Go-Jek gấp rút xin phép hoạt động ở Philippines sau khi bị từ chối hai lần
Mới đây Go-Jek tiếp tục nộp lại hồ sơ xin cấp phép hoạt động ở Philippines trong bối cảnh đối thủ Grab đang thoải mái tận hưởng vị thế độc quyền, theo Nikkei.
Trước đó, đề nghị cấp phép của Go-Jek bị từ chối hai lần do không đáp ứng các quy định về sở hữu nước ngoài của nước sở tại. Lần này, Go-Jek thực hiện hợp tác cùng một công ty TMĐT địa phương là Paulo Campos, theo một hồ sơ gửi lên Uỷ ban Giao dịch và Chứng khoán Philippines.
Go-Jek từng bị giới chức Philippines từ chối hồ sơ hai lần vào tháng 12/2018 và tháng 3 năm nay. Ảnh: Nikkei
"Chúng tôi đã xem hồ sơ và chuyển chúng tới Bộ Giao thông Vận tải Philippines", Martin Delgra, Chủ tịch Ban Điều hành và Nhượng quyền Giao thông Đường bộ, nói với Nikkei. Bộ Giao thông Vận tải Philippines sẽ là cơ quan có quyền đưa ra quyết định cuối cùng.
Ở thời điểm hiện tại, Grab gần như không có đối thủ tại Philippines sau khi thâu tóm mảng hoạt động của Uber tại Đông Nam Á hồi năm ngoái.
Go-Jek nhìn nhận Philippines, quốc gia đông dân số thứ hai Đông Nam Á, là quân bài chiến lược trong kế hoạch mở rộng ảnh hưởng trong khu vực. Vào tháng 1, Go-Jek thâu tóm phần lớn dịch vụ thanh toán di động coins.ph trong một thương vụ với trị giá khoảng 72 triệu USD.
Được định giá khoảng 10 tỉ USD, Go-Jek hiện có một số nhà đầu tư lớn như Google và quỹ đầu tư quốc gia Singapore Tamasek Holdings.
Mới đây, ông Nadiem Makarim, người sáng lập Go-Jek, đã chính thức rời startup này để trở thành bộ trưởng bộ giáo dịch trong chính phủ của Tổng thống Joko Widodo. Truyền thông nhận định động thái của ông Makarim có ảnh hưởng tích cực đến hình ảnh của Go-Jek.
Trong diễn biến khác, Nikkei cho biết Pace Crimson Ventures Corp, một công ty Philippines, đã mua 60% cổ phần pháp nhân địa phương của Go-Jek là Velox Technology Philippines. Đây là mức sở hữu địa phương tối thiểu cho các công ty vận tải được hoạt động ở Philippines.
Một dấu hiệu khác cho thấy Go-Jek cũng đã sẵn sàng hoạt động ở Philippines là việc đăng tuyển dụng vị trí "giám đốc quan hệ chính phủ" hồi đầu tháng.
Đầu tuần này, ông Arsenio Balisacan, Chủ tịch Uỷ ban Cạnh tranh Philippines (PCC), kêu gọi tăng cạnh tranh trong thị trường gọi xe sau khi công bố một loạt vi phạm của Grab. Ông nhấn mạnh "các cơ quan khác" cần tạo ra một môi trường điều hành khuyến khích sự cạnh tranh.
PCC đã phạt Grab 23,5 triệu peso (500.000 USD) cho các vi phạm, trong đó có thu phí hành khách quá cao. Grab cho biết sẽ tuân thủ với phán quyết của PCC đồng thời đền bù cho hành khách.
Cơ quan cạnh tranh Philippines mặt khác yêu cẩu Grab không giới hạn tài xế với các hợ đồng độc quyền để cho phép họ hợp tác với đối thủ khác khi họ thâm nhập thị trường.