Giới thiệu món ăn: Một nghề tưởng dễ mà khó
Bài học của nữ nhân viên kinh doanh kiếm 30-50 triệu mỗi tháng rồi khởi nghiệp | |
Lời khuyên 'chậm mà chắc' dành cho các nhà khởi nghiệp |
Vũ Trung Ninh trong một lần giới thiệu món ăn tại Hà Nội. ẢNH: NINH EATING |
Từ đặc sản Tây Bắc tới đủ món miền Tây sông nước
“Ông trùm” của các kênh giới thiệu món ăn hiện nay phải kể đến Phạm Tân, trú Q.Hoàng Mai, Hà Nội sở hữu kênh Hoa ban food trên YouTube với hơn 1,2 triệu người đăng ký.
Chuyên về các món ăn đặc sản của núi rừng Tây Bắc và cả những hành trình trèo đèo, lội suối để thưởng thức món ăn như: cơm lam, gà nướng, cá suối gác bếp, tổ ong rừng, hạt mắc khén... những thước phim chỉn chu của Tân chinh phục người xem khắp mọi miền đất nước.
Trong khi đó, chỉ cần gõ “món ăn miền Tây” trên YouTube, lập tức xuất hiện hàng trăm kết quả từ các kênh như: Người miền Tây, Hai lúa miền Tây, Dân dã miền Tây, Miền Tây TV... Đủ các loại món ăn bình dị nơi miền Tây sông nước và cách đánh bắt, chế biến, thưởng thức được người trẻ thể hiện sinh động qua các video. Nhiều video, chỉ sau vài giờ xuất bản đã có hàng chục ngàn lượt xem.
Anh Huỳnh Trọng Huy (36 tuổi), thành viên của kênh Dân dã miền Tây, chia sẻ: “Khán giả có xu hướng thích những món ăn dân dã, thật sự đồng quê như chuột đồng nướng lu, gà bọc đất nướng...”.
Việc các kênh về ẩm thực miền Tây quá phong phú cũng khiến nhóm của anh Huy lâm tình cảnh dở khóc dở cười khi có ngày, một khán giả nhắn tin nói nhóm của anh bắt chước người khác, cũng làm món ăn giống họ.
Cần lối đi riêng để thành công
Đinh Võ Hoài Phương (26 tuổi, quê Bến Tre), cựu sinh viên Trường ĐH Tôn Đức Thắng, người sở hữu kênh Khoai lang thang với gần 230.000 người theo dõi trên YouTube. Không chỉ tập trung vào các món miền Tây, Phương còn giới thiệu món ăn của Hội An cho khách sạn 5 sao ở TP.HCM hay ở nhà hàng 300 năm tuổi tận Tây Ban Nha…
Hoài Phương từng đi phượt bằng xe máy từ TP.HCM tới khắp các tỉnh miền Tây, cho biết anh đầu tư nhiều thời gian, công sức, cho các chuyến đi để làm ra những sản phẩm ưng ý nhất, có khi toàn bộ tiền tiết kiệm anh đều dành để đi, ăn và quay, dựng phim.
Vũ Trung Ninh (nick name Ninh Titô, Ninh Eating), 24 tuổi, người chuyên giới thiệu món ăn đường phố Hà Nội, từng vào top 4 “Những người có ảnh hưởng trong mảng ẩm thực ở VN 2017” của giải thưởng Influencer Asia, cho hay hiện tại và sắp tới anh sẽ chỉ tập trung vào mảng ẩm thực đường phố vừa ngon, giá thành không quá cao, có thể thu hút đông đảo khán giả trẻ.
Theo Ninh, giới thiệu đồ ăn là một nghề tưởng dễ mà rất khó. “Nếu bạn áp đặt khẩu vị của mình một cách máy móc vào mỗi món ăn thì sẽ rất khó có được cái nhìn đúng đắn, tổng thể. Tôi luôn giới thiệu theo một hướng mở, để khách vừa có đủ sự tham khảo nhưng vẫn có được trải nghiệm món ăn cho riêng mình”, Ninh chia sẻ.
Ninh cũng cho hay không phải cứ nói về món ăn tốt, sẽ nấu ăn ngon và ngược lại. “Tất cả những thứ bạn trẻ cần là việc trải nghiệm thực tế các món ăn, học hỏi sự hiểu biết của bạn bè về ẩm thực các nước, các vùng miền để có thể chọn lọc và nói cho mọi người biết cách ăn sao cho đúng và ngon nhất”, Ninh nói.
Trong khi đó, anh Huỳnh Trọng Huy, đại diện kênh Dân dã miền Tây, cho hay bạn trẻ không nên ảo tưởng về nghề giới thiệu món ăn dễ dàng và có thể kiếm tiền ngay từ YouTube.
“Nhiều người mới làm thấy lượng người xem thấp nên nản chí, bỏ cuộc giữa chừng. Nhiều người quay, dựng phim không chỉn chu, sử dụng nhạc nền không bản quyền... như vậy là không tôn trọng khán giả”, anh Huy khẳng định.