|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Go-Jek gom tiền, giảm giá cho cuộc chiến sống còn với Grab trong năm 2019

16:16 | 20/01/2019
Chia sẻ
Trong bối cảnh Go-Jek và Grab cùng tăng tốc mở rộng dịch vụ và khu vực địa lý, 2019 sẽ là năm mà "kỳ lân xe ôm" của Indonesia dốc sức cho cuộc chiến sống còn.

Grab và Go-Jek, hai kỳ lân công nghệ ở Đông Nam Á, đều có hơn 100 triệu lượt tải ứng dụng gọi xe, đều thu hút những khoản vốn từ các tập đoàn lớn nhất thế giới. Hai người điều hành cặp kỳ lân này cũng từng học Trường Kinh doanh Harvard (Mỹ).

Giờ đây, trong năm 2019, họ sẽ đối đầu trực diện với những kế hoạch mở rộng ra khắp Đông Nam Á, không chỉ trong mảng gọi xe chủ đạo, mà còn"lấn" sang nhiều mảng như tín dụng vi mô, bảo hiểm.

Grab tám lạng, Go-Jek nửa cân

Ra đời năm 2012, Grab đã xây dựng một đế chế kinh doanh trải dài ở 8 quốc gia ở Đông Nam Á, một phần nhờ vào việc thôn tính hoạt động ở khu vực của đối thủ Uber, cũng là công ty tiên phong trong mảng gọi xe trực tuyến.

Nhưng Go-Jek cũng phát triển nhanh. Ra đời tại Indonesia vào năm 2010, "kỳ lân xe ôm" chỉ hoạt động trong lãnh thổ Indonesia tới tận năm 2018, khi họ công bố khoản đầu tư 500 triệu USD để mở rộng mô hình ra các nước khác trong khu vực. Chỉ trong vòng vài tháng sau đó, công ty triển khai hoạt động ở Việt Nam - nơi họ cạnh tranh trực tiếp với Grab.

cuoc chien song con giua grab va go jek trong nam 2019
Tài xế Go-Jek và tài xế Grab tại Indonesia. Ảnh: Nikkei

Chiến lược mở rộng ra thị trường quốc tế thận trọng của Go-Jek khiến công ty dễ chịu ảnh hưởng tiêu cực từ chủ trương kiểm soát tăng dần ở các nước. Tuần trước, chính phủ Philippines từ chối cho Go-Jek hoạt động ở nước này.

Nhưng dịch vụ của Go-Jek đã xuất hiện ở Thái Lan vào cuối năm 2018, một dấu hiệu cho thấy sự dè chừng của các chính phủ không thể cản trở tham vọng của Go-Jek. Giờ đây, họ đã tiến thẳng tới "căn cứ địa" của Grab ở quê nhà Singapore. Go-Jek tung dịch vụ gọi xe thử nghiệm đối với một số lượng khách hàng nhất định ở Singapore hồi tháng 11 năm ngoái. Vài hôm trước, Go-Jek đã mở rộng dịch vụ tới mọi người.

"Chúng tôi cam kết tăng thêm lựa chọn tới thị trường gọi xe ở Singapore, cái nôi của sáng tạo và giao thông đô thị ở Đông Nam Á", ông Andre Soelistyo, chủ tịch Go-Jek, phát biểu.

Giảm giá và ưu đãi tài xế

Một trong những chiến lược kinh doanh của Go-Jek là giảm giá và ưu đãi tài xế. Giá cuốc xe của Go-Jek thấp hơn 10-30% so với Grab và tài xế có vẻ thích chính sách ấy.

"Tôi bỏ Grab để sang Go-Jek vì hãng có ưu đãi tốt hơn cho tài xế", một tài xế ở Singapore kể.

cuoc chien song con giua grab va go jek trong nam 2019
Nadiem Makarim, tổng giám đốc điều hành công ty Go-Jek. Ảnh: The Information.

Giống như Grab, kỳ lân Go-Jek cũng tìm cách thu hút khách hàng và tài xế không chỉ với dịch vụ gọi xe, mà còn bằng cả những dịch vụ khác như thanh toán trực tuyến, tín dụng vi mô, bảo hiểm. Ở Việt Nam, Go-Jek đã liên kết với ngân hàng Công thương để cung cấp dịch vụ thanh toán trực tuyến. Họ cũng công bố thỏa thuận hợp tác chiến lược với tập đoàn DBS Group Holdings - một trong những tổ chức cho vay lớn nhất Singapore - nhằm tung ra dịch vụ tương tự ở Singapore.

Chuẩn bị nguồn lực tài chính

Để hỗ trợ quá trình mở rộng, Go-Jek đã thuyết phục nhiều quỹ đầu tư lớn và đối tác lớn. Họ đã hoàn tất quá trình gọi vốn 2 tỷ USD với những nhà đầu tư "khủng" như Google, Tencent, JD. Sau vòng gọi vốn ấy, mức định giá của Go-Jek đã lên tới 9 tỷ USD.

Ban lãnh đạo Grab không tỏ ra lo lắng trước quá trình chuẩn bị ráo riết của Go-Jek. "Chúng tôi có đối thủ cạnh tranh ở mọi quốc gia mà chúng tôi vận hành dịch vụ. Các đối thủ nhỏ xuất hiện rồi biến mất trong quá trình chúng tôi triển khai dịch vụ trong 6 năm qua. Với sự mở rộng của Go-Jek, chúng tôi không cảm thấy lo ngại", một nhà quản lý của Grab nói với các phóng viên trong một sự kiện hồi tháng 12 năm ngoái.

Xem thêm

Nhạc Dương