|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Giới chuyên gia bày cách giúp nhà đầu tư tránh mất tiền vì FOMO

14:11 | 04/11/2022
Chia sẻ
Tâm lý FOMO có thể khiến các nhà đầu tư trở nên liều lĩnh hơn và lỗ nặng. Chuyên gia chỉ ra rằng kiểm soát FOMO là một trong những kỹ năng tài chính quan trọng nhất đối với nhà đầu tư trong thời đại ngày nay.

 

(Hình minh họa: 123rf). 

Các cố vấn tài chính cảnh báo rằng nỗi sợ bị bỏ lỡ - hay còn gọi là FOMO - có thể trở thành động lực tâm lý mạnh mẽ và khiến cho các nhà đầu tư bất cẩn thua lỗ nặng nề.

Ngày nay, mạng xã hội là một trong những nguồn cơn gây ra FOMO, khi người dùng dồn dập đăng tải thông tin về những khoản đầu tư “nóng” như tiền mã hóa, cổ phiếu meme và SPAC.

Nhiều người nổi tiếng và các chuyên gia tán tụng những tài sản đó trên mạng. Họ tuyên bố rằng chúng có thể giúp người mua lãi khủng, nhưng thường không nhắc đến rủi ro đi kèm hoặc không nói rằng mình được trả tiền để đăng bài quảng cáo.

Những lời khen đó không có nghĩa là mọi khoản đầu tư thu hút nhiều sự chú ý đều gây thiệt hại cho người mua, bởi lãi lỗ còn tùy thuộc vào thời điểm mua bán. Rắc rối là nhà đầu tư thường chỉ được kể về những lần thắng đậm, hiếm khi được chia sẻ về những trải nghiệm lỗ to.

Ông Morgan Housel, tác giả cuốn “Tâm lý học về tiền” nói rằng kiểm soát FOMO “có lẽ là một trong những kỹ năng tài chính quan trọng nhất trong thời đại mạng xã hội ngày nay”.

“Mong trúng xổ số”

Ông Joseph Bert, Chủ tịch kiêm CEO công ty cố vấn Certified Financial Group khuyên các nhà đầu tư nên “làm giàu từ tốn”, bởi những khoản đầu tư có tiềm năng tăng giá cao thường có rủi ro và nguy cơ lỗ cao hơn. Ông ví von: “Các nhà đầu tư cố ghi được bàn thắng lớn, giống như mong trúng xổ sổ”. 

Theo tờ CNBC, 2021 là năm tương đối dễ dàng để các nhà đầu tư kiếm tiền, bởi khi đó giá hầu hết các loại tài sản dường như chỉ biết tiến chứ không lùi. Chỉ riêng ở Mỹ, thị trường chứng khoán và tiền mã hóa mạnh mẽ đã giúp thêm một triệu người bước vào hàng ngũ triệu phú.

Năm ngoái, đông đảo những cá nhân có lượng người theo dõi lớn và các cộng đồng mạng xã hội cũng khuyến khích nhà đầu tư xuống tiền.

Ví dụ, giá bitcoin từng nhảy vọt hơn 20% trong một ngày sau một dòng tweet từ tỷ phú Elon Musk. Diễn đàn WallStreetBets trên Reddit châm ngòi cho cơn sốt cổ phiếu meme bao gồm GameStop và AMC.

Rapper Jay-Z, siêu sao bóng rổ Steph Curry, ngôi sao tennis Serena Williams và nhiều người nổi tiếng khác cũng từng lên tiếng ca ngợi một số SPAC.

Dựa vào thời điểm các nhà đầu tư mua và bán tài sản, FOMO có thể khiến họ mất tiền lớn. Ví dụ, giá bitcoin leo lên gần 69.000 USD vào tháng 11/2021, gần gấp ba lần so với một năm trước đó.

Hiện giờ giá bitcoin đã đổ sụp xuống khoảng 19.000 USD, gần bằng mức trước năm 2021. Cổ phiếu GameStop thường xuyên biến động dữ dội, có lúc lao dốc đến 40% chỉ trong vòng nửa giờ.

Năm ngoái, Ủy ban Giao dịch và Chứng khoán Mỹ (SEC) đã phải cảnh báo nhà đầu tư về các SPAC được người nổi tiếng giới thiệu.

SEC chỉ ra: “Người nổi tiếng cũng có thể bị dụ dỗ tham gia vào một thương vụ đầu tư rủi ro như người thường, hoặc họ có khả năng chịu lỗ tốt hơn những người khác. Việc đầu tư vào một SPAC nào đó chỉ vì có người nổi tiếng quảng cáo, đầu tư hoặc tài trợ không phải là ý kiến hay”.

Tác giả Housel nói thêm: “Tôi nghĩ hầu hết mọi người không hiểu được mức độ chịu rủi ro của họ và không lường trước được khả năng mình phải hối tiếc trong tương lai. Khi họ thấy tình hình xấu đi thì đã quá muộn”.

Vượt qua FOMO

Các nhà cố vấn tài chính hàng đầu giúp khách hàng vượt qua tâm lý FOMO bằng cách giúp họ hình dung rủi ro thua lỗ trong tương lai.

Ông Aldo Vultaggio, Giám đốc đầu tư của Capstone Financial Advisors, giả định một khách hàng muốn chuyển rất nhiều tiền sang “một loại tài sản mang tính chất FOMO”. Khi đó, ông sẽ thảo luận với họ về xác suất đạt được mục tiêu tài chính trong hai trường hợp có hoặc không có tài sản đó trong danh mục.

Nói cách khác, nếu vị khách đã sắp có đủ tiền để nghỉ hưu trong sung túc hoặc trả học phí đại học cho con, thì ông sẽ nhấn mạnh rằng họ không cần phải mạo hiểm thêm.

Nỗi sợ thất bại trong tương lai sẽ ngăn cản khách hàng thực hiện các khoản đầu tư ngắn hạn - hoặc ít nhất là giảm số tiền họ định phân bổ sang loại tài sản rủi ro cao.

Ông Vultaggio nói tiếp: “Vì sao nhà đầu tư lại bỏ tiền vào các tài sản đầu cơ? Thông thường họ làm vậy vì hy vọng sẽ kiếm được nhiều lợi nhuận hơn. Nhưng nếu bạn không cần phải liều lĩnh thì việc gì phải làm thế?”

Đối với những khách hàng quyết tâm nắm giữ tài sản rủi ro cao, ông khuyên họ nên giới hạn vị thế ở trong ngưỡng 1-5% tỷ trọng danh mục đầu tư. Ông cũng cảnh báo rằng họ không nên đầu tư bằng tiền sẽ cần dùng đến trong ngắn hạn hoặc trung hạn.

Bà Madeline Maloon, cố vấn tài chính tại California Financial Advisors, thừa nhận rằng việc đầu tư vào cổ phiếu, trái phiếu và các loại tài sản khác luôn tiềm ẩn một số rủi ro. Nhưng rủi ro của những tài sản đó có thể tính toán được và nhà đầu tư thường có lãi nếu duy trì danh mục trong dài hạn.

Bà nói tiếp: “Chúng ta cần cân nhắc chiến lược một cách kỹ lưỡng. Dù khách hàng muốn đầu tư vào một cổ phiếu tăng nóng, tiền mã hóa, hay bất kỳ tài sản nào mang tính FOMO, chúng tôi cũng sẽ giải thích cho họ hiểu rõ rằng họ đang dùng tiền để đánh bạc. Khách hàng không nên dựa vào những tài sản đó để lấy tiền nghỉ hưu hoặc phục vụ các mục đích nghiêm túc”.

Giang