|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Giới chuyên gia khuyến cáo IMF về tình trạng nợ của các thị trường mới nổi

01:00 | 08/06/2023
Chia sẻ
Cảnh báo về nguy cơ gia tăng liên quan đến mức nợ quốc gia kỷ lục, một nhóm các nhà kinh tế hàng đầu của khu vực Mỹ Latinh hôm 7/6 đã thúc giục Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) áp dụng ngay lập tức các cải cách tương tự như một ngân hàng trung ương để chuẩn bị cho cuộc khủng hoảng thị trường mới nổi tiếp theo.

Ủy ban Mỹ Latinh về các vấn đề kinh tế vĩ mô và tài chính (CLAAF), bao gồm các nhà kinh tế hàng đầu và cựu Bộ trưởng Tài chính, đã kêu gọi IMF thành lập một Quỹ Thị trường mới nổi trị giá 300 tỷ USD. Quỹ này có thể mua tạm thời các khoản nợ công của các quốc gia được chọn có nền tảng vững chắc.

Nhóm này cho biết IMF hiện đang thiếu các công cụ, nguồn tài chính và tính linh hoạt để giải quyết tình trạng “bất ổn lây lan” trên thị trường tài chính toàn cầu nhiều biến động.

Đề xuất này được đưa ra trong bối cảnh căng thẳng gia tăng giữa IMF và Argentina (Ác-hen-ti-na). Quốc gia này đang tìm cách tái cấu trúc chương trình vay IMF trị giá 44 tỷ USD trong khi tìm cách đối phó mức lạm phát gần 109% và dự trữ đồng USD ngày càng giảm. Các nhà kinh tế cũng đã cảnh báo về rủi ro do mức nợ chính phủ kỷ lục ở các nền kinh tế mới nổi khác trong khu vực.

CLAAF cho biết quỹ mới nên được quản lý bởi IMF, nhưng có bảng cân đối kế toán riêng. Uỷ ban cho biết dòng vốn của quỹ có thể đến từ các chương trình hoán đổi tiền tệ của các ngân hàng trung ương lớn ở các nước giàu có.

Theo CLAAF, quỹ chỉ nên can thiệp trong trường hợp có khả năng xảy ra tình trạng dòng vốn chảy vào các thị trường mới nổi bị dừng đột ngột theo hệ thống. Đồng thời, Quỹ này sẽ giúp IMF cung cấp thanh khoản cần thiết một cách nhanh chóng nếu xuất hiện một cuộc khủng hoảng.

Trong những trường hợp như Argentina, nơi một quốc gia liên tục bỏ lỡ các mục tiêu cải cách, các chương trình của IMF nên được tái cấp vốn với phụ phí lãi suất. Nhưng quốc gia nhận hỗ trợ không bắt buộc phải thực hiện một chương trình cải cách kinh tế mới và ban hành một loạt miễn trừ.

CLAAF cũng kêu gọi thay đổi Khuôn khổ chung về xử lý nợ của Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) để cho phép những cách tiếp cận xử lý khác nhau đối với các loại nợ và loại trừ nợ trong nước.

H.Thủy