAB lại không thu hút được sự quan tâm của khối ngoại. Giá trị giao dịch của nhà đầu tư nước ngoài ở ba mã này là rất thấp.

Giao dịch cân bằng của khối ngoại với việc giá trị bán ra tương đương giá trị mua vào xuất hiện ở một số mã như MBB, ACB, TCB và NVB.

Ngược xu hướng với các mã trên, cổ phiếu HDB chịu áp lực 'xả' chủ yếu từ khối ngoại trong nửa đầu 2019. Giá trị bán ròng cổ phiếu HDB đạt 785 tỉ đồng với khối lượng 27,7 triệu đơn vị. Bên cạnh đó, nhà đầu tư nước ngoài còn bán ròng LPB (56,8 tỉ đồng), EIB theo sau với 4,7 tỉ đồng và VPB (1,38 tỉ đồng).

Với những gì diễn ra trong 6 tháng đầu năm, dường như dòng tiền ngoại chưa có nhiều biến động ở một số cổ phiếu nhóm ngân hàng, ngoại trừ trường hợp của VCB, HDB, CTG và STB.

Luật Chứng khoán sửa đổi – Chìa khóa của câu chuyện nới 'room'

Trở lại câu chuyện bán vốn tại các ngân hàng, liệu vấn đề 'room' khối ngoại có phải là điều khiến nhiều nhà đầu tư nước ngoài vẫn đang 'dửng dưng' trước những thông điệp gửi đi từ các nhà băng Việt Nam?

Bình luận về vấn đề này, theo ông ông David Lai, Giám đốc đầu tư Premia Partners –tổ chức tại Hong Kong vừa giải ngân 21 triệu USD vào TTCK Việt Nam cho biết, yếu tố để đánh giá cao TTCK Việt Nam là vấn đề vấn đề sở hữu nước ngoài. Hiện room khối ngoại của ngành công nghiệp nói chung là 49% và 30% cho các ngành ngân hàng và giao thông vận tải. Khi giới hạn sở hữu nước ngoài bị xóa bỏ sẽ tạo cơ hội lớn để thúc đẩy thị trường.

Đánh giá về triển vọng nới 'room' của các doanh nghiệp nói chung tại Việt Nam, theo ông Đỗ Bảo Ngọc, Phó TGĐ Chứng khoán Kiến thiết Việt Nam: "Câu chuyện nới room hiện tại nằm ở văn bản quan trọng là Luật sửa đổi Chứng khoán. Dự thảo Luật chứng khoán sửa đổi dự kiến đưa ra Quốc hội thông qua vào tháng 11 năm nay. Theo quan điểm của tôi, việc sửa đổi luật này đóng vai trò rất quan trọng trong việc mở "room" cho nhà đầu tư nước ngoài.

Bởi theo dự thảo, quan điểm điều hành room đối với các công ty niêm yết đã mở ra rất nhiều. Ví dụ như hiện nay, luật sẽ đẩy câu chuyện xử lí room cho các doanh nghiệp. Đối với những ngành nghề không bị giới hạn, room cho nhà đầu tư nước ngoài theo luật là 100%. Câu chuyện "room" cụ thể là bao nhiêu có thể do đại hội cổ đông của doanh nghiệp tự quy định thêm".

Ngoài ra, đối với các ngành nghề kinh doanh có điều kiện ở Việt Nam sắp tới thì hướng sửa đổi là giảm bớt rất nhiều. Trước đây rất khắt khe, nhưng giờ những ngành nghề kinh doanh không có điều kiện được mở ra rất rõ.

"Từ những việc sửa luật đấy thì tôi cho rằng sắp tới, khi mà luật được thông qua thì câu chuyện "room" trên thị trường chứng khoán Việt Nam được mở ra nhiều ở những ngành nghề phổ biến", ông Đỗ Bảo Ngọc đánh giá.

A33

Luật Chứng khoán sửa đổi - Chìa khóa của việc nới 'room' khối ngoại tại các ngân hàng.

Nói về cụ thể ngành ngân hàng, theo nhận định của vị chuyên gia này "Hiện nay ngành Ngân hàng giới hạn quy mô sở hữu nước ngoài 30%, sau khi sửa Luật chứng khoán và mở "room" đại trà, tôi tin tưởng việc mở room đối với ngành ngân hàng cũng sẽ cấp thiết và sẽ có những thông lệ cụ thể hóa hơn và được đẩy nhanh hơn. Hiện nay Chính phủ và Ngân hành Nhà nước đã có tư duy về việc mở thêm, có thể giới hạn không chỉ còn 30% nữa mà có thể nâng lên theo từng giai đoạn 35% - 40% - 49% đối với Ngân hàng.

Việc này có thể được đẩy mạnh sau khi luật chứng khoán mới được thông qua vào tháng 11 năm nay. Tôi tin tưởng câu chuyện nới room của chứng khoán Việt Nam trong vòng một năm tới chắc chắn là điểm thu hút nhà đầu tư nước ngoài".

Với những gì đã diễn ra trong nửa đầu năm nay cho thấy dòng tiền ngoại đã 'nằm vùng' tại những cổ phiếu ngân hàng trước khi câu chuyện về nới room và bán vốn cho khối ngoại có những động thái rõ nét hơn. Tuy nhiên, dòng vốn này vẫn diễn ra có sự chọn lọc và không ồ ạt ở tất cả những cổ phiếu ngân hàng. Đây là một điểm đáng quan tâm nếu nhà đầu tư có ý định đầu tư vào nhóm cổ phiếu "vua".

Hoàng Linh - Thu Thủy

[LIVE] ĐHĐCĐ Vincom Retail: Lãi 1.080 tỷ đồng trong quý I, lãnh đạo khẳng định không đổi tên khi xuất hiện cổ đông mới
Năm 2024, ban lãnh đạo Vincom Retail trình cổ đông kế hoạch kinh doanh với doanh thu thuần hoạt động sản xuất kinh doanh khoảng 9.500 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế là 4.420 tỷ đồng.