|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Giảm thuế môi trường bao nhiêu sẽ chế ngự được 'cơn điên' giá xăng dầu?

13:59 | 10/03/2022
Chia sẻ
Có nhiều luồng ý kiến sau khi Bộ Tài chính đưa ra dự thảo mức giảm thuế môi trường 500 – 1.000 đồng/lít,kg với mặt hàng xăng dầu. Một bên đồng tình với mức thuế này để đảm bảo ngân sách và kinh tế vĩ mô, song một bên lại cho rằng cần giảm sâu hơn nữa mới có thể giảm đau nhanh cho người dân và doanh nghiệp.

Giảm 500 - 1.000 đồng/lít để đảm bảo nguồn thu ngân sách, ổn định kinh tế vĩ mô

Ngày 10/3 đánh dấu hai tuần xung đột Nga – Ukraine nổ ra kéo theo một loạt lệnh trừng phạt của Mỹ và phương Tây đối với Nga khiến thị trường hàng hóa thế giới có một phen chao đảo, đặc biệt là giá dầu.

Cụ thể, tuần vừa qua, giá dầu thế giới liên tục biến động mạnh, cao nhất ở mức 139 USD/thùng vào sáng ngày 7/3.

Westbeck Capital Management dự đoán sự suy giảm kéo dài đối với xuất khẩu dầu của Nga cùng với nhu cầu lao dốc có thể sẽ đẩy giá dầu lên khoảng 150-175 USD/thùng, thậm chí có thể vượt quá 200 USD/thùng, gần gấp đôi mức giá hiện tại, theo Bloomberg.

Tại Việt Nam, giá xăng đang ở mức cao kỷ lục với 26.077 - 26.834 đồng/lít, giá dầu khoảng 18.468 - 21.310 đồng/lít,kg. Đây cũng là đợt tăng thứ 5 liên tiếp kể từ đầu năm 2022 và Bộ Công Thương cho rằng giá xăng dầu ở kỳ điều hành ngày mai (11/3) có thể tăng nóng 5.000 - 8.000 đồng/lít,kg tùy loại.

Giảm thuế môi trường bao nhiêu sẽ chế ngự được 'cơn điên' giá xăng dầu? - Ảnh 1.

(Số liệu: Bộ Công Thương, Biểu đồ: Phạm Mơ)

Trong bối cảnh giá xăng dầu trong nước tăng cao kỷ lục trong 13 năm, nguồn cung có gián đoạn, Bộ Tài chính đang lấy ý kiến về việc giảm thuế bảo vệ môi trường để giảm áp lực cho người dân, doanh nghiệp.

Mức thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu

(Nguồn: Bộ Tài chính)

Hàng hóa

Mức thuế hiện hành

Mức thuế theo dự thảo

Xăng (trừ etanol)

4.000 đồng/lít

3.000 đồng/lít

Dầu diesel

2.000 đồng/lít

1.500 đồng/lít

Dầu hỏa

1.000 đồng/lít

500 đồng/lít

Dầu mazut

2.000 đồng/kg

1.500 đồng/kg

Dầu nhờn

2.000 đồng/lít

1.500 đồng/lít

Mỡ nhờn

2.000 đồng/kg

1.500 đồng/kg

Trao đổi với người viết, ông Trịnh Quang Khanh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam (VINPA) cho biết VINPA đồng tình với mức giảm thuế môi trường mà Bộ Tài chính đưa ra.

Vị này cho biết nhiều người cho rằng cần giảm thuế môi trường sâu hơn nữa và khi giá dầu lao dốc sẽ cân đối để bù lại. Tuy nhiên, theo ông Khanh việc giảm thuế sẽ ảnh hưởng đến cân đối ngân sách nhà nước và hiện không ai có thể dự đoán khi nào căng thẳng Nga – Ukraine hạ nhiệt, giá dầu sẽ giảm.

"Giá xăng dầu tăng, có người chịu ảnh hưởng ít, có người bị thiệt hại nhiều. Song, nếu giảm giá xăng dầu, giảm thuế để ai cũng bằng lòng thì rất khó. Quan điểm của hiệp hội là hài hòa lợi ích của ba chủ thể: Nhà nước, doanh nghiệp, người dân", ông Khanh nói.

Ngoài công cụ thuế, đại diện VINPA cho rằng Quỹ bình ổn giá xăng dầu (BOG) cũng là "tấm đệm" giảm áp lực giá xăng dầu song hết năm 2021, quỹ chỉ còn 898 tỷ đồng, 14/35 doanh nghiệp đang âm với tổng số lên tới 1.500 tỷ đồng.

Nếu Liên Bộ Tài chính – Công Thương muốn chi sử dụng quỹ BOG cho các kỳ điều chỉnh sắp tới thì cần bảo lãnh cho các doanh nghiệp vay ngân hàng và thống kê số âm để khi giá xăng dầu giảm, Liên Bộ sẽ có tính toán, trích lập để cho doanh nghiệp bù vào khoản âm trước đó.

Giảm thuế môi trường bao nhiêu sẽ chế ngự được 'cơn điên' giá xăng dầu? - Ảnh 3.

Xăng dầu đóng vai trò quan trọng trong thu ngân sách. (Ảnh: H.Mĩ)

Còn theo quan điểm của chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh, Việt Nam vận hành theo kinh tế thị trường và xu hướng của thế giới, "nước nổi bèo nổi".

"Giá xăng dầu tăng do quy luật thị trường, không phải do Nhà nước. Khi tham gia vào kinh tế thị trường này, tất cả đều phải tuân thủ luật chơi và chấp nhận rủi ro. Doanh nghiệp không thể yêu cầu Nhà nước bao cấp khi giá xăng dầu tăng trong khi hưởng lợi khi giá giảm.

Trường hợp, nếu Chính phủ có thể cân đối ngân sách và hỗ trợ giảm thuế 500 – 1.000 đồng/lít xăng dầu cũng là rất quý", ông Thịnh bày tỏ.

Dù vậy, chuyên gia này cho rằng cần cân nhắc kỹ việc giảm thuế xăng dầu vì mặt hàng này đóng vai trò quan trọng trong thu ngân sách. Việc giảm thuế cũng khiến nguồn thu ngân sách rơi vào thế khó khi vừa phải chi khoản lớn cho chống dịch, phục hồi kinh tế...

Thực tế, giai đoạn 2022 – 2025, Chính phủ sẽ giải ngân gói hỗ trợ 350.000 tỷ đồng và có tính toán để người dân, doanh nghiệp đều được hỗ trợ phục hồi kinh tế, không riêng giá xăng dầu hay thuế môi trường.

Vị này phân tích thêm, việc giảm thuế sâu có thể gây thâm hụt ngân sách nhà nước, đẩy tỷ lệ nợ công lên cao. Điều này sẽ ảnh hưởng đến kinh tế vĩ mô, môi trường đầu tư xấu đi và khó thu hút các dự án vào Việt Nam. Bản thân các doanh nghiệp cũng bị bào mòn bởi lạm phát và biến động thị trường.

"Dù khó khăn thế nào cũng phải đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô", ông Thịnh nói.

Hay giảm 50% thuế để hạ sốt cho doanh nghiệp, người dân

Sau khi Bộ Tài chính đưa ra dự thảo mức giảm thuế môi trường 500 – 1.000 đồng/lít,kg với mặt hàng xăng dầu, có nhiều luồng ý kiến. Một bên đồng tình với mức thuế này, một bên cho rằng cần hạ thuế môi trường sâu hơn nữa mới có thể giảm đau nhanh cho người dân và doanh nghiệp.

Trao đổi với báo Tiền Phong, TS. Bùi Đức Thụ, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia cho rằng: "Nếu chỉ giảm 1.000 đồng/lít, khi giá xăng hiện nay 27.000 đồng/lít thì không mấy ý nghĩa".

Vị này phân tích trong giá xăng dầu bao gồm nhiều loại thuế, phí, như thuế nhập khẩu, thuế VAT, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế bảo vệ môi trường…

Ngoài giảm thuế môi trường 1.000 đồng/lít xăng, nếu Chính phủ tiếp tục đề xuất giảm các loại thuế khác, thì giá xăng dầu sẽ tiếp tục giảm nhiều hơn. Nhưng nếu ngoài thuế môi trường, các loại thuế khác không điều chỉnh, thì mức giảm này quả thật là thấp, tác động đến giá xăng dầu rất ít.

Thực tế, giá xăng dầu thế giới luôn biến động khó lường và ở biên độ rất lớn, có lúc tụt xuống 30 USD/thùng nhưng có khi lại bất ngờ tăng vọt 120 - 130 USD/thùng.

"Nếu để vận động tự phát theo thị trường, thì rõ ràng sản xuất kinh doanh và đời sống của người dân không được ổn định, phải đối mặt với rất nhiều khó khăn", ông Thụ nói.

Vị này cho rằng để ổn định đời sống, thu nhập của người dân, kiểm soát lạm phát dưới 4% năm nay, phải xác định giá xăng dầu trong nước dao động ở khoảng nào, chẳng hạn từ 18.000 - 24.000/lít, hay bao nhiêu. Khi đó, nếu giá thế giới vượt mức trần, hay giảm quá mức sàn, sẽ đưa ra mức điều chỉnh thuế, phí và các chính sách khác cho phù hợp.

Giảm thuế môi trường bao nhiêu sẽ chế ngự được 'cơn điên' giá xăng dầu? - Ảnh 4.

Giá xăng dầu tăng kéo theo giá các mặt hàng đều tăng, người tiêu dùng chịu thiệt. (Ảnh: Hoàng Anh)

Ở góc độ cơ quan quản lý thị trường, Bộ Công Thương nhấn mạnh xung đột Nga - Ukraine và các lệnh trừng phạt của châu Âu và Mỹ đối với Nga khiến giá dầu biến động mạnh, kéo theo giá xăng dầu trong nước leo thang.

Do vậy, Bộ Công Thương kiến nghị giảm 50% thuế bảo vệ môi trường đối với các mặt hàng xăng dầu như sau: thuế bảo vệ môi trường đối với xăng (trừ etanol) là 2.000 đồng/lít; đối với dầu diesel là 1.000 đồng/lít; đối với dầu hỏa là 500 đồng/lít; đối với dầu mazut là 1.000 đồng/kg; đối với dầu nhờn là 1.000 đồng/lít và đối với mỡ nhờn là 1.000 đồng/kg.

Bộ Công Thương cho rằng mức thuế này sẽ tạo dư địa điều hành, bình ổn giá xăng dầu trong nước trong bối cảnh giá xăng dầu thế giới tăng mạnh, tránh tác động bất lợi đến đời sống, sản xuất của người dân, doanh nghiệp.

Trước đó, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cũng đề nghị Bộ Tài chính cân nhắc trình thêm một phương án nữa có mức giảm mạnh hơn, chẳng hạn áp dụng mức giảm 2.000 đồng/lít với xăng; 1.000 đồng/lít với dầu, mỡ nhờn.

Thời hạn giảm có thể ngắn hơn, chẳng hạn 3-6 tháng nếu giá xăng dầu ổn định trở lại thay vì áp dụng đến 31/12/2022.

Sau khi lấy ý kiến các Bộ, ngành, Bộ Tài chính sẽ trình Chính phủ phương án chính thức. Song, việc giảm thuế môi trường ở mức nào, giảm một hay nhiều loại thuế xăng dầu, thời hạn ra sao... sẽ là một bài toán cân não với Chính phủ ở thời điểm này.

Phạm Mơ