Giảm yêu cầu vốn tối thiểu với hãng bay quốc tế, nới room ngoại tại hãng hàng không lên 34%
Ảnh minh họa: Vietnam Airlines.
Ngày 15/11 vừa qua, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 89/2019/NĐ-CP về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 92/2016/NĐ-CP qui định về các ngành, nghề kinh doanh có điều kiện trong lĩnh vực hàng không dân dụng và Nghị định số 30/2013/NĐ-CP về kinh doanh vận chuyển hàng không và hoạt động hàng không chung.
Nghị định 89 lần này đã loại bỏ qui định hãng hàng không khai thác vận chuyển quốc tế phải có vốn cao hơn hãng chỉ khai thác nội địa. Theo đó, yêu cầu về vốn sẽ chỉ phụ thuộc vào qui mô đội tàu bay, cụ thể:
Yêu cầu vốn tối thiểu theo qui mô đội bay | Nghị định 92 (cũ) | Nghị định 89 (mới) |
Đến 10 tàu bay | 300 tỉ đồng nếu chỉ bay nội địa; 700 tỉ đồng nếu bay cả quốc tế | 300 tỉ đồng |
11 – 30 tàu bay | 600 tỉ đồng nếu chỉ bay nội địa, 1.000 tỉ đồng nếu bay cả quốc tế | 600 tỉ đồng |
Trên 30 tàu bay | 700 tỉ đồng nếu chỉ bay nội địa, 1.300 tỉ đồng nếu bay cả quốc tế | 700 tỉ đồng |
Có thể thấy theo qui định mới, yêu cầu vốn tối thiểu đối với hãng hàng không có khai thác bay quốc tế đã thấp hơn từ 400 đến 600 tỉ đồng so với qui định cũ. Mức vốn tối thiểu để thành lập và duy trì doanh nghiệp kinh doanh hàng không chung vẫn là 100 tỉ đồng.
Ngoài ra, Nghị định 89 cũng nâng tỉ lệ sở hữu tối đa của nhà đầu tư nước ngoài từ 30% hiện nay lên thành 34%, giữ nguyên qui định phải có ít nhất một cá nhân Việt Nam hoặc một pháp nhân Việt Nam giữ phần vốn điều lệ lớn nhất.
Trường hợp pháp nhân Việt Nam có vốn đầu tư nước ngoài thì phần vốn góp nước ngoài chiếm không quá 49% vốn điều lệ của pháp nhân.
Theo Nghị định 92, mức vốn tối thiểu để thành lập và duy trì doanh nghiệp cảng hàng không đối với kinh doanh cảng hàng không nội địa là 100 tỉ đồng; kinh doanh cảng hàng không quốc tế là 200 tỉ đồng. Theo qui định mới, mức vốn tối thiểu để thành lập và duy trì doanh nghiệp cảng hàng không là 100 tỉ đồng, không phân biệt nội địa hay quốc tế.
Nghị định 89 sẽ có hiệu lực từ ngày 1/1/2020.
Hiện nay, Vietnam Airlines có vốn điều lệ 14.183 tỉ đồng, Vietjet Air 5.416 tỉ đồng, Jetstar Pacific 3.522 tỉ đồng. Tỉ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài tại Jetstar Pacific đang ở mức tối đa 30% do hãng hàng không Qantas Airways của Australia nắm giữ. Từ ngày 1/1 tới, Qantas sẽ có thể nâng tỉ lệ sở hữu tại Jetstar lên 34% theo Nghị định 89.
Hãng hàng không Bamboo Airways của Tập đoàn FLC mới đây nâng vốn điều lệ lên 2.200 tỉ đồng rồi nâng tiếp lên 4.050 tỉ đồng, tuy nhiên giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không gần đây nhất của hãng mới ghi nhận vốn điều lệ 1.300 tỉ đồng.
Trong tháng 10, Bamboo Airways đã chuyển đổi loại hình doanh nghiệp từ công ty TNHH một thành viên sang công ty cổ phần và công bố kế hoạch đưa cổ phiếu lên giao dịch trên thị trường chứng khoán.
Dự án lập Hãng hàng không Cánh Diều (Kite Air) của CTCP Hàng không Thiên Minh có tổng vốn 1.000 tỉ đồng và dự kiến trong ba năm đầu khai thác sẽ lỗ lũy kế hơn 350 tỉ đồng. Hãng có kế hoạch đến năm 2020 sẽ khai thác 6 máy bay ATR-72.