Rổ VN30: Sức ảnh hưởng của 'Họ Vingroup' vượt xa ngân hàng, mã tăng giảm mạnh nhất gắn với câu chuyện riêng nửa đầu 2019
Chặng đường nửa đầu 2019, VN30-Index bị VN-Index bỏ xa
Nửa đầu năm 2019, cổ phiếu vốn hóa lớn, điển hình là nhóm VN30 - Index diễn biến kém khả quan. Kết phiên 28/6, VN30-Index ở 864,2 điểm, tăng 9,2 điểm so với đầu năm, tương ứng tỉ lệ tăng 1,1 %, thấp hơn đáng kể so với mức tăng 6,4% của VN-Index. Đáng chú ý, chưa có thời điểm nào nhóm VN30 có sức tăng lớn hơn toàn thị trường.
Chỉ số VN30-Index có mức tăng thấp hơn VN-Index trong 6 tháng đầu năm. Nguồn: VNDirect
Diễn biến khởi sắc hai tháng đầu năm, VN30-Index tăng 84,5 điểm, tương ứng tỉ lệ tăng 9,9% và lập đỉnh 939,5 điểm vào ngày 25/2. Trong thời gian này, VN-Index tăng 11,4% lên 994,4 điểm, thậm chí sau đó chỉ số này vẫn tiếp tục tăng và thiết lập đỉnh 1006,6 điểm vào ngày 19/3, tương ứng tỉ lệ tăng 12,9%.
Sau giai đoạn tăng giá đó, thị trường dao động trong kênh giảm giá khiến cả hai chỉ số đều đi xuống. Kết quả là cả hai chỉ số thu hẹp đà tăng vào cuối tháng 6.
Nhóm VN30 phân hóa rõ rệt, cổ phiếu ngân hàng lao dốc, kéo tụt VN30-Index
Đầu năm 2019, danh mục cổ phiếu rổ VN30 có sự thay đổi với sự tham gia mới của 4 cổ phiếu là VHM, HDB, EIB và TCB; trong khi 4 cổ phiếu khác bị loại ra khỏi rổ VN30 là HSG, PLX, KDC và BMP. Với việc cơ cấu lại rổ VN30, dòng ngân hàng có số lượng cổ phiếu lớn nhất với 8/30 mã, chiếm tỉ trọng cao nhất danh mục. Do đó, diễn biến không mấy tích cực của nhóm ngân hàng cũng là một phần kìm hãm đà tăng nhóm VN30 6 tháng đầu năm
Thống kê nửa đầu năm 2019, nhóm VN30 có sự phân hóa rõ rệt với 17 mã tăng giá và 13 mã giảm giá, trong đó biên độ tăng giá cao nhất lên đến 40,5% còn biên độ giảm giá cao nhất là 33,1%.
Các cổ phiếu VN30 có sự phân hóa rõ rệt trong 6 tháng đầu năm. Nguồn: Sơn Tùng tổng hợp
Nhóm cổ phiếu tăng giá, có 8/17 mã tăng trên 10%. Trong đó, Dược Hậu Giang dẫn đầu với tỉ lệ tăng 40,5%, theo sau là Eximbank (33,8%), Vietcombank (31,8%). Việc cổ phiếu DHG 'dậy sóng' trong bối cảnh tổ chức Taisho Pharmaceutical thông báo chào mua công khai hơn 28,35 triệu cp, để nắm quyền chi phối doanh nghiệp.
Hai cổ phiếu EIB và VCB cũng là hai mã đứng đầu về tỉ lệ tăng giá của nhóm ngân hàng. Ngoài ra, cổ phiếu MBB của MBBank cũng có mức tăng 11,2% trong nửa đầu năm nay. Cổ phiếu CTG của VietinBank có mức tăng khiêm tốn 1%.
Trong khi 4 mã còn lại của nhóm ngân hàng giảm giá gồm HDB, STB, VPB và TCB. Đáng chú ý, cổ phiếu TCB của ngân hàng Techcombank là một trong 4 mã cổ phiếu giảm mạnh nhất nhóm VN30 khi mất đến 21,3% giá trị.
Cổ phiếu 'họ Vingroup' diễn biến tích cực trong nửa đầu năm nay. Cụ thể, cổ phiếu VRE của Vincom Retail tăng 24,7% và là một trong 4 cổ phiếu tăng mạnh nhất rổ VN30 nửa đầu năm nay. Cùng với đó, cổ phiếu VHM của Vinhomes và VIC của Vingroup cũng tăng lần lượt là 8% và 21,4%.
Ở chiều ngược lại, cổ phiếu CTD của Coteccons dẫn đầu nhóm giảm giá với mức giảm 33,1%. Nếu như DHG dậy sóng với câu chuyện riêng là cổ đông tổ chức muốn 'gom' cổ phiếu nắm quyền chi phối doanh nghiệp. Việc lao dốc của CTD cũng có câu chuyện riêng gắn liền với cổ đông tổ chức ngoại.
Tại ĐHĐCĐ năm 2019 của Coteccons, cổ đông lớn nhất - tổ chức Kustocem cho rằng lợi ích sáp nhập Ricons chưa được rõ ràng và sự sáp nhập không bổ sung lợi ích về mặt kỹ thuật của hai công ty. Tổ chức này cũng gửi đi thông điệp, Coteccons nên tập trung vào khả năng kinh doanh cốt lõi của mình. Kết quả là tờ trình về phương án sáp nhập giữa Coteccons và Ricons không được đại hội thông qua.
Quay trở lại, thống kê nửa đầu năm 2019, nhóm VN30 còn có 3 doanh nghiệp giảm trên 20% gồm Đạm Phú Mỹ (28,4%), FLC Faros (23%), Techcombank (21,3%). Hai cái tên giảm trên 10% là cổ phiếu CII của Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật TP. Hồ Chí Minh (14,4%) và SBT của Thành Thành Công – Biên Hòa (12,2%).
Các cổ phiếu khác có mức giảm dưới 10% gồm NVL của Novaland (giảm 7,2%), SSI của Chứng khoán SSI (6,9%), Hòa Phát (1,3%) và Gemadept (0,6%).
Chiếm 31,3% vốn hóa nhóm VN30, 'họ Vingroup' có sức ảnh hưởng lớn nhất
Với việc bổ sung 3 cổ phiếu, dòng cổ phiếu ngân hàng áp đảo các nhóm khác về số lượng. Tuy nhiên, "cuộc đua" về sức ảnh hưởng đến rổ VN30 của nhóm này lại đang đuối dần.
Thay đổi vốn hóa các cổ phiếu VN30 trong nửa đầu năm 2019. Nguồn: Sơn Tùng tổng hợp
Thống kê tại 28/6, vốn hóa thị trường nhóm VN30 đạt 2,34 triệu tỉ đồng, tăng 9,3% so với mức 2,14 triệu triệu tỉ đồng hồi đầu năm.
Trong đó, nhóm cổ phiếu "họ Vingroup" chiếm tỉ trọng cao nhất với 31,3%, hai cổ phiếu có vốn hóa lớn nhất cũng nằm trong nhóm này. Đứng đầu nhóm VN30, cổ phiếu VIC chiếm 16,5% vốn hóa với 387.125 tỉ đồng. Cổ phiếu VHM xếp thứ hai với 265.616 tỉ đồng, tương ứng tỉ lệ 11,4%. Theo sau đó, cổ phiếu VRE chiếm 3,4% tổng vốn hóa nhóm VN30, đạt 78.714 tỉ đồng.
Nhờ sự tăng trưởng mạnh của FPT, MWG và SAB, cổ phiếu bán lẻ, thực phẩm và đồ uống vượt qua nhóm ngân hàng vươn lên vị trí thứ hai về giá trị vốn hóa với tỉ lệ 24,6%. Trong đó, dẫn đầu là cổ phiếu VNM với 214,191 tỉ đồng, chiếm tỉ lệ 9,2% vốn hóa VN30, tiếp đến là SAB với 176.352 tỉ đồng (7,5%), MSN với 97.023 tỉ đồng (4,1%). Hai cổ phiếu MWG và FPT chiếm tỉ lệ lần lượt là 1,8% và 1,3%.
Tại nhóm cổ phiếu ngân hàng, do sự lao dốc của TCB, VPB, HDB và STB, vốn hóa nhóm này chỉ còn chiếm 24,2% rổ VN30. Trong đó, Vietcombank có sự tăng trưởng mạnh nhất về vốn hóa trong nhóm, đứng thứ ba về tỉ lệ vốn hóa rổ VN30 với 11,2%. Tiếp sau đó, với mức tăng giá 34,3%, vốn hóa thị trường của Eximbank tăng lên mức 23.113 tỉ đồng, vượt qua Sacombank.
Đối với Techcombank, mặc dù vốn hóa giảm 20,5% trong nửa đầu năm nhưng ngân hàng này vẫn có vốn hóa xếp thứ hai trong nhóm và cao nhất trong các ngân hàng tư nhân, đạt 71.156 tỉ đồng.
Nhóm các cổ phiếu còn lại chiếm 19,9% vốn hóa nhóm VN30. Trong đó, cổ phiếu GAS đứng đầu với 186.610 tỉ đồng, tương ứng tỉ lệ 8%. Các cổ phiếu có vốn hóa thấp nhất trong nhóm gồm CII (0,2%), DPM, GMD và CTD (0,3%).
Câu lạc bộ 'ba chữ số' có thêm 2 cổ phiếu
Theo giá đóng cửa ngày 28/6, nhóm VN30 có 6 cổ phiếu có thị giá trên 100.000 đồng/cp, tăng thêm 2 mã so với đầu năm, gồm VIC và DHG.
Nhóm VN30 có 6 cổ phiếu thị giá trên 100.000 đồng/cp. Nguồn: Sơn Tùng tổng hợp
Trong đó, cổ phiếu SAB có giá cao nhất với mức giá 275.000 đồng/cp, đồng thời giữ vị trí quán quân trên thị trường chứng khoán Việt Nam. Mức giá này cao gấp 2,15 lần so với mức 128.000 đồng/cp của mã cao thứ hai là VJC.Theo sau đó, cổ phiếu VNM đang có giá 123.000 đồng/cp, VIC giá 115.700 đồng/cp.
Cổ phiếu DHG, nhờ sự bứt phá trong tháng 2 cũng lọt top thị giá cao nhất với mức 109.000 đồng/cp, cao hơn đáng kể so với giá 77.600 đồng/cp hồi đầu năm. Trong khi đó, cổ phiếu CTD lao dốc từ 160.000 đồng/cp về 107.000 đồng/cp sau thông tin về việc dừng sáp nhập và nội bộ doanh nghiệp,
Ngoài ra, cổ phiếu GAS đã có thời gian tăng lên trên 100.000 đồng/cp trong tháng 4. Tuy nhiên, do ảnh hưởng tiêu cực từ giá dâu thô thế giới, cổ phiếu này rơi khỏi "câu lạc bộ ba chữ số" và giảm về mức giá 97.500 đồng/cp tại ngày 28/6.