Giá quặng sắt chạm đỉnh 8 tháng nhờ kỳ vọng gói cứu trợ bất động sản của Trung Quốc
Theo Bloomberg, giá quặng sắt tại Singapore lần đầu tiên chạm mức 130 USD/tấn kể từ tháng 3 do nhu cầu thép cải thiện ở Trung Quốc. Nước này đang xem xét khởi động một làn sóng kích thích mới nhằm vực dậy lĩnh vực bất động sản đang gặp khó khăn.
Giá quặng sắt đã tăng 30% so với mức đáy của năm 2023 thiết lập hồi tháng 5. Giá nguyên liệu sản xuất thép này vượt mốc 130 USD/tấn sau khi Bloomberg đưa tin Bắc Kinh cân nhắc kế hoạch cung cấp ít nhất 1.000 tỷ nhân dân tệ ( tương đương 137 tỷ USD) cho các chương trình cải tạo đô thị và thúc đẩy nhà ở giá rẻ của quốc gia.
Kế hoạch này sẽ đánh dấu một bước tiến lớn trong nỗ lực của chính phủ nhằm ngăn chặn cuộc suy thoái bất động sản lớn nhất trong nhiều thập kỷ, vốn đã đè nặng lên tăng trưởng kinh tế và niềm tin của người tiêu dùng.
Tháng trước các nhà chức trách Trung Quốc phát hành thêm 1.000 tỷ nhân dân tệ trái phiếu chính phủ. Trong đó, một phần tiền dự kiến dành cho hoạt động xây dựng.
Kỳ vọng về việc bổ sung quặng sắt trước kỳ nghỉ Tết Nguyên đán vào tháng 2 cũng đang hỗ trợ triển vọng nhu cầu. Điều đó bù đắp cho sự lo lắng về lĩnh vực bất động sản, ngành từng chiếm tới 40% nhu cầu thép.
Bắc Kinh đang nỗ lực khôi phục niềm tin vào ngành công nghiệp đang gặp khó khăn, cố gắng cứu một nhà phát triển lớn sau khi để hai công ty khác vỡ nợ. Trong khi đó, nền kinh tế Trung Quốc lại rơi vào tình trạng giảm phát vào tháng 10.
Các nhà đầu tư cũng đang theo dõi những biện pháp can thiệp có thể có của Bắc Kinh nhằm kiềm chế giá quặng sắt hoặc giảm sản lượng thép. Tập đoàn Tài nguyên Khoáng sản Trung Quốc, công ty được nhà nước hậu thuẫn được thành lập để củng cố hoạt động thu mua quặng sắt, tuần trước cho rằng giá quặng sắt đã đạt đến mức vô lý.
Giá quặng sắt tăng hơn 2% ở mức 130,75 USD/tấn tại Singapore vào lúc 8h10 sáng ngày 15/11 giờ địa phương. Giá thép giao sau tại Đại Liên và Thượng Hải cũng tăng ít nhất 2%.
Theo S&P Global, sản lượng thép thô hàng ngày của Trung Quốc giảm vào giữa tháng 10 trong bối cảnh biên lợi nhuận thấp, gây áp lực cho các nhà máy. Tuy nhiên, do chính phủ chưa đưa ra lệnh hạn chế sản lượng hàng năm.
“Biên lợi nhuận thép không tốt, nhưng hầu hết nhà máy thép vẫn không muốn giảm sản xuất, bởi vì lựa chọn tốt nhất cho mỗi nhà máy là duy trì sản lượng cao cho đến khi các nhà máy khác không đủ khả năng để gồng lỗ nữa và bắt đầu cắt giảm sản xuất trước”, một nguồn tin thị trường cho biết.