Giảm thuế cho người lao động cũng là kích thích kinh tế
Giảm lãi suất các khoản vay, giãn hoặc giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, tăng mức đầu tư công nhằm kích cầu và giảm áp lực tài chính cho doanh nghiệp là các giải pháp có thể vực dậy nền kinh tế trong giai đoạn khủng hoảng. Nhưng bên cạnh các chính sách hướng trực tiếp vào doanh nghiệp và kích cầu thông qua tăng chi tiêu công, thì chính sách kích cầu hướng trực tiếp vào người tiêu dùng, chẳng hạn giảm thuế thu nhập cá nhân, cũng là giải pháp hứa hẹn mang lại hiệu quả tích cực. Nhưng hướng đi này đến nay vẫn chưa được các cơ quan tham mưu của Chính phủ quan tâm.
Trên thực tế, Bộ Tài chính đã có tờ trình tăng mức giảm trừ gia cảnh cá nhân chịu thuế lên 23,2%. Tuy nhiên, đề xuất này cũng chỉ là sự điều chỉnh cho phù hợp với biến động của lạm phát trong quá khứ. Thậm chí, theo nhiều chuyên gia, mức giảm trừ theo đề nghị của Bộ Tài chính còn chưa thể giúp nuôi dưỡng nguồn thu, nên cũng khó mà hy vọng nó sẽ mang lại hiệu ứng tích cực rõ nét nào đó cho nền kinh tế.
Nếu nhìn vào Báo cáo đánh giá tác động đối với đề xuất tăng mức giảm trừ gia cảnh của Bộ Tài chính, chúng ta không khó để nhận ra mối quan tâm hàng đầu của cơ quan tham mưu này là thu cho ngân sách. Báo cáo đánh giá rằng “Chính sách giảm trừ gia cảnh với mức hợp lý và ổn định trong thời gian dài đã góp phần bảo đảm huy động nguồn thu cho ngân sách nhà nước...”.
Mức giảm trừ gia cảnh “ổn định trong thời gian dài”, trong khi lạm phát thì năm nào cũng là con số dương, rõ ràng người lao động đã phải trả giá cho thành quả “bảo đảm huy động nguồn thu cho ngân sách” đó bằng chính thu nhập của mình.
Một trong những “tác động tiêu cực”, theo Báo cáo, là số dự thu thuế thu nhập cá nhân chỉ còn 68.921 tỉ đồng, giảm 10.300 tỉ đồng so với mức dự thu của năm 2019. Ở đây chưa nói đến việc con số 68.921 tỉ đồng có đúng với thực tế hay không, vì trong ba năm qua tiền thuế thu nhập cá nhân thu được không “đứng im” mà tăng liên tục qua các năm, với mức tăng bình quân trên 10.000 tỉ đồng/năm.
Giả sử số thuế thu nhập cá nhân thu được có giảm 10.300 tỉ đồng, thậm chí nhiều hơn nếu đề xuất tăng mức giảm trừ gia cảnh của các chuyên gia kinh tế được chấp nhận, thì đối với nền kinh tế và cả ngân sách nhà nước cũng là có lợi, vì số tiền đó sẽ biến thành sức mua, thành động lực tăng trưởng kinh tế và nguồn thu cho ngân sách quốc gia. Ngược lại, nếu người dân phải thắt lưng buộc bụng, thì hầu bao của ngân sách cũng phải teo tóp lại.
Ngoài ra, khi Chính phủ vẫn đang chật vật với mục tiêu hoàn thành kế hoạch giải ngân đầu tư công, vốn đã kéo dài trong mấy năm qua, cộng với tình trạng tham nhũng vẫn chưa thể kiểm soát, thì việc tăng đầu tư công để kích cầu cho nền kinh tế xem ra ít có triển vọng, thậm chí có thể còn gây ra phản ứng phụ nguy hiểm. Trong bối cảnh đó, giảm thuế thu nhập cá nhân chính là chính sách kích cầu vừa có hiệu quả lâu dài đối với nền kinh tế, vừa không lo bị tham nhũng và lãng phí.