|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Gỡ khó trần lãi suất cho nhà đầu tư BOT cao tốc

11:30 | 23/07/2017
Chia sẻ
Nếu không xác định được mức trần lãi suất vốn vay hợp lý, thì việc huy động vốn tín dụng cho các dự án hạ tầng giao thông quy mô lớn theo cơ chế đối tác công - tư (PPP), trong đó có tuyến cao tốc Bắc - Nam, sẽ bế tắc.

Nút thắt lãi suất

Có hai điểm đáng chú ý nhất trong Dự thảo Thông tư sửa đổi một số điều của Thông tư số 55/2016/TT-BTC ngày 23/3/2016 của Bộ Tài chính quy định một số nội dung về quản lý tài chính đối với các dự án đầu tư theo cơ chế PPP và một số chi phí lựa chọn nhà đầu tư đang được Bộ tài chính xin ý kiến các bộ, ngành và doanh nghiệp.

go kho tran lai suat cho nha dau tu bot cao toc
Triển khai Dự án Cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn. Ảnh: A.M

Cụ thể, đối với trường hợp đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư, mức lãi suất vốn vay được định trên cơ sở hồ sơ dự thầu của nhà đầu tư được lựa chọn. Trong trường hợp chỉ định nhà đầu tư, mức lãi suất vốn vay được xác định thông qua đàm phán giữa nhà đầu tư và cơ quan nhà nước có thẩm quyền trên 2 nguyên tắc cơ bản: không vượt quá 1,5 lần mức bình quân đơn giản của lãi suất trúng thầu trái phiếu chính phủ có kỳ hạn tương ứng với thời gian hợp đồng dự án; trần lãi suất huy động vốn không vượt quá mức lãi suất cho vay trung hạn và dài hạn của 4 ngân hàng thương mại nhà nước tại thời điểm đàm phán.

Theo ông Nguyễn Danh Huy, Vụ trưởng Vụ PPP (Bộ Giao thông - Vận tải - GTVT), với việc vốn tín dụng chiếm 85 - 90% tổng mức đầu tư, trần lãi suất là một trong những tham số quan trọng quyết định tính khả thi tài chính của một dự án PPP, đồng thời là cơ sở để nhà đầu tư có thể thuyết phục các ông chủ nhà băng.

Cần phải nói thêm rằng, những bất cập liên quan đến trần lãi suất vốn vay trong Thông tư số 55/2016/TT-BTC chỉ sau 1 năm ban hành đã khiến nhiều dự án PPP trong lĩnh vực giao thông đột ngột bị ngắt nguồn vốn tín dụng, trong đó có những dự án đường cao tốc quy mô lớn như Trung Lương - Mỹ Thuận, Bắc Giang - Lạng Sơn.

Cụ thể, phản ánh của Bộ GTVT và một số nhà đầu tư, theo quy định tại Thông tư số 55/2016/TT-BTC, mức lãi suất vốn vay không quá 1,3 lần mức bình quân đơn giản của lãi suất phát hành trái phiếu chính phủ có kỳ hạn 10 năm phát hành dưới phương thức đấu thầu trong thời gian 3 tháng trước thời điểm phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi. Chiểu theo quy định này, trần lãi suất vay vốn xác định tại thời điểm hiện nay theo quy định tại Thông tư số 55/2016/TT-BTC cho các dự án PPP là không quá 7,9%/năm.

“Qua tham khảo thực tế, lãi suất cho vay dài hạn của các ngân hàng thương mại ở thời điểm hiện nay trung bình là 10,5%/năm, cao hơn rất nhiều so với mức lãi suất tính toán theo quy định tại Thông tư số 55/2016/TT-BTC của Bộ Tài chính, nên sẽ ảnh hưởng rất lớn đến khả năng huy động tài chính và tính hấp dẫn của dự án khi kêu gọi đầu tư trên thị trường”, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Nhật nhận định.

Vẫn cần hiệu chỉnh tiếp

Đại diện Vụ PPP (Bộ GTVT) cho biết, Dự thảo sửa đổi Thông tư số 55/2016/TT-BTC đã đi đúng hướng, nhưng vẫn chưa thực sự tiệm cận với tình hình thực tế huy động vốn vay của các nhà đầu tư.

Cụ thể, sự lệch pha giữa quy định trong Dự thảo và thực tế có thể thấy rõ nhất qua quy định trần lãi suất huy động vốn cho các dự án PPP không vượt quá mức lãi suất cho vay trung hạn và dài hạn của 4 ngân hàng thương mại nhà nước.

Theo Thứ trưởng Nguyễn Nhật, lãi suất cho vay của các ngân hàng thương mại thường không công bố công khai, nên có thời điểm, việc thu thập không thể thực hiện được. Thực tế, các ngân hàng thương mại chỉ công bố lãi suất cơ sở (lãi suất huy động) kỳ hạn dài nhất trên 36 tháng.

“Do vậy, kiến nghị xác định lãi suất cho vay (cả trung và dài hạn) bằng lãi suất huy động kỳ hạn trên 36 tháng + biên độ 4,5% (hiện nay, theo số liệu các ngân hàng thương mại biên độ dao động 4,5 - 5%)”, ông Nhật đề nghị.

Chia sẻ quan điểm của Bộ GTVT, đại diện nhà đầu tư BOT Cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn cũng kiến nghị: “Mức lãi suất vốn vay nên được xác định trên nguyên tắc không vượt lãi suất huy động kỳ hạn trên 36 tháng + biên độ 4,5% hoặc 5% của 4 ngân hàng thương mại nhà nước tại thời điểm phê duyệt đề xuất dự án, báo cáo nghiên cứu khả thi và hồ sơ mời thầu nhà đầu tư”.

Theo đề xuất của Bộ GTVT, mức lãi suất vốn vay được tính toán trong các trường hợp cụ thể như sau:a. Mức lãi suất vốn vay là căn cứ tính toán và phê duyệt phương án tài chính trong Đề xuất dự án, Báo cáo nghiên cứu khả thi và Hồ sơ mời thầu nhà đầu tư.b. Mức lãi suất vốn vay được xác định trên nguyên tắc không vượt lãi suất huy động kỳ hạn trên 36 tháng + biên độ 4,5% của 4 ngân hàng thương mại nhà nước tại thời điểm phê duyệt Đề xuất dự án, Báo cáo nghiên cứu khả thi và Hồ sơ mời thầu nhà đầu tư.c. Trường hợp đấu thầu: Mức lãi suất vay vốn do nhà đầu tư tự quyết định để tính toán phương án tài chính trong Hồ sơ dự thầu đảm bảo giá dự thầu cạnh tranh nhất.d. Trường hợp chỉ định nhà đầu tư: Mức lãi suất vốn vay được xác định thông qua đàm phán, thỏa thuận giữa cơ quan nhà nước có thẩm quyền và nhà đầu tư, không vượt quá quy định tại mục b khoản này.

Bên cạnh đó, Bộ GTVT cho rằng, quy định mức trần lãi suất bằng 1,5 lần mức bình quân đơn giản của lãi suất trúng thầu trái phiếu chính phủ có kỳ hạn tương ứng với thời gian của hợp đồng dự án trong vòng 15 phiên đấu thầu phát hành thành công cũng chưa thực sự hợp lý.

Cụ thể, qua tìm hiểu của Bộ GTVT, mức lãi suất trần bằng 1,5 lần lãi suất trái phiếu chính phủ cơ bản phù hợp với mức lãi suất trung, dài hạn hiện nay mà các ngân hàng đang cho vay. Tuy nhiên, trong tương lai, số liệu lãi suất trúng thầu trái phiếu chính phủ có thể không có hoặc không liên tục, không kịp thời do Chính phủ không tiếp tục phát hành trái phiếu hoặc đấu thầu không thành công.

“Khi đó, số liệu về mức trần lãi suất 1,5 lần trái phiếu chính phủ sẽ không còn phù hợp với thực tế thị trường tín dụng”, lãnh đạo Bộ GTVT phân tích, đồng thời đề nghị, Bộ Tài chính cần bỏ tiêu chí này trong việc xác định mức lãi suất vốn vay trong Dự thảo.

Ông Trần Văn Thế, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần BOT Bắc Giang - Lạng Sơn cũng đề nghị Bộ Tài chính bổ sung vào Dự thảo Thông tư sửa đổi nội dung: “Đối với các dự án đã có văn bản của Bộ Tài chính hoặc Thủ tướng Chính phủ giải quyết vướng mắc trong việc xác định lãi suất vốn vay trước ngày thông tư này có hiệu lực thi hành được tiếp tục thực hiện theo văn bản đó”.


Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.

Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.

Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.

Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/

Anh Minh

Trước thềm Diễn đàn Đầu tư Việt Nam: Đầu tư thụ động trong bối cảnh vĩ mô không chắc chắn
Trong năm 2024, lãi suất tiền gửi có kỳ hạn đang ở mức thấp. 4 ngân hàng quốc doanh có mức huy đông kỳ hạn 12 tháng đang ở mức 4,6%-5,0%. Trong khi đó thị trường trái phiếu, cũng như thị trường bất động sản đều chưa phục hồi, dẫn đến thiếu các kênh đầu tư tài chính hấp dẫn. Lượng tiền gửi trong ngân hàng đang ở mức cao nhất trong lịch sử đạt gần 6,84 triệu tỷ đồng vào tháng 7/2024.