|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Gỡ vướng cho dòng vốn - Bài 1: Chính sách và thực thi

14:45 | 01/05/2023
Chia sẻ
Mặc dù Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương có nhiều quyết sách để đẩy nhanh quá trình phục hồi nhưng với những khó khăn từ nội tại và tình hình thế giới bước qua quý I của năm 2023, nền kinh tế không đạt mục tiêu tăng trưởng như kỳ vọng, khu vực doanh nghiệp tiếp tục đối mặt nhiều khó khăn; trong đó có việc tiếp cận nguồn vốn tín dụng.

 Khách hàng giao dịch tại Vietcombank chi nhánh Vĩnh Phúc. (Ảnh minh họa: TTXVN)

Thực tế Chính phủ đã có nhiều chính sách hỗ trợ người dân, doanh nghiệp về vốn tín dụng, giảm thuế, phí, tạo thuận lợi môi trường kinh doanh và mới đây, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam liên tiếp ban hành 2 thông tư quan trọng liên quan đến cơ cấu lại nợ, hoãn giãn nợ, không chuyển nhóm nợ và hoạt động mua bán trái phiếu doanh nghiệp của các tổ chức tín dụng.

Vấn đề đặt ra là cơ chế chính sách ban hành kịp thời nhưng phải đi kèm với thực thi nhanh chóng mới có thể tạo thuận lợi cho khu vực doanh nghiệp khắc phục khó khăn, hấp thụ được nguồn vốn, qua đó góp phần thúc đẩy đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2023. Thông tấn xã Việt Nam thực hiện chùm bài viết Gỡ vướng cho dòng vốn với góc nhìn từ chính sách tới thực tiễn của vấn đề này.

Bài 1: Chính sách và thực thi

Tín dụng luôn giữ vai trò huyết mạch trong cơ thể của mỗi doanh nghiệp. Ở bối cảnh khó khăn chung của nền kinh tế toàn cầu và trong nước như hiện nay, các cơ chế chính sách hỗ trợ tín dụng từ phía Nhà nước đối với doanh nghiệp luôn được xem trọng hàng đầu; đặc biệt là tính kịp thời, hiệu quả để giúp doanh nghiệp thông suốt trong vận hành và tích cực, mạnh mẽ trong sản xuất kinh doanh.

Với việc Ngân hàng Nhà nước vừa ban hành Thông tư số 02/2023/TT-NHNN quy định về việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn, cộng đồng doanh nghiệp đang kỳ vọng chính sách sớm đi vào thực tiễn hỗ trợ kịp thời doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa – lực lượng chiếm đa số trong gần 1 triệu doanh nghiệp hiện có của nền kinh tế.

Tắc nghẽn khả năng hấp thụ 

Tại Hội nghị triển khai Thông tư số 02/2023/TT-NHNN quy định về việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn để bàn về các giải pháp hỗ trợ tăng trưởng tín dụng năm nay được tổ chức ngay trước kỳ nghỉ lễ 30/4-1/5, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết, tăng trưởng tín dụng toàn nền kinh tế đến ngày 20/4 mới đạt 2,57% so với cuối năm 2022, chỉ tương đương 1/3 so với mức tăng cùng kỳ năm 2022 là 6,42%.

Báo cáo quý I/2023 của Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) ghi nhận, nguồn vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội trong quý I/2023 (theo giá hiện hành) chỉ tăng 3,7% so với cùng kỳ năm 2022, phản ánh tình hình sản xuất kinh doanh trong nước có xu hướng chậm lại do tác động tiêu cực của nhiều yếu tố như lạm phát trên thế giới, chính sách thắt chặt tiền tệ của các quốc gia.

Mặc dù quý đầu năm lực lượng doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và quay trở lại hoạt động tăng đều qua các tháng, song tính chung số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường cao hơn cao hơn số doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường, tương ứng còn số 56.946 doanh nghiệp và 60.241 doanh nghiệp. Một trong những nguyên nhân của hiện tượng này là doanh nghiệp khó khăn trong tiếp cận nguồn vốn, dẫn đến tắc nghẽn khả năng hấp thụ.

Tiến sĩ Cấn Văn Lực, Chuyên gia Kinh tế trưởng của Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV); Thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính – tiền tệ Quốc gia ghi nhận, bằng rất nhiều nỗ lực tự vươn lên, khu vực kinh tế tư nhân đã có nhiều thương hiệu mạnh, góp phần quan trọng phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, lan tỏa trong hầu hết các lĩnh vực trọng yếu của nền kinh tế, như công nghiệp chế biến chế tạo, xây dựng, sản xuất lắp ráp ô tô, vận tải hàng không, tài chính - ngân hàng, bất động sản, công nghệ thông tin...; bước đầu hình thành được một số tập đoàn kinh tế tư nhân có quy mô lớn, hoạt động đa ngành, có khả năng cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế, tiêu biểu như Tập đoàn Vingroup, Tập đoàn Trường Hải Thaco, Hòa Phát, Masan, BRG, Techcombank, VPBank, VIB, FPT, Vinamilk...

Đội ngũ doanh nhân ngày càng lớn mạnh, có khát vọng vươn lên làm giàu chính đáng, không ngừng nâng cao năng lực kinh doanh và quản trị doanh nghiệp. Nhờ đó, trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp và đạo đức, văn hoá kinh doanh của doanh nhân cũng dần được nâng lên... Tuy nhiên, song song với những thương hiệu doanh nghiệp mạnh, đa phần các doanh nghiệp vừa và nhỏ đều trải qua 1 năm hậu dịch COVID-19 không mấy dễ dàng với nhiều thách thức ngáng trở.

Nhiều doanh nghiệp phàn nàn việc khó tiếp cận nguồn vốn tín dụng phục hồi sản xuất kinh doanh, nên khó có sự đầu tư để nâng cấp công nghệ, cải thiện trình độ quản lý và phát huy hiệu quả việc chuyển hóa dòng vốn thành năng lực tự thân giúp doanh nghiệp có sức bật vươn lên.

Ông Vũ Văn Đoàn, Giám đốc, Công ty TNHH nội thất Alex Home (Hà Nội) cho hay, năm 2023 là 1 năm khó khăn và đầy thách thức cho doanh nghiệp. Thị trường bất động sản đóng băng, dẫn tới hầu hết các ngành nghề, lĩnh vực liên quan; trong đó, có thiết kế, thi công nội thất đều ngưng trệ.

Đầu ra không có nhưng chi phí đầu vào vẫn phải "gánh"; trong đó, nặng nhất là chi phí nhân công lao động, dẫn tới doanh nghiệp "mắc kẹt", lúc nào cũng trong tình cảnh khó khăn tài chính.

Thời điểm gần đây, một số ngân hàng thương mại hạ lãi suất và khuyến khích cho vay, doanh nghiệp cũng chưa thực sự mặn mà, một phần do e ngại nợ dồn, nợ đọng; một phần cũng nhận thấy để doanh nghiệp tiếp cận vốn cũng không hề đơn giản, dễ dàng. Đó là vì việc thực hiện các quy định pháp luật, các điều kiện và thủ tục để vay mất nhiều thời gian.

Nếu chính sách cho vay nhằm mục đích hỗ trợ doanh nghiệp vượt khó thì cần đơn giản hóa các thủ tục không cần thiết, như thế mới kích thích sự quan tâm và hưởng ứng tham gia của doanh nghiệp, ông Vũ Văn Đoàn đề nghị.

PGS. TS Trần Đình Thiên, Viện Kinh tế Việt Nam phân tích, "khát vốn", đương nhiên, doanh nghiệp Việt Nam đa số là chậm lớn, khó lớn vì thế khó có thể đáp ứng tốt yêu cầu cạnh tranh quốc tế và hiện đại hóa. Ba năm 2020-2022 nền kinh tế trải qua đại dịch COVID-19 với nhiều sự bất thường của nền kinh tế địa chính trị thế giới.

Đó cũng là 3 năm khó khăn, thử thách khả năng chống chịu của nền kinh tế Việt Nam, đặc biệt là đối với khu vực tư nhân còn non yếu, nhiều doanh nghiệp Việt kiệt quệ, sức lực suy giảm đáng kể trong khi các kênh dẫn vốn chính - đầu tư công, thị trường trái phiếu, cổ phiếu… bị tắc nghẽn bởi nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan. 

Bên cạnh đó, tại một số địa phương, vẫn tồn tại tư duy “chia đều”, “dàn hàng ngang” trong phân bổ nguồn lực và những vấn đề trong quan hệ phân cấp, phân quyền giữa Trung ương – cấp địa phương theo nguyên tắc thị trường.

Cụ thể như, có phân cấp nhưng ít phân quyền, chậm trao quyền theo chức năng và tính tự chịu trách nhiệm ở địa phương, do đó, các địa phương không thể chủ động phát triển, không thể chủ động phân bổ nguồn lực về khu vực kinh tế tư nhân cũng như giúp các đối tượng này sử dụng nguồn lực một cách hiệu quả. Tuy đã có khá nhiều các chương trình định hướng hỗ trợ, cải cách được gọi là mạnh, song trên thực tế, các nỗ lực và hành động vẫn nặng tính “tháo gỡ” thay vì cải cách thực sự, ông Thiên kết luận.

Tăng năng lực hấp thụ

Tại cuộc họp mới đây của Thường trực Chính phủ với các bộ, ngành về các giải pháp giảm lãi suất cho vay; tình hình hoạt động thị trường trái phiếu doanh nghiệp; kết quả thực hiện nhiệm vụ của Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ về rà soát, đôn đốc, hướng dẫn tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong thực hiện dự án bất động sản cho các địa phương, doanh nghiệp và các giải pháp trong thời gian tới.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khẳng định, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 58/NQ-CP về một số chính sách, giải pháp trọng tâm hỗ trợ doanh nghiệp chủ động thích ứng, phục hồi nhanh và phát triển bền vững đến năm 2025. Ngân hàng Nhà nước cũng đã ban hành 2 thông tư hướng dẫn thực hiện các giải pháp liên quan lĩnh vực tài chính, ngân hàng hỗ trợ doanh nghiệp, người dân.

Thủ tướng nhấn mạnh trong lúc người dân, doanh nghiệp đang gặp khó khăn, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương phải đồng hành và sử dụng hết các công cụ của Nhà nước để chia sẻ, hỗ trợ, trên tinh thần "hài hòa lợi ích, chia sẻ rủi ro". Cần tổ chức thực hiện thật tốt các chính sách đã ban hành, đồng thời xem xét, nghiên cứu ban hành các chính sách mới đột phá, đưa các chính sách thực sự đi vào cuộc sống.

Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng Ban pháp chế Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cũng đề nghị, những tháng tiếp theo của năm 2023, bằng nhiều cách thức, phải làm sao thúc đẩy và tăng cường năng lực hấp thụ vốn cho doanh nghiệp; đặc biệt là đối với khu vực doanh nghiệp tư nhân.

Bởi với sự lớn mạnh không ngừng trong thời gian qua, kinh tế tư nhân đang từng bước khẳng định vị thế, vai trò và là động lực quan trọng của nền kinh tế; giúp huy động và phân bổ nguồn lực xã hội cho đầu tư phát triển, góp phẩn chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tăng thu ngân sách Nhà nước, tạo việc làm, cải thiện đời sống và bảo đảm an sinh xã hội.

Về phía doanh nghiệp, ông Cao Tiến Đoan, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Thanh Hóa cho rằng, doanh nghiệp luôn xác định “tiền là máu, nếu doanh nghiệp thiếu tiền ví như cơ thể thiếu máu”; đồng nghĩa với việc doanh nghiệp thiếu vốn sẽ kéo lùi sự tăng trưởng, thậm chí dẫn đến doanh nghiệp phải ngừng hoạt động. 

Giải quyết các vấn đề về vốn cho doanh nghiệp không thể diễn ra trong thời gian ngắn, ngày một ngày hai, mà là suốt chặng đường hoạt động sản xuất kinh doanh. Doanh nghiệp không chỉ tiếp cận được vốn mà còn phải làm sao sử dụng được nguồn vốn an toàn và mang lại hiệu quả thiết thực. 

Ông Đoan đề xuất, ngành ngân hàng cần thực hiện nghiêm các chủ trương của Đảng và quy định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về chính sách tín dụng, lãi suất, huy động vốn, cho vay, giải ngân vốn vay, kịp thời phát hiện và giải quyết những vướng mắc, bất cập, gây khó khăn cho việc tiếp cận vốn của doanh nghiệp.

Song song đó, tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, cải tiến quy trình, đơn giản hóa thủ tục cho vay; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin vào điều hành quản lý, phân tích và phòng ngừa rủi ro. Đồng thời, cần có cơ chế giám sát, kiểm tra việc thực hiện và chế tài xử lý để tránh lợi dụng, thực hiện sai chính sách vay vốn để trục lợi. 

Việc tổ chức các hội nghị đối thoại với đại diện cộng đồng doanh nghiệp, các hiệp hội ngành nghề cũng cần phải được tiến hành thường xuyên. Ngân hàng Nhà nước nên lập tổ công tác làm việc với các ngân hàng thương mại triển khai kịp thời chính sách hỗ trợ vay vốn cho doanh nghiệp.

Hiện nay, chênh lệch giữa lãi suất huy động đầu vào và lãi suất cho vay đầu ra của các ngân hàng thương mại còn cao, đề nghị các ngân hàng thương mại chia sẻ với các doanh nghiệp trong thời điểm khó khăn này và xem xét thu hẹp  khoảng cách chênh lệch nhằm giảm lãi suất cho vay đối với doanh nghiệp. 

Ông Phạm Văn Việt, Tổng Giám đốc, Công ty TNHH Việt Thắng Jean, đại diện Hội Doanh nhân tư nhân Việt Nam kiến nghị, thực tiễn cho thấy, đầu tư cho công nghệ, cải tiến quy trình sản xuất hay xây dựng thương hiệu đều không dễ dàng, giá thành cũng không rẻ, doanh nghiệp cần có nguồn vốn cũng như khung hành lang pháp lý về tiếp cận tài chính thật sự thông thoáng và thuận lợi.

Điều này phụ thuộc lớn vào sự hỗ trợ từ chính sách tài chính tín dụng của Nhà nước cùng các cơ chế ưu đãi về lãi suất, đối tượng thụ hưởng để doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận và an tâm sản xuất kinh doanh, nhanh chóng bắt kịp tiến trình hồi phục.

Bài 2: Góc nhìn doanh nghiệp

Ngọc Quỳnh