|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Gói kích thích bất động sản của Trung Quốc đặt ra câu hỏi hóc búa về giá quặng sắt

19:00 | 27/11/2023
Chia sẻ
Trung Quốc đang phải vật lộn với những hậu quả tăng giá của quặng sắt - nguyên nhân chính gây lạm phát hàng hóa cho nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.

Theo Bloomberg, khi giá quặng sắt tăng vọt lên mức cao nhất kể từ tháng 6/2022, cơ quan hoạch định kinh tế hàng đầu của Trung Quốc đã cử nhân viên đến các sàn giao dịch, tổ chức giao dịch kỳ hạn để giám sát chặt chẽ hơn. Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia (NDRC) sau đó đã cảnh báo một số nhà giao dịch đang cường điệu hoá về giá quặng sắt, thao túng và “các hoạt động bất hợp pháp” khác trên thị trường. 

Theo một tuyên bố hôm thứ Sáu (24/11), NDRC cũng đang tìm cách tăng cường giám sát quặng sắt tại các cảng để ngăn chặn việc tích trữ và đầu cơ.

Vì vậy, những động thái tiếp theo trên thị trường không chỉ phụ thuộc vào việc liệu các biện pháp kích thích của Bắc Kinh có khiến nguồn cung quặng sắt bị căng thẳng hay không, mà còn phụ thuộc vào việc liệu chính phủ có thể kiềm chế xu hướng tăng giá khi khởi động lại lĩnh vực bất động sản hay không.

Citigroup Inc. dự đoán giá sẽ sớm đạt 140 USD/tấn, sau khi vượt qua mức 130 USD/tấn vào ngày 15/11.

 Nguồn: Sàn giao dịch Singapore, Bloomberg (H.Mĩ Việt hoá)

Các nhà giao dịch ở Trung Quốc cũng cho biết tâm lý thị trường đang có xu hướng lạc quan hơn, mặc dù cũng không ít người tỏ ra dè dặt trước động thái của chính phủ.

Trung Quốc từ lâu đã nghi ngờ trước sự tăng giá của quặng sắt và can thiệp nhiều hơn trong những năm gần đây để kiềm chế đà tăng mặt hàng nguyên liệu này. Bắc Kinh cũng muốn giảm bớt ảnh hưởng của các gã khổng lồ khai thác trên thế giới như BHP Group Ltd. và Rio Tinto Group, những công ty mà họ tuyên bố sẽ thu được lợi nhuận khổng lồ từ nhu cầu của Trung Quốc.

Những cảnh báo mới đây đã có một số ảnh hưởng đến giá quặng sắt khi bắt đầu giảm trong những phiên gần đây. Tuy nhiên, hợp đồng tương lai tại Singapore tuần trước vẫn đánh dấu tuần tăng thứ 5 liên tiếp và cao hơn khoảng 40% so với mức thấp nhất trong năm nay.

Ông Tomas Gutierrez , nhà phân tích tại Kallanish Commodities cho biết: “Về cơ bản, tâm lý của thị trường đối với quặng sắt trong năm tới đã thay đổi. Điều này không được hỗ trợ đầy đủ bởi các nguyên tắc cơ bản hiện tại vì nhu cầu hiện tại rất yếu. Nhưng chúng tôi kỳ vọng nhu cầu năm 2024 sẽ tăng so với năm nay, với nhu cầu thép xây dựng ổn định.”

Ngay cả trước khi Bắc Kinh tăng cường hỗ trợ cho thị trường bất động sản, giá quặng sắt đã cho thấy khả năng phục hồi. Các động lực trong nền kinh tế - từ máy móc đến đóng tàu và chi tiêu cơ sở hạ tầng - đã bù đắp cho sự suy giảm hoạt động xây dựng trong các công trình dân dụng, dự án bất động sản. Xuất khẩu thép tăng cũng góp phần làm giảm lượng phế liệu sẵn có, một nguồn thay thế cho quặng sắt.

Nhưng đà tăng gần đây là sự đặt cược của các nhà giao dịch rằng các biện pháp kích thích nền kinh tế của Bắc Kinh sẽ giúp thúc đẩy nhu cầu. Các mặt hàng khác từ đồng đến nhôm cũng tăng giá một phần nhờ hy vọng tiêu dùng của Trung Quốc mạnh hơn.

Các nhà phân tích của Citigroup bao gồm Wenyu Yao cho rằng các biện pháp vực dậy ngành bất động sản khiến “Citigroup tin tưởng nhiều hơn về mức tiêu thụ quặng sắt ổn định từ phần thị trường này. Bất kỳ đợt giảm giá quặng sắt nào từ đây cho đến ít nhất là Tết Nguyên đán đều có thể là cơ hội mua vào”.

Sự thay đổi tâm lý cũng đang đi kèm với nguồn cung đang khá hạn hẹp. Dự trữ quặng sắt tại các cảng lớn của Trung Quốc đang ở mức thấp nhất vào thời điểm này trong năm kể từ năm 2015. Tương tự, lượng tồn kho thép cũng thấp hơn bình thường, Citigroup ghi nhận mức giảm nhanh bất thường trong những tuần gần đây.

 Nguồn: Steelhome, Bloomberg (H.Mĩ Việt hoá)

Sản xuất thép của Trung Quốc cũng đang tỏ ra mạnh mẽ và chính phủ dường như ngày càng khó có thể thực thi mức trần sản lượng thông thường ở mức của năm trước. Sản lượng trong 10 tháng năm 2023 cao hơn 1,4% so với cùng kỳ năm ngoái.

Ông Gutierrez, chuyên gia của Kallanish cho biết, các nhà sản xuất thép “phần lớn có tỷ suất lợi nhuận tích cực, vì vậy sản lượng có thể sẽ duy trì ở gần mức hiện tại trong thời gian còn lại của năm nay”.  

Ông Nicholas Snowdon , nhà phân tích tại Goldman Sachs Group Inc., nhận định thị trường trong nước coi sự can thiệp chính thức của chính phủ là “rủi ro giảm giá chính” đối với giá cả trong thời gian tới.  Nhưng những người tham gia cũng coi “các đợt bán tháo là một cơ hội mua vào do vĩ mô đang dần tốt lên” và niềm tin lớn hơn vào nhu cầu trong năm tới.

Sự phục hồi của quặng sắt diễn ra vào thời điểm nhạy cảm đối với Tập đoàn Tài nguyên Khoáng sản Trung Quốc, công ty thương mại nhà nước được Bắc Kinh thành lập để tăng cường sức mạnh của Trung Quốc trong các cuộc đàm phán cung cấp với các công ty khai thác lớn ở nước ngoài.

Đầu tháng 11, ông Guo Bin, chủ tịch CMRG, cho biết giá cả đã không hợp lý khi ở mức thấp 120 USD. Kể từ đó, giá đã tăng thêm 10 USD/tấn.

H.Mĩ