Nhiều Bluechips vượt đỉnh lịch sử, nhà đầu tư có nên tạm 'quên' VN-Index?
VN-Index và VN30-Index còn cách khá xa so với đỉnh lịch sử
Nửa đầu năm 2019, thị trường chứng khoán nhìn chung diễn biến tích cực với sự tăng điểm của cả hai chỉ số VN-Index và VN30-Index. Diễn biến tích cực chủ yếu từ các nhóm cổ phiếu midcaps, trong khi các mã Bluechips giao dịch phân hóa.
VN-Index và VN30-Index còn cách khá xa so với đỉnh lịch sử. Nguồn: VNDirect
Cụ thể, VN30-Index tăng từ đáy 838,79 điểm lên 873,71 điểm, tương đương tỉ lệ 4,16%. Trong khi đó, VN-Index ghi nhận mức tăng trưởng vượt trội hơn với tỉ lệ 10,74%, tương ứng tăng 94,31 điểm lên 972,53 điểm.
Tuy nhiên, so với mốc đỉnh lịch sử thiết lập ngày 9/4/2018, hiện hai chỉ số vẫn còn cách khá xa. Với điểm số tại ngày 15/7 là 972,53 điểm, VN-Index cần tăng thêm 231,8 điểm hay 19,24% để trở lại đỉnh 1.204,33 điểm. Đối với VN30-Index, để lên được đỉnh cũ 1.177,66 điểm, chỉ số này cần tăng thêm 303,95 điểm, tương đương tỉ lệ 25,8%.
Các cố phiếu MWG, VIC và EIB đã thiết lập nên đỉnh cao mới
Nếu theo dõi thị trường qua VN-Index, dường như xu hướng chung là đi ngang. Tuy nhiên, trong diễn biến lình xình của chỉ số thị trường, nhiều cố phiếu nhóm VN30 đã tiến sát tới vùng đỉnh lịch sử, thậm chí một số mã đã thiết lập mức đỉnh mới về giá. Đáng chú ý, phần lớn trong số đó là cổ phiếu của các doanh nghiệp đầu ngành.
Cổ phiếu MWG tăng trưởng vượt trội so với VN-Index sau đỉnh lịch sử 2018. Nguồn: VNDirect
Phiên giao dịch ngày 15/7, giá cổ phiếu MWG của Thế giới Di động – doanh nghiệp dẫn đầu ngành bán lẻ tăng 3,2% lên 101.200 đồng/cp, chính thức phá vỡ đỉnh lịch sử 100.700 đồng/cp (tính theo giá điều chỉnh) thiết lập ngày 23/11/2017.
Trong "con sóng" 2017 - 2018, MWG là một trong số ít những cổ phiếu tạo đỉnh trước thị trường, với thời gian tạo đỉnh trước 5 tháng. Giai đoạn từ tháng 11/2017 – 4/2018, trong khi thị trường tiếp tục tạo nên những đỉnh cao mới thì cổ phiếu này có nhịp giảm mạnh 26,3% về 71.200 đồng/cp vào ngày 19/4.
Tuy nhiên, sau đó cổ phiếu MWG hồi phục trở lại và thiết lập xu hướng tăng giá. Đặc biệt, kể từ đầu năm 2019, giá cổ phiếu MWG với mức tăng 24%. Trong khoảng thời gian này, giao dịch của cổ đông nội bộ và cổ đông lớn tại cổ phiếu MWG diễn ra khá nhộn nhịp.
Gần nhất, ông Nguyễn Đức Tài - Chủ tịch HĐQT đăng ký mua 300.000 cp MWG từ 18/6 -17/7, mục tiêu nâng sở hữu lên 11,76 cp, tương ứng 2,65% vốn điều lệ. Trước đó, Thành viên HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Trần Kinh Doanh đã mua 500.000 cp, nâng sở hữu lên 3,64 triệu cp (tỉ lệ 0,82%).
Việc tăng giá của Thế giới Di động đến từ những tín hiệu tích cực trong kết quả kinh doanh. Lũy kế 5 tháng đầu năm 2019, công ty ghi nhận doanh thu thuần hợp nhất đạt 42.784 tỉ đồng (tăng 15% so với cùng kỳ) và lợi nhuận sau thuế đạt 1.792 tỉ đồng (tăng 39% so với cùng kỳ), thực hiện tương ứng 39% kế hoạch doanh thu và 50% kế hoạch lợi nhuận cả năm.
Bên cạnh đó, cổ phiếu MWG cũng được nhiều công ty chứng khoán (CTCK) lựa chọn làm chứng khoán cơ sở để phát hành sản phẩm chứng quyền có đảm bảo. Đến thời điểm hiện tại, có 4 chứng quyền được xây dựng dựa trên cổ phiếu MWG do 4 CTCK gồm SSI, HSC, VNDirect và BSC phát hành. Xu hướng tích cực của cổ phiếu MWG góp phần khiến cho các chứng quyền này tăng giá mạnh, mang lại tỉ suất lợi nhuận cao cho nhà đầu tư.
Giao dịch nhóm chứng quyền dựa trên cổ phiếu MWG phiên 15/7. Nguồn: VNDirect
Trước thời điểm trên, hai cổ phiếu VIC của Tập đoàn Vingroup và EIB của Eximbank cũng vượt đỉnh lịch sử về giá.
Với vị trí vốn hóa đứng đầu cả hai sàn, cổ phiếu VIC thể hiện tốt vai trò trụ đỡ thị trường trong giai đoạn điều chỉnh. Trong bối cảnh thị trường chung giảm mạnh sau khi tạo đỉnh vào tháng 4/2018, cổ phiếu này vẫn duy trì giao dịch quanh vùng giá cao nhất kể từ khi niêm yết. Phiên giao dịch ngày 19/3/2019, cổ phiếu VIC giao dịch tích cực, đóng cửa ở 121.000 đồng/cp, ghi nhận mức giá cao nhất lịch sử.
Cổ phiếu VIC thiếp lập nền giá mới trên vùng đỉnh lịch sử. Nguồn: VNDirect
Khác với các mã khác nhóm ngân hàng, cuối tháng 6, cổ phiếu EIB trở lại vùng đỉnh cũ 18.500 đồng/cp được thiết lập vào ngày 22/8/2012 (tính theo giá điều chỉnh). Phiên 28/6 và 1/7, cổ phiếu EIB đóng cửa ở 18.800 đồng/cp, cao nhất kể từ khi niêm yết.
Nếu so sánh với đỉnh mức giá 16.500 đồng/cp tại thời điểm VN-Index tạo đỉnh 1204.33 điểm, cổ phiếu EIB hiện tăng thêm 1.750 đồng/cp, tương ứng tỉ lệ 10,6%.
Cổ phiếu EIB hiện đang giao dịch tại vùng đỉnh lịch sử. Nguồn: VNDirect
Hai cổ phiếu VCB và FPT đang tiến tới đỉnh lịch sử
Ngoài những cổ phiếu trên, hai cổ phiếu VCB của Vietcombank và FPT của Tập đoàn FPT cũng ghi nhận sự bứt phá trong thời gian vừa qua và tiến sát đỉnh lịch sử về giá.
Cổ phiếu VCB hiện đang tiệm cận vùng đỉnh lịch sử. Nguồn: VNDirect
Tính từ đầu năm 2019 đến nay, cổ phiếu VCB tăng từ 53.600 đồng/cp lên 75.000 đồng cổ phiếu, tương ứng tỉ lệ tăng gần 40%, gấp gần 4 lần so với chỉ số VN-Index.
Trong giai đoạn 2017 – 2018, VCB là một trong những mã dẫn dắt thị trường và thiết lập mức giá cao nhất 75.500 đồng/cp. Đóng cửa phiên 15/7, cổ phiếu VCB đóng cửa ở 75.000 đồng/cp, cách đỉnh lịch sử 500 đồng/cp.
Sự tăng giá của cổ phiếu Vietcombank một phần đến từ kết quả kinh doanh tích cực. Thông tin mới đây từ nhà băng này, lợi nhuận hợp nhất 6 tháng đầu năm đạt 11.280 tỉ đồng, tăng 40,7% và thực hiện được 55% kế hoạch cả năm.
Cổ phiếu FPT còn cách đỉnh lịch sử 1.000 đồng/cp. Nguồn: VNDirect
Đối với mã FPT, cổ phiếu này trước đó diễn biến khá đồng thuận với thị trường. Trong nhịp điều chỉnh của thị trường vào quí II/2018, cổ phiếu FPT cũng giảm 27,8%, từ đỉnh lịch sử 46.900 đồng/cp xuống còn 33.700 đồng/cp ngày 12/6/2018 (giá điều chỉnh).
Sau thời điểm đó, cổ phiếu FPT tạo đáy và có sự hồi phục. Đặc biệt, kể từ đầu năm 2019, cổ phiếu FPT đã tăng 29,2% lên 47.300 đồng/cp. Như vậy, cổ phiếu FPT đang giao dịch ở vùng giá cao nhất kể từ khi niêm yết.
Tương tự như Thế giới Di động, việc tăng giá của cổ phiếu FPT diễn ra trong bối cảnh kinh doanh tích cực, cùng với việc được chọn làm chứng khoán cơ sở để xây dựng chứng quyền.
Trên thị trường, hiện có 3 mã chứng quyền dựa trên cổ phiếu FPT được phát hành bởi hai công ty chứng khoán SSI và VNDirect.
Diễn biến chứng quyền dựa trên cổ phiếu FPT phiên 15/7. Nguồn: VNDirect
Về kết quả kinh doanh, kết thúc 5 tháng đầu năm, doanh thu và lợi nhuận trước thuế (LNTT) của FPT tăng 20% và 22% so với cùng kỳ, lần lượt đạt 9.961 tỉ đồng và 1.719 tỉ đồng.
Như vậy, thống kê trên cho thấy, các cổ phiếu Bluechips đã ngược dòng với diễn biến thị trường chung. Trong kịch bản này, nhà đầu tư quan tâm từng mã cổ phiếu, theo dõi kết quả kinh doanh dường như đang hiệu quả hơn việc quan tâm đến các chỉ số thị trường.