Nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê: Nếu việc giảm thuế môi trường chậm, nhiều doanh nghiệp có khi đã chết
Trong bối cảnh giá xăng dầu trong nước tăng cao kỷ lục trong 13 năm, nguồn cung có gián đoạn, Bộ Tài chính đang lấy ý kiến về việc giảm thuế bảo vệ môi trường để giảm áp lực cho người dân, doanh nghiệp.
Tại tọa đàm "Kiểm soát lạm phát - Thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế", ông Nguyễn Bích Lâm, Nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cho rằng: "Chúng ta cần phải triển khai kịp thời việc giảm thuế môi trường. Bây giờ giá xăng dầu đang tăng rất mạnh, nếu đợi tới ngày 1/4 mới trình Quốc hội xong thực hiện thì sẽ rất chậm, nhiều doanh nghiệp có khi đã... chết rồi".
Vị này cho rằng Việt Nam còn rất nhiều dư địa để giảm giá xăng dầu, trong đó cần sử dụng công cụ khác để điều tiết mức tăng sao cho phù hợp, hợp lý mà vẫn đảm bảo sự tăng giá của xăng dầu nhưng không tăng giá quá cao so với xăng dầu thế giới.
Ngoài ra, ông Lâm cho rằng việc giá xăng dầu từ đầu năm tới nay đã tăng tới hơn 60% là áp lực rất lớn đối với nền kinh tế Việt Nam. Bởi, nếu giá xăng dầu tăng 10% thì sẽ tạo ra 0,36% lạm phát. Hay như trong 1,68% lạm phát của hai tháng đầu năm thì xăng dầu đã đóng góp tới 1,63%.
"Tôi đề nghị Ban chỉ đạo điều hành giá Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Công Thương... cần nắm bắt tình hình kinh tế, chính trị thế giới và có thêm những công cụ phân tích dự báo một cách kịp thời hơn, chính xác hơn, để không phụ thuộc quá nhiều vào bên ngoài", ông Lâm nói.
Chẳng hạn như về xăng dầu, ngoài chuyện dùng Quỹ bình ổn thì cơ bản vẫn phải đảm bảo nguồn cung - có thể từ nguồn cung trong nước, từ nhập khẩu, hay bài toán dự trữ thế nào để có thể dùng tới khi gặp những biến động...
Trước những biến động khó lường của tình hình thế giới thì công tác điều hành cần phải kịp thời hơn, đúng thời điểm và hiệu quả. "Kế hoạch, giải pháp rồi các chính sách dù tốt nhưng thực hiện muộn thì vẫn là không có tác dụng", ông Lâm nói.