|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Góc nhìn về vai trò của phụ nữ trong xã hội hiện đại

06:00 | 04/03/2023
Chia sẻ
Trong suốt tiến trình phát triển của dân tộc, người phụ nữ luôn đóng vai trò đặc biệt quan trọng. Vai trò của phụ nữ trong xã hội hiện đại lại càng được thể hiện rõ nét hơn khi ở mọi lĩnh vực họ đều có những đóng góp to lớn.

Vai trò của phụ nữ trong xã hội hiện đại ngày nay

Nói đến vai trò xã hội, có nhiều quan điểm khác nhau. Theo Robertson, vai trò là một tập hợp các chuẩn mực, hành vi, nghĩa vụ và quyền lợi gắn với một vị thế nhất định. Có tác giả lại cho rằng: Vai trò xã hội là kiểu hành vi, hoạt động mà xã hội mong đợi cá nhân hay nhóm người cần phải thực hiện một cách tương ứng với vị thế của họ.

Theo đó, vai trò xã hội của phụ nữ là một tập hợp những khuôn mẫu hành vi, chuẩn mực, nghĩa vụ phải đảm nhận hay thể hiện đầy đủ trên cơ sở vị thế của phụ nữ, đồng thời họ cũng nhận được những quyền lợi xã hội xứng đáng với những đóng góp của mình.

Qua từng thời kỳ phát triển của lịch sử dân tộc, vai trò của người phụ nữ có những biến chuyển rõ rệt.

Trong xã hội nguyên thủy, địa vị của người phụ nữ đã được đề cao so với người đàn ông, nhất là thời kỳ công xã thị tộc mẫu hệ. Trong thời kỳ này, quyền của người đàn bà được biểu hiện trước hết là quyền được phân công lao động trong gia đình và quyền điều hành những công việc chung của thị tộc. 

Trong xã hội này, những đứa con được sinh ra bởi người phụ nữ; việc hái lượm, trồng trọt, chăn nuôi lúc bấy giờ cũng được người phụ nữ đảm nhận. Chính vì thế, họ nắm quyền chi phối về mọi khía cạnh của đời sống, điều khiển công việc, điều hòa quan hệ giữa các thành viên.

Theo thời gian, chế độ phụ hệ dần thay thế cho chế độ mẫu hệ, vị thế và vai trò của người phụ nữ cũng có những thay đổi rõ nét. Trong xã hội phong kiến, thực dân người phụ nữ bị kìm hãm bởi những chuẩn mực khắc khe của xã hội với tam cương, ngũ thường và mất đi quyền làm chủ vận mệnh của mình.

Mặc dù vậy, vai trò của phụ nữ trong xã hội vẫn không thể lu mờ. Họ là người “giữ lửa” cho gia đình, là hậu phương vững chắc cho chồng, cho con. Đứng trước sự sự xâm lược của kẻ thù, người phụ nữ trở thành những anh hùng sẵn sàng chiến đấu như Trưng Trắc, Trưng Nhị, Triệu Thị Trinh,...

Ảnh: Zing

Trong kháng chiến chống thực dân Pháp, chống đế quốc Mỹ, người phụ nữ xứng danh với tám chữ vàng “Anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang” mà Chủ tịch Hồ Chí Minh phong tặng. Họ không chỉ là người giữ vai trò chăm sóc các thành viên trong gia đình mà còn là người tham gia lao động sản xuất, là những chiến sĩ ngoan cường khi “giặc đến nhà, đàn bà cũng đánh”. 

Trong xã hội hiện đại ngày nay, vai trò của người phụ nữ lại càng quan trọng. Hiến pháp năm 2013 đã có những sửa đổi, bổ sung và phát triển quan trọng về bảo đảm quyền con người, quyền công dân, trong đó có quyền của phụ nữ. 

Theo đó, mọi người (cả nam và nữ) đều bình đẳng trước pháp luật và không ai bị phân biệt đối xử trong đời sống chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội; nam, nữ có quyền kết hôn, ly hôn, hôn nhân theo nguyên tắc tự nguyện, tiến bộ, một vợ một chồng, vợ chồng bình đẳng, tôn trọng lẫn nhau, Nhà nước bảo hộ hôn nhân và gia đình, bảo hộ quyền lợi của người mẹ và trẻ em. Những điều chỉnh trong luật định cũng góp phần để phụ nữ phát huy vai trò của mình trong đời sống gia đình và xã hội.

Trước hết, người phụ nữ thể hiện vai trò không thể thay thế của mình trong gia đình. Họ tác động mạnh mẽ đến sự ổn định và hạnh phúc của gia đình. Trong gia đình hạt nhân, với người bạn đời, phụ nữ là người đồng hành, cùng nhau chia ngọt, sẻ bùi, cùng đưa ra lời khuyên, cùng nhau đưa ra những quyết định và thực hiện những nghĩa vụ đối với gia đình. Với con cái, phụ nữ giữ vai trò là người sinh thành, chăm sóc, giáo dưỡng và làm tấm gương cho con noi theo. 

Trong gia đình đa thế hệ, người phụ nữ còn đảm nhận vai trò của người con, người cháu và chăm sóc cho cha mẹ, ông bà. Không dừng lại ở đó, phụ nữ trong xã hội hiện đại còn có thể là người đóng góp vào sự phát triển kinh tế của gia đình. Có thể nói, “giữ lửa” luôn là vai trò nổi bật của người phụ nữ dù đời sống xã hội có nhiều biến chuyển.

Ảnh: Anh Thư

Vai trò của người phụ nữ trong xã hội hiện đại còn được thể hiện qua sự góp mặt của họ trong các lĩnh vực khác nhau. Ngày càng có nhiều phụ nữ tham gia vào các mặt của đời sống xã hội và giữ những chức vụ quan trọng. 

Trong lĩnh vực kinh tế, nhiều cán bộ khoa học nữ, phụ nữ nông dân đã khắc phục khó khăn, nghiên cứu, thí nghiệm lai nhiều giống lúa, ngô,... đưa vào sản xuất, đem lại giá trị kinh tế cao. Phụ nữ nông dân cả nước tham gia ngày càng tích cực các hoạt động khuyến nông, ứng dụng khoa học kỹ thuật góp phần làm thay đổi hẳn lĩnh vực nông nghiệp.

Trong sản xuất công nghiệp, lao động nữ chiếm đa số trong các ngành chế biến lương thực, thực phẩm, sản xuất hàng tiêu dùng, dệt may. 

Trong sản xuất tiểu thủ công nghiệp, phần đông lao động là nữ. Phụ nữ góp phần không nhỏ trong khôi phục, phát triển các ngành nghề truyền thống, năng động sáng tạo trong tìm kiếm thị trường tiêu thụ hàng hóa, phát huy sáng kiến, cải tiến mẫu mã,...

Trong bộ máy nhà nước, năm 2021, tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội tăng lên 30,26%, lần đầu tiên Việt Nam vượt qua ngưỡng quan trọng được xác định là cần thiết để phụ nữ có tác động rõ ràng đến quá trình ra quyết định. Tỷ lệ nữ tham gia các vị trí lãnh đạo trong Chính phủ có 2 nữ bộ trưởng trong tổng số 22 bộ và cơ quan ngang bộ.

Đặc biệt, theo báo cáo mới nhất của Diễn đàn Kinh tế Thế giới về Khoảng cách giới năm 2022, Việt Nam đạt 0,705 trên thang điểm từ 0 đến 1 về chỉ số chênh lệch giới, xếp thứ 83 trong số 146 quốc gia (Việt Nam đã tăng 4 bậc từ 87 vào năm 2021 lên 83 vào năm 2022).

Những con số biết nói trên đã cho thấy rõ nét về vai trò của phụ nữ trong xã hội hiện đại. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn có những mục tiêu tham vọng hơn về trao quyền cho phụ nữ và vai trò lãnh đạo của phụ nữ. 

Nghị quyết 26-NQ/TW năm 2018 của Đảng đặt ra mục tiêu, tỷ lệ nữ cấp uỷ viên các cấp đạt 20 - 25%; tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp đạt trên 35%. Chiến lược bình đẳng giới giai đoạn 2021 - 2030 đặt mục tiêu đến năm 2025 đạt 60% và đến năm 2030 đạt 75% các cơ quan quản lý nhà nước, chính quyền địa phương các cấp có lãnh đạo chủ chốt là nữ, theo UNDP Việt Nam. 

Anh Thư