Những công ty thép nào chịu ảnh hưởng nhiều nhất từ giá điện tăng?
Mức độ ảnh hưởng tuỳ thuộc vào công nghệ sản xuất thép
Tuần trước, Bộ Công Thương quyết định nâng giá điện bán lẻ bình quân thêm 4,5% lên 2.006 đồng/kWh và thép được đánh giá là một trong những ngành chịu tác động lớn nhất từ quyết định này.
Đây là đợt tăng giá điện thứ hai trong năm nay, sau đợt tăng hơn 3% hồi tháng tháng 5. Như vậy, giá điện bán lẻ bình quân tính đến thời điểm hiện tại tăng khoảng 7,6% so với đầu năm.
Trong báo cáo mới đây, Chứng khoán Mirae Asset đã đánh giá tác động của việc điều chỉnh giá điện lên hoạt động của doanh nghiệp thép, hóa chất. Ước tính chi phí điện chiếm khoảng 9 - 10% giá vốn đối với doanh nghiệp sản xuất thép, tương đương với doanh nghiệp thuộc ngành hóa chất.
Do vậy, đơn vị này giả định nếu chi phí điện tăng thêm, doanh nghiệp không thể chuyển tiếp sang người tiêu dùng, khi chi phí điện tăng 4,5% sẽ làm cho giá vốn bán hàng tăng thêm. Kéo theo đó, tổng lợi nhuận trước thuế của ngành thép giảm 23%.
Tuy nhiên, nếu doanh nghiệp có thể chuyển chi phí điện tăng, bằng cách tăng giá bán cho người tiêu dùng thì có thể làm giảm ảnh hưởng việc gia tăng chi phí đầu vào.
Một luồng ý kiến khác cho rằng tỷ trọng đóng góp của điện trong cơ cấu giá vốn của doanh nghiệp ngành thép thấp hơn 10%.
Trao đổi với chúng tôi, một chuyên gia phân tích ngành thép cho rằng tỷ trọng điện trong chi phí giá vốn của ngành thép dao động trong khoảng 5 - 7% bởi giá than và giá quặng sắt tăng mạnh kể từ tháng 5 (thời điểm tăng giá điện đợt 1) đến nay.
Theo số liệu của Investing, tính đến ngày 10/11, giá quặng sắt 62%Fe giao sau ở mức 128 USD/tấn, tăng 24% so với đầu tháng 5. Cùng lúc, giá than cốc tăng mạnh 64% lên 2.020 USD/tấn.
Song, theo dõi hoạt động của các công ty thép có thể thấy, tác động của việc tăng giá điện đối với những doanh nghiệp thép cũng có sự phân hoá, tuỳ thuộc vào công nghệ sản xuất.
Cụ thể, với những doanh nghiệp chủ yếu sử dụng công nghệ lò hồ quang điện (EAF), mức độ ảnh hưởng sẽ lớn hơn nhiều so với doanh nghiệp sử dụng lò cao (chủ yếu nung chảy bằng than cốc và mức tiêu thụ điện thấp hơn lò EAF).
Tổng Công ty Thép Việt Nam (VNSTEEL) là một ví dụ điển hình. Trong hệ thống của VNSTEEL có 6 lò hồ quang điện với mức tiêu hao 300 - 618 kWh/tấn sản phẩm. Hiện tại, năng lực sản xuất thép lò quang điện điện của VNSTEEL là 2,8 triệu tấn/năm.
Các lò điện tiên tiến của thế giới có mức tiêu hao điện dao động trong khoảng 300 - 400 kWh/tấn. Trong khi đó, Hoà Phát, doanh nghiệp sản xuất thép lớn nhất Việt Nam, chủ yếu sử dụng công nghệ lò cao và tự chủ phần lớn lượng điện cho sản xuất. Ngoài ra, công ty có một lò hồ quang điện công suất nhỏ 400.000 tấn/năm tại Hưng Yên.
Phía công ty cho biết, “Hoà Phát tự chủ được 80% điện cho sản xuất thép, nên ảnh hưởng không quá nhiều. Đây là lợi thế lớn trong bối cảnh giá điện tăng. Ngoài ra, đối với đối với lò hồ quang điện, mức tiêu hao điện của lò này ở mức tương đương so với mặt bằng chung tại Việt Nam. Đối với lò cao, lượng tiêu thụ điện khoảng 300 - 400 kWh/tấn phôi thép, tuỳ từng thời điểm”.
Việc chuyển chi phí tăng vào giá bán trở nên khó khăn
Bình luận về việc chuyển chi phí vào giá bán như vừa nêu, vị chuyên gia ngành thép đưa quan điểm, trong bối cảnh nhu cầu thép thấp hiện nay, việc chuyển chi phí điện và nguyên liệu khác tăng lên vào giá bán trở nên khó khăn, đặc biệt là thép xây dựng.
Số liệu của Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) cho thấy 10 tháng 2023, bán hàng thép xây dựng giảm 17% so với cùng kỳ xuống 8,6 triệu tấn. VSA nhận định nhu cầu sử dụng thép nội địa và xuất khẩu từ đầu năm đến nay vẫn ở mức thấp. Các nhà máy trong nước đối mặt với nhiều khó khăn vì giá bán thấp trong khi chi phí tăng lên.
Thị trường bất động sản trầm lắng cùng với hệ thống tín dụng bị thắt chặt nên sử dụng thép xây dựng ở mức thấp, ngay cả trong mùa cao điểm. Trong khi đó, các nhà máy liên tục giảm giá bán để đáp ứng kế hoạch sản xuất, bán hàng.
Giá thép xây dựng trong tháng 10 ở mức 13,6 triệu đồng/lượng giảm 14% so với đầu năm. Đà giảm đã chững lại khi giá gần như đi ngang từ tháng 10 đến nay.
Tuy nhiên, vị chuyên gia này cho rằng dưới áp lực giá nguyên liệu đầu vào như than, quặng sắt tăng mạnh như hiện nay, “sớm muộn các công ty thép xây dựng sẽ buộc phải tăng giá trong thời gian tới”.
Ngoài ra, tín hiệu khởi sắc đã bắt đầu xuất hiện trong tháng 9 và 10 khi lượng bán hàng bắt đầu tăng so với cùng kỳ năm ngoái. Đây cũng được xem là tín hiệu hỗ trợ cho giá thép trong thời gian tới.
Đối với tôn mạ, việc tăng giá sẽ dễ dàng hơn. “Các công ty sản xuất tôn mạ sử dụng cùng công nghệ nên mức độ ảnh hưởng bởi giá điện và các chi phí khác tăng lên cũng như nhau. Do đó, việc chuyển chi phí tăng vào giá bán cũng dễ dàng hơn”, vị này cho biết.
Tôn mạ là loại thép thành phẩm có mức độ sụt giảm trong tiêu thụ thấp nhất trong 10 tháng, chỉ khoảng 2,8% so với cùng kỳ. Thậm chí tính riêng trong tháng 10, lượng bán hàng tăng gần 26%.
Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.
Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.
Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.
Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/