|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Giảm thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu: Kỳ vọng giá xăng hạ nhiệt

22:15 | 24/03/2022
Chia sẻ
Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn đến hết ngày 31/12. Theo đó sẽ giảm thuế 2.000 đồng/lít xăng, 1.000 đồng/lít dầu diesel, dầu mazut và dầu nhờn.

Nhiều chuyên gia nhận định, với quyết định giảm thuế này, giá xăng dầu trong nước thời gian tới sẽ được hạ nhiệt, giúp giảm nhẹ gánh nặng lên chi phí sản xuất, tiêu dùng của người dân.

Ngóng giá xăng giảm mạnh

Nghe thông tin về việc sẽ giảm thuế bảo vệ môi trường giá xăng dầu từ đầu tháng 4 tới, nhiều nhà xe, dịch vụ vận tải vui mừng khi các các gánh nặng chi phí cho vận hành sẽ giảm theo.

Bà Vũ Tuyết Hạnh, đại diện Công ty vận tải Cường Thắng cho hay, thuế giảm 2.000 cùng với các chính sách điều hành giá của cơ quan chức năng, giá xăng thời gian tới có thể giảm khoảng hơn 2.000 đồng, tương đương khoảng 7%. Giá xăng là yếu tố chiếm từ 40-45% trong cấu thành giá vận tải. Việc giảm giá xăng sẽ giúp doanh nghiệp giảm áp lực về tài chính.

"Không chỉ Cường Thắng mà nhiều doanh nghiệp vận tải thời gian qua không dám tăng cước, nhất là với mối khách quen để giữ khách hàng. Nhiều chuyến hàng xác định không có lãi, thậm chí lỗ nhẹ, nhưng vẫn phải chạy. Giá xăng giảm tạm thời có thể giúp doanh nghiệp có thêm lợi nhuận", bà Hạnh nói.

Giảm thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu: Kỳ vọng giá xăng hạ nhiệt - Ảnh 1.

Mua bán xăng dầu tại Hà Nội. (Ảnh: Trần Việt/TTXVN).

Anh Nguyễn Anh Tú, chạy xe Hà Nội - Nội Bài vui vẻ cho biết, do giá xăng tăng mạnh nên giá cước chạy tuyến thời gian qua đã tăng lên đáng kể, từ 200.000 đồng/chiều lên 250.000 - 270.000 đồng/chiều tùy điểm đưa đón.

"Thời gian tới, nếu giá xăng giảm mạnh, chúng tôi có thể có thêm thu nhập, trang trải chi phí. Với mỗi 2.000 đồng/lít, mỗi chuyến xe, anh em tài xế có thêm 20.000 - 30.000 đồng/ngày. Dù là nhỏ thôi nhưng phần nào giảm bớt gánh nặng chi phí ăn uống, bến bãi...", anh Tú bày tỏ.

Giá xăng dầu tăng sốc thời gian qua đã khiến không ít lĩnh vực chịu áp lực, đặc biệt là với vận tải. Ông Bùi Danh Liên, chuyên gia lĩnh vực vận tải cho hay, chi phí các hãng xe phải chịu là rất lớn, từ giá xăng tăng, bến bãi, cầu đường... Nay thuế bảo vệ môi trường giảm sẽ là tin vui với các đơn vị, phần nào giúp họ giảm được áp lực trong vận hành. 

Dù vậy, ông Liên cũng cho rằng, giá cước vận tải sẽ chưa thể điều chỉnh theo mức giảm giá xăng dự kiến ở kỳ điều hành tới. Vì trong xu thế, giá xăng dầu vẫn sẽ neo cao do những căng thẳng xung đột Nga - Ukraine, giá dầu thế giới vẫn ở mức cao.

Công cụ hữu hiệu

Thời gian qua, giá dầu thế giới tăng cao lên sát 140 USD/thùng và đang dao động quanh mốc 100 USD/thùng. Điều này khiến giá xăng dầu trong nước biến động tăng mạnh gây ra nhiều gánh nặng cho ngành vận tải, sản xuất và đời sống người dân.

Đại diện Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho hay, quyết định giảm thuế bảo vệ môi trường ở mức 2.000 đồng/lít xăng và 1.000 đồng/lít dầu thực hiện từ 1/4 tới đây sẽ giúp cho giá xăng trong kỳ điều hành lần tới của liên Bộ Công Thương - Tài chính giảm mạnh.

Theo thông tin từ Bộ Công Thương, trong suốt thời gian qua, liên Bộ đã thực hiện chi sử dụng Quỹ bình ổn giá cho các mặt hàng xăng dầu ở mức từ 200-1.500 đồng/lít. Đến nay, số dư Quỹ bình ổn đã gần hết, tại 13 doanh nghiệp Quỹ đã âm. Do vậy, kỳ điều hành vừa qua, liên Bộ ngừng chi quỹ này đối với các mặt hàng xăng dầu. Đồng thời, phải thực hiện trích lập quỹ từ 200-500 đồng/lít.

Như vậy, ở kỳ điều hành lần tới, việc sử dụng Quỹ bình ổn sẽ không còn nhiều tác động để giảm giá xăng. Lúc này, mức giảm thuế bảo vệ môi trường vừa được thông qua sẽ phát huy hiệu quả.

Đại diện Vụ Thị trường trong nước - Bộ Công Thương cho biết, quỹ bình ổn đang âm do đó, không thể trông chờ vào Quỹ này để kìm đà tăng giá xăng dầu, mà chỉ có thể trông chờ vào biện pháp từ giảm thuế, phí cấu thành giá.

Trong cơ cấu giá xăng dầu cơ sở, mỗi lít xăng, dầu bán ra đang chịu 4 loại thuế gồm: thuế giá trị gia tăng, nhập khẩu, tiêu thụ đặc biệt và bảo vệ môi trường.

Chia sẻ với phóng viên, ông Nguyễn Tiến Thỏa - nguyên Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) cho hay, khi giá dầu thế giới tăng cao, Việt Nam sẽ hưởng lợi từ các hoạt động xuất khẩu dầu thô, kèm theo đó là nguồn thu từ các loại thuế, phí đối với dầu thô, xăng dầu thành phẩm trong nước, góp phần tăng thu ngân sách nhà nước.

"Hiện tại, việc áp dụng giảm thuế bảo vệ môi trường sẽ giúp hạ nhiệt giá xăng. Nhưng về lâu dài, cần có các giải pháp cải cách để điều hành xăng dầu đúng với cơ chế thị trường, tránh tình trạng điều hành "nửa vời" như hiện nay. 

Có thể tiến tới bỏ định giá theo chu kỳ, chuyển theo hướng doanh nghiệp tự định giá, cạnh tranh về giá theo tín hiệu khách quan của thị trường", ông Nguyễn Tiến Thỏa đề xuất.

Ông Trần Duy Đông, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước cho rằng, cần phải tính tới các công cụ thuế linh hoạt hơn, như bài toán giảm thuế môi trường, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế giá trị gia tăng, thuế nhập khẩu và phải có chiến lược tiết kiệm.

Cùng đó là các giải pháp về tăng dự trữ quốc gia, tách bạch dự trữ quốc gia ra khỏi dự trữ lưu thông phân phối làm sao trong trong quy hoạch sản xuất để tăng dự trữ từ sản xuất đến lọc dầu, dự trữ về lọc dầu và thành phẩm. Đó là những công cụ, dư địa để can thiệp nhằm hài hòa lợi ích các bên là nhà nước, người dân, doanh nghiệp.

Đức Dũng