|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

'Cần gấp gói lãi suất 0%' - Góp ý cuối cùng của TS. Bùi Quang Tín trước khi qua đời

16:37 | 06/04/2020
Chia sẻ
Trước khi qua đời một ngày, TS. Bùi Quang Tín đã có cuộc trao đổi với một số nhà báo về chính sách giảm lãi suất của các ngân hàng. Ông cũng có bài viết về việc "cần gấp gói lãi suất 0%" để đối phó với ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 trên báo Người lao động.

Tối ngày 5/4, thông tin qua đời của TS. Bùi Quang Tín, giảng viên Trường Đại học Ngân hàng TP HCM, một chuyên gia am hiểu sâu rộng về lĩnh vực kinh tế, đã gây bất ngờ cho nhiều người.

Ông Tín đã có hơn 23 năm nghiên cứu, giảng dạy và làm việc thực tiễn trong lĩnh vực Tài chính - Ngân hàng và trên 7 năm nghiên cứu, làm việc trong lĩnh vực pháp lí. Ông còn giữ chức Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành của Trường Doanh nhân BizLight; Thành viên sáng lập Công ty luật Globalink; Thành viên đoàn Luật sư TP. HCM. 

Ngoài công tác giảng dạy, TS. Bùi Quang Tín còn tham gia viết báo, đóng góp nhiều ý kiến xây dựng chính sách, phát triển kinh tế, nhất là trong mảng tài chính - ngân hàng.

'Gói lãi suất 0%' - Góp ý cuối cùng của TS. Bùi Quang Tín trước khi qua đời - Ảnh 1.

TS. Bùi Quang Tín, Chủ tịch - CEO Trường Doanh nhân BizLight, Giảng viên Trường Đại học Ngân hàng TP HCM (Nguồn: BizLight.edu.vn).

Trước khi mất một ngày, ông Tín đã có buổi tiếp xúc, trao đổi với một số nhà báo về chính sách giảm lãi suất, hỗ trợ doanh nghiệp bị ảnh hưởng đại dịch COVID-19.

Báo Người lao động sáng nay đăng tải bài viết cuối cùng của TS. Bùi Quang Tín trước ngày ra đi. Bài viết có tựa đề "Vực dậy kinh tế, cần gấp gói lãi suất 0%".

Theo nhận định của chuyên gia, để vực dậy nền kinh tế, nhiều quốc gia trên thế giới như Mỹ, Anh, Nhật Bản…đã khẩn cấp hạ lãi suất về gần 0% hoặc lãi suất âm, đưa thêm tiền ra thị trường qua việc thu mua trái phiếu giúp doanh nghiệp trả lương cho người lao động, trang trải chi phí hoạt động, thanh toán nợ nần…

Chính phủ thiết lập gói cho vay lãi suất 0% sẽ tạo ra dòng tiền hỗ trợ người dân, doanh nghiệp duy trì hoạt động, khôi phục sản xuất - kinh doanh trong và sau khi hết đại dịch COVID-19.

Chuyên gia tài chính TS. Bùi Quang Tín

Mặc khác, các quốc gia này còn ban hành chính sách giảm thuế; tăng thêm chi tiêu của Chính phủ để tạo ra việc làm giúp người dân có thu nhập, kích thích tiêu thụ - sản xuất hàng hóa.

Tại Việt Nam, Chính phủ cũng đã định hướng cắt giảm chi tiêu thường xuyên, chuẩn bị ban hành chính sách gia hạn 18.000 tỉ đồng tiền thuế, tiền thuê đất; gấp rút giải ngân vốn đầu tư công 700.000 tỉ đồng (khoảng 30 tỉ USD), đưa ra nhiều gói hỗ trợ an sinh xã hội…

Đặc biệt, nhiều ngân hàng thương mại (NHTM) đã giảm lãi suất 0,5%-3%/năm, khoanh giãn nợ cho các các khoản vay cũ; triển khai gói cho vay mới 250.000 tỉ đồng với lãi suất thấp nhất 4,5%/năm…

Thế nhưng, các giải pháp này là nguồn lực tự nguyện của các NHTM, còn Chính phủ chưa sử dụng ngân sách để bù đắp việc giảm lãi suất; khoanh, giãn nợ cho người đang vay tiền từ các NHTM.

Do dịch bệnh ngày càng lan rộng nên hiện nay việc tiêu thụ hàng hóa trong và ngoài nước vô cùng khó khăn. Từ đó, cá nhân và doanh nghiệp giảm thu nhập làm cho tình hình thanh toán có nguy cơ thiếu hụt dây chuyền. Do đó, Chính phủ thiết lập gói cho vay lãi suất 0% sẽ tạo ra dòng tiền hỗ trợ người dân, doanh nghiệp duy trì hoạt động, khôi phục sản xuất - kinh doanh trong và sau khi hết đại dịch COVID-19.

Ông cũng chỉ rõ nguồn tiền để thực hiện gói cho vay này cần phải huy động từ ngân sách và từ nguồn tài trợ của các tổ chức tài chính quốc tế.

Theo đó, Việt Nam có thể nhận được tài trợ 50 triệu USD từ World Bank, 400 triệu USD từ Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC). Ngoài ra, nước ta còn có thêm nguồn tài trợ nằm trong 6,5 tỉ USD mà Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) hỗ trợ cho các quốc gia thành viên.

Để triển khai gói lãi suất 0%, Chính phủ có thể giao cho một số NHTM làm trung gian cho vay, xác định cho vay tín chấp hay có thế chấp tài sản. 

Trong bối cảnh dịch bệnh, chính sách cho vay lãi suất 0% là một trong những biện pháp cấp bách giải cứu DN nhưng đồng thời giải cứu cả ngân hàng.

TS. Bùi Quang Tín

Ông cũng lưu ý rằng, với gói lãi suất 0%, các NHTM không cho vay đại trà mà cần đưa ra tiêu chí, chọn lựa từng khách hàng có khả năng kinh doanh thành công để cho vay, nếu không sẽ dẫn đến tác dụng ngược: "Ngân hàng đứng cho vay, quì đòi nợ".

Theo đó, ngân hàng có thể nới lỏng các điều kiện giải ngân cho nhóm khách hàng trước đây từng sản xuất - kinh doanh hiệu quả; có dòng tiền trôi chảy, lịch sử thanh toán nợ đúng hạn… nhưng hiện đang gặp khó khăn vì dịch bệnh.

Trong quá trình thực hiện, nếu NHTM cho vay không đúng địa chỉ, dẫn đến không thu hồi được nợ thì Chính phủ cần qui trách nhiệm cho ngân hàng đó. Bởi việc thẩm định, xét duyệt cho vay là do ngân hàng thực hiện. Trong khi đó, ngân hàng luôn nắm bắt được mọi thông tin của DN nên không có lí do gì giải ngân "nhầm" đối tượng. 

Mặt khác, trong bối cảnh dịch bệnh, chính sách cho vay lãi suất 0% là một trong những biện pháp cấp bách giải cứu DN nhưng đồng thời giải cứu cả ngân hàng.

Như thế, nếu trong năm 2020, Mỹ và nhiều quốc gia khác tiếp tục giảm lãi suất, tăng thêm chính sách giảm thuế, phí… cho DN, nhiều khả năng kinh tế toàn cầu sẽ kìm hãm được đà suy giảm do COVID-19

'Gói lãi suất 0%' - Góp ý cuối cùng của TS. Bùi Quang Tín trước khi qua đời - Ảnh 4.

Ảnh minh hoạ (Nguồn: Zing News).

Trao đổi với trang Tri thức trẻ, TS. Bùi Quang Tín đã đưa ra một số ý kiến về chỉ thị của NHNN về việc không chia cổ tức bằng tiền mặt cho cổ đông ngân hàng để tập trung nguồn lực giảm lãi suất cho vay hỗ trợ doanh nghiệp trong dịch COVID-19. Điều này có thực sự cần thiết hay không vì điều này sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến lợi ích của các cổ đông?

Ông cho biết nếu không chia cổ tức bằng tiền mặt thì ngân hàng vẫn có thể chia cổ tức bằng cổ phiếu. Khi đó, ngân hàng sẽ giữ lại được tiền mặt, nằm trong phần lợi nhuận của ngân hàng. Theo đó, cổ tức này sẽ chuyển một phần vào vốn điều lệ. Khi giữ lại được lợi nhuận, số tiền này có thể xem như nguồn vốn này có lãi suất bằng 0.

Như vậy, thay vì phải đi vay vốn trên thị trường 1 phải mất lãi suất, hay đi vay NHNN cũng vậy thì ngân hàng thương mại có được nguồn vốn không lãi suất, có cơ hội cho vay giá rẻ cho doanh nghiệp và người dân.

Tuy nhiên, nếu việc cắt giảm các chi phí hoạt động dễ dàng hơn thì việc không chia cổ tức bằng tiền mặt lại khiến các ngân hàng phải đắn đo khá nhiều. Cổ đông của nhiều ngân hàng đã phải nhiều năm liền không được chia cổ tức do tái cơ cấu, và khi ngân hàng làm ăn khấm khá lên vẫn phải nhận "cổ tức bằng giấy". Lời hứa hẹn sẽ chia cổ tức bằng tiền mặt giờ càng xa vời.

Nói thêm về việc giảm lãi suất cho vay cho các doanh nghiệp, ông Bùi Quang Tín cho rằng tuy nói là chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp, nhưng cũng là hỗ trợ cho chính ngân hàng.

Việc giảm lãi suất cho vay là nhu cầu của xã hội chứ không chỉ xuất phát từ yêu cầu của NHNN. Tuy nhiên, giảm lãi suất cho vay không hề đơn giản, các ngân hàng sẽ phải cân đối lại chi phí, bao gồm chi phí huy động cho đến chi phí lương, thưởng, chi phí mặt bằng, chi phí công nghệ thông tin,…

Ông Tín chia sẻ thêm, giảm chi phí nhân viên hay công nghệ thông tin là cực kì khó giảm, do đó, giảm chi phí huy động là tốt nhất.

"Lãi suất huy động dễ giảm nhất, vì kinh doanh khó khăn, làm cái gì cũng lỗ thì người dân sẽ chọn ngân hàng để gửi tiền hơn là đổ tiền vào chứng khoán hay bất động sản. Do đó, dù lãi suất huy động giảm, người dân vẫn sẽ gửi tiền ngân hàng, bởi lúc này, không phải vàng, hay chứng khoán, hay bất động sản,..mà tiền mặt là vua", ông nhận định. 

Chưa kể, trong những năm qua, lạm phát luôn được duy trì ở mức thấp, sự an toàn của hệ thống ngân hàng Việt ngày càng được củng cố và tạo niềm tin cho người dân.

Trúc Minh