|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

[Góc nhìn] NHNN có thể quay lại bơm ròng trên thị trường mở trong 1 - 2 tháng tới

19:46 | 04/10/2023
Chia sẻ
Trong 1-2 tháng tới, với kịch bản DXY và lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm giảm trở lại, NHNN có thể quay lại bơm thanh khoản trên thị trường mở (OMO) để ưu tiên mục tiêu hỗ trợ tăng trưởng.

Chỉ số USD Index (DXY) tăng mạnh từ 103 lên 107 và lợi suất trái phiếu Mỹ tăng cao là hai nguyên nhân gây sức ép khiến Ngân hàng Nhà nước (NHNN) phải hút tiền thông qua kênh OMO. Chính vì vậy, DXY và lợi suất trái phiếu Mỹ đang trở thành tâm điểm được nhắc đến nhiều nhất trong phần lớn các "room chứng khoán" của nhà đầu tư trong nước. 

Thực tế, điều thị trường lo lắng bây giờ lãi suất Mỹ đang quá cao do lạm phát vẫn chưa đạt mục tiêu Fed mong muốn. Hiện tại, các ngân hàng lớn trên thế giới cho rằng lãi suất ở khu vực EU đã đạt đỉnh, nhưng vẫn kỳ vọng Fed có thể sẽ tăng thêm lãi suất để ép lạm phát về 2%. Chúng ta có thể hiểu tại sao lại như vậy nếu nhìn vào dự báo của Fed. 

Trong dự báo kinh tế cập nhật mới nhất, các nhà hoạch định chính Fed nâng mạnh kỳ vọng tăng trưởng năm nay, cho rằng tổng sản phẩm trong nước (GDP) của Mỹ sẽ tăng 2,1%, cao hơn gấp đôi so với dự báo đưa ra hồi tháng 6. Triển vọng tăng trưởng của năm 2024 cũng được điều chỉnh tăng lên 1,5% từ 1,1%. Những con số này cho thấy, Fed vẫn đang tin rằng kinh tế vẫn rất mạnh. 

 

Song, nhìn sâu hơn về lạm phát của Mỹ, Nick Timiraos, kinh tế trưởng của tờ Wallstreet Journal, tính toán cho thấy lạm phát cơ bản của Mỹ chỉ ở mức 2,2% trong tháng 8, nếu hiệu chỉnh tính thời vụ sau đó điều chỉnh về cơ sở hàng năm lên thì số lạm phát 3 tháng gần đây thật sự đã về mức Fed mong muốn.

Lạm phát ở khu vực Châu Âu cũng giảm tốc nhanh (từ gần 11% về mức 4,3% trong tháng bất chấp sự tăng giá của dầu. Tuy nhiên, để Fed và ECB dám tuyên bố công khai và mạnh mẽ việc này thì vẫn cần thêm thời gian để xác minh vì các nhà chính sách thường cần một sự chắc chắn hơn. 

Nhìn chung, Fed đã đi đến chặng cuối của chu kỳ thắt chặt và mối bận tâm bây giờ của các quan chức là duy trì lãi suất ở mức cao trong thời gian dài để đưa lạm phát về mục tiêu 2%.

Xét về câu chuyện trung hạn, theo tính toán của New York Fed về mô hình Holston-Laubach-Williams (2023), mô hình này tính toán lãi suất thực Fed cần khi lạm phát bắt đầu ổn định. Hiện tại mô hình này cho rằng lãi suất thực nên về tầm 3,25%, thấp hơn 2% so với hiện tại.  

Đó là câu chuyện trung hạn tính bằng tháng, còn trong ngắn hạn, rất nhiều nhà đầu tư chuyên nghiệp dự báo lợi suất trái phiếu 10 năm có thể vượt 5% trước khi giảm lại. Nhiều tín hiệu cho thấy lợi suất trái phiếu 10 năm của Mỹ vẫn đang trong đà tăng. Điều này cũng sẽ làm cho DXY có thể còn những cú bật mạnh bất thường trong ngắn hạn.

Tuy nhiên, việc lạm phát chậm lại và một vài dấu hiệu rạn nứt nhất định như ở thị trường nhà ở, tỷ lệ quá hạn trong việc trả thẻ tín dụng lên khá cao… có thể khiến thị trường trái phiếu cũng như hành động của Fed vào tháng 10-11 sẽ có những cú "quay xe" bất ngờ. 

 

Đối với Việt Nam, nhằm ứng biến với việc DXY mạnh lên bất ngờ, NHNN đã thực hiện việc hút tiền trên thị trường mở (OMO), đưa lãi suất liên ngân hàng một tháng lại lên trên 1,5% từ mức 1% trong hai tuần trước đây.

Hiện tỷ giá vẫn được nhận định là ổn trong môi trường mà DXY lên mạnhTỷ giá chợ đen vẫn loanh quanh gần tỷ giá liên ngân hàng. Nhiều nhà đầu tư chuyên nghiệp dự báo NHNN sẽ không tiếp tục đẩy lãi suất liên ngân hàng lên vì đó là tín hiệu của việc đảo chiều chính sách tiền tệ từ nới lỏng sang thắt chặt. 

Do đó, nhiều khả năng NHNN ưu tiên phương án bán USD kỳ hạn ra thị trường và giảm quy mô phát hành tín phiếu. Các chính sách này có thể không tác động nhiều lên tỷ giá nhưng có thể tạo hiệu ứng niềm tin tích cực đối với thị trường.

Kịch bản DXY và lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm giảm trở lại trong 1-2 tháng tới là khá cao. Đó là thời điểm NHNN có thể quay trở lại bơm thanh khoản qua OMO để ưu tiên mục tiêu hỗ trợ tăng trưởng. 

Hoài Phương