Giới tài phiệt Trung Quốc thống trị bảng xếp hạng những tỷ phú mất nhiều tiền nhất thế giới năm 2021
Mới đây, tạp chí Forbes đã công bố danh sách những tỷ phú mất nhiều tiền nhất thế giới năm 2021. 10 tỷ phú đứng đầu danh sách này đã chứng kiến khối tài sản ròng sụt giảm tổng cộng 152 tỷ USD.
Tính đến thời điểm hiện tại, các tỷ phú Trung Quốc là những người chịu thiệt hại nặng nhất trong năm 2021. Việc chính quyền nước này thắt chặt quy định với các ngành công nghiệp từ bất động sản cho đến công nghệ, giáo dục,… đã khiến top 10 tỷ phú mất nhiều tiền nhất thế giới có tới 6 cái tên tới từ Trung Quốc.
Trước đó, các tỷ phú Trung Quốc là những người dẫn đầu thế giới về tăng trưởng tài sản ròng trong năm 2020. Tuy nhiên điều này không được lặp lại trong năm 2021. Năm 2020, top 10 tỷ phú mất nhiều tiền nhất thế giới chỉ chứng kiến mức lỗ gần 42 tỷ USD.
Trong đó, người thua lỗ lớn nhất trong năm 2020 là Carlos Slim Hélu, ông trùm người Mexico có gia đình kiểm soát América Móvil, công ty viễn thông di động lớn nhất châu Mỹ Latinh.
Dù vậy, số tiền mà tỷ phú Carlos Slim Hélu mất đi trong năm ngoái là 5 tỷ USD thậm chí chưa bằng một nửa so với số tiền mà tỷ phú Colin Zheng Huang, nhà sáng lập Pinduoduo mất trong năm nay.
Dưới đây là danh sách cụ thể, theo Forbes:
Colin Zheng Huang
Quốc tịch: Trung Quốc
Mức giảm: 40,2 tỷ USD
Giá trị tài sản ròng: 22,4 tỷ USD
Không tỷ phú nào chịu thiệt hại nặng nề hơn Colin Zheng Huang, người sáng lập nền tảng thương mại điện tử Pinduoduo. Giá trị tài sản ròng của tỷ phú này đã giảm 64% khi giá cổ phiếu Pinduoduo lao dốc trong năm 2021.
Công ty 6 năm tuổi này cũng chứng kiến sự biến động mạnh khi ông Colin đột ngột từ chức vào tháng 3. Tháng trước, giá cổ phiếu Pinduoduo tiếp tục giảm 21% khi doanh thu quý không đạt kỳ vọng.
Jack Ma
Quốc tịch: Trung Quốc
Mức giảm: 21,4 tỷ USD
Giá trị tài sản ròng: 37 tỷ USD
Tỷ phú Jack Ma, người từng nắm giữ vị trí tỷ phú giàu nhất Trung Quốc tỏ ra khá im tiếng trong suốt năm 2021.
Ông không muốn bị các phương tiện truyền thông chú ý sau những phát ngôn gây tranh cãi trong năm 2020. Chính phát ngôn của ông khiến kế hoạch IPO của gã khổng lồ fintech Ant Group bị hủy bỏ.
Sau đó, các nhà chức trách cũng nhắm đến Alibaba, gã khổng lồ thương mại điện tử do Jack Ma đồng sáng lập. Alibaba đã chịu mức phạt kỷ lục lên tới 2,8 tỷ USD vào tháng 4 do vi phạm các quy tắc chống độc quyền. Giá trị vốn hóa thị trường của Alibaba đã giảm hơn 46% trong năm nay, khiến tỷ phú Jack Ma mất hơn 21 tỷ USD.
Hứa Gia Ấn
Quốc tịch: Trung Quốc
Mức giảm: 18 tỷ USD
Giá trị tài sản ròng: 9,1 tỷ USD
Tỷ phú Hứa Gia Ấn, ông chủ gã khổng lồ China Evergrande tiếp tục đứng trong top những người mất nhiều tiền nhất thế giới hai năm liên tiếp. Cuộc khủng hoảng của "bom nợ" Evergrande khiến khối tài sản ròng của ông mất hàng tỷ USD.
Ngoài ra, tỷ phú Hứa Gia Ấn được cho là tự bỏ tiền túi để trả các khoản nợ của công ty. Trong những tháng cuối năm, sau khi bị Fitch hạ bậc xếp hạng, Evergrande đã chính thức vỡ nợ.
Zhang Yong
Quốc tịch: Singapore
Mức giảm: 15,9 tỷ USD
Giá trị tài sản ròng: 7,6 tỷ USD
Zhang Yong là người sáng lập và chủ tịch của Haidilao, chuỗi cửa hàng lẩu lớn nhất Trung Quốc, và có mặt tại rất nhiều nơi trên thế giới. Sau một năm phát triển nhanh chóng, ông lớn này đã đánh cược vào kế hoạch mở rộng quy mô, tăng gấp đôi số cửa hàng lên 1.600.
Tuy nhiên, những đợt bùng phát mới của đại dịch COVID-19 kết hợp với trải nghiệm ăn uống của người dùng chưa phù hợp khiến Haidilao gặp khó trong năm nay. Tháng 11, công ty tuyên bố sẽ tạm ngừng hoặc đóng cửa 300 cửa hàng vào cuối năm nay. Giá cổ phiếu Haidilao đã giảm 71% trong năm 2021.
Tadashi Yanai
Quốc tịch: Nhật Bản
Mức giảm: 14 tỷ USD
Giá trị tài sản ròng: 30,4 tỷ USD
Tỷ phú Yanai đã mất khoảng một phần ba tài sản trong năm nay sau khi cổ phiếu của đế chế quần áo Fast Retailing có trụ sở tại Tokyo, chủ sở hữu của các thương hiệu nổi tiếng Uniqlo và Theory, giảm khoảng 34%.
Mặc dù tính đến hết tháng 8, doanh thu và lãi trước thuế tăng lần lượt 6% và 70% so với cùng kỳ năm 2020, nhà bán lẻ này vẫn bị ảnh hưởng nặng nề bởi tác động mà đại dịch COVID-19 gây ra.
Lei Jun
Quốc tịch: Trung Quốc
Mức giảm: 14 tỷ USD
Giá trị tài sản ròng: 16,3 tỷ USD
Tài sản của tỷ phú Lei Jun, người sáng lập và chủ tịch của Xiaomi, một trong những thương hiệu điện thoại thông minh phổ biến nhất thế giới, đã giảm gần một nửa trong năm nay.
Mặc dù không phải đối tượng bị chính phủ Trung Quốc nhắm đến, nhưng Xiaomi lại phải vật lộn với các vấn đề về chuỗi cung ứng, cụ thể là cuộc khủng hoảng chip toàn cầu cùng với sự cạnh tranh gay gắt khiến thị phần của họ bị thu hẹp.
Quý III, Xiaomi đã công bố tốc độ tăng trưởng doanh số chậm nhất kể từ đầu năm 2020. Doanh nghiệp dự kiến sẽ tiếp tục chịu ảnh hưởng bởi cuộc khủng hoảng chip cho đế năm 2022.
Masayoshi Son
Quốc tịch: Nhật Bản
Mức giảm: 13,6 tỷ USD
Giá trị tài sản ròng: 25,1 tỷ USD
Sự không chắc chắn gây khó khăn cho các công ty Trung Quốc cũng có tác động lớn đến Masayoshi Son, người sáng lập và Giám đốc điều hành của tập đoàn đầu tư khổng lồ Nhật Bản Softbank.
Softbank có nhiều khoản đầu tư quan trọng vào các công ty Trung Quốc, chẳng hạn như Alibaba hay Didi Global. Quỹ đầu tư Vision Fund của Softbank đã ghi nhận khoản lỗ kỹ lục 7,3 tỷ USD trong quý III. Giá cổ phiếu lao dốc khiến tài sản ròng của CEO Softbank giảm 35%.
Daniel Gilbert
Quốc tịch: Mỹ
Mức giảm: 13,2 tỷ USD
Giá trị tài sản ròng: 29,6 tỷ USD
2021 là năm đầy biến động với công ty cho vay thế chấp Rocket Companies của tỷ phú người Mỹ Daniel Gilbert. Tháng 3, ông từng có thời điểm lọt vào top những người giàu nhất thế giới với khối tài sản ròng lên tới 80 tỷ USD khi giá cổ phiếu tăng nhanh. Tuy nhiên, kể từ thời điểm đó giá cổ phiếu công ty đã giảm 62%, qua đó khiến tài sản của tỷ phú Daniel Gilbert xuống dốc.
Zhang Bangxin
Quốc tịch: Trung Quốc
Mức giảm: 11,3 tỷ USD
Giá trị tài sản ròng: 1,2 tỷ USD
Ngoài bất động sản và công nghệ, dạy thêm cũng là một trong các lĩnh vực bị chính phủ Trung Quốc nhắm đến trong năm qua. Zhang Bangxin, nhà đồng sáng lập và chủ tịch của công ty dịch vụ giáo dục TAL Education là một minh chứng tiêu biểu.
Giá cổ phiếu TAL Education giảm mạnh khi các nhà quản lý công bố các quy định mới nghiêm ngặt, bao gồm lệnh cấm gọi vốn từ các nhà đầu tư nước ngoài. Bên cạnh Zhang Bangxin, nhiều tỷ phú khác trong lĩnh vực gia sư tại Trung Quốc cũng trải qua một năm khó khăn.
Zhong Huijuan
Quốc tịch: Trung Quốc
Mức giảm: 10,4 tỷ USD
Giá trị tài sản ròng: 10 tỷ USD
Zhong Huijuan là người sáng lập, chủ tịch và giám đốc điều hành của nhà sản xuất thuốc Trung Quốc Hansoh Pharmaceutical.
Bà trở thành một trong những phụ nữ giàu nhất thế giới sau khi công ty thông qua đợt IPO vào năm 2019, sau đó giá cổ phiếu Hansoh Pharmaceutical đã tăng hơn 130%. Tuy nhiên, giá cổ phiếu công ty đã giảm hơn 50% vào năm 2021. Kết quả, khối tài sản ròng của bà đã giảm hơn 51% trong năm nay.