|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Giá xăng dầu sẽ tiếp tục tăng nóng, liệu quỹ bình ổn có gánh nổi?

17:59 | 08/03/2022
Chia sẻ
Bộ Tài chính thông tin hết năm 2021, số quỹ bình ổn giá xăng dầu (BOG) còn gần 898 tỷ đồng. Tuy nhiên, 14/35 doanh nghiệp hiện đang âm quỹ với tổng gần 1.500 tỷ đồng. Trong bối cảnh này, việc chi quỹ BOG sẽ khó có thể kéo dài.

Qua 5 kỳ điều chỉnh kể từ đầu năm 2022, giá xăng đang ở mức cao kỷ lục với 26.077 - 26.834 đồng/lít, giá dầu khoảng 18.468 - 21.310 đồng/lít,kg.

Trong bối cảnh căng thẳng Nga – Ukraine tiếp tục leo thang, giá dầu thế giới đang tiến dần tới mốc 140 USD/thùng, các chuyên gia kinh tế cho rằng giá xăng dầu trong nước sẽ tiếp tục tăng và thiết lập mức đỉnh mới.

Thông thường, khi giá dầu thế giới tăng bất thường, Việt Nam sẽ chi quỹ bình ổn giá xăng dầu (BOG) để tránh tăng sốc. Song cho đến thời điểm này, quỹ BOG đang cạn kiệt.

Mới đây, Bộ Tài chính thông tin hết năm 2021, số quỹ bình ổn giá xăng dầu (BOG) còn gần 898 tỷ đồng. Tuy nhiên, 14/35 doanh nghiệp xăng dầu đang âm gần 1.500 tỷ đồng trong quỹ bình ổn.

Thời gian                                   

Số dư Quỹ BOG (ĐV: tỷ đồng)

Hết quý IV/2021 

898

Hết quý III/2021

824

Hết quý II/2021

1.122

Hết quý I/2021

5.340

Ngày 31/12/2020

9.234

Trong đó, hai nhà bán lẻ xăng, dầu lớn nhất cả nước là PVOil và Petrolimex ghi nhận số dư quỹ bình ổn giá âm lần lượt ở 776 tỷ đồng và 184 tỷ đồng.

Trao đổi với người viết, ông Bùi Ngọc Bảo, Quyền Chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam (VINPA) cho biết: "Thực tế, quỹ bình ổn xăng dầu không có vai trò bình ổn giá xăng dầu trong dài hạn, mà chỉ giúp giá xăng dầu không tăng sốc.

Do đó, thời gian tới, người tiêu dùng có được hưởng lợi từ quỹ bình ổn hay không phụ thuộc vào quyết định của Liên Bộ Công Thương – Tài chính. Các Bộ có thể vận động doanh nghiệp vay ngân hàng, bổ sung quỹ bình ổn song điều này về nguyên tắc không thể kéo dài được".

Giá xăng dầu sẽ tiếp tục tăng nóng, liệu quỹ bình ổn có gánh nổi? - Ảnh 2.

(Số liệu: Bộ Tài chính, Biểu đồ: Hoàng Anh)

Ông Trịnh Quang Khanh, Phó Chủ tịch VINPA cũng cho rằng hiện quỹ BOG của nhiều doanh nghiệp đã âm.

Nếu Liên Bộ Tài chính – Công Thương muốn chi sử dụng quỹ BOG cho các kỳ điều chỉnh sắp tới thì cần bảo lãnh cho các doanh nghiệp vay ngân hàng và thống kê số âm để khi giá xăng dầu giảm, Liên Bộ sẽ có tính toán, trích lập để cho doanh nghiệp bù vào khoản âm trước đó.

Ở một góc nhìn khác, chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh cho rằng căng thẳng Nga – Ukraine leo thang, kèm theo các lệnh trừng phạt thì Mỹ, châu Âu sẽ khiến giá xăng dầu thế giới, trong nước có thể tăng trong dài hạn.

"Trong khi Quỹ BOG chỉ xả khi có đột biến, mà hiện quỹ của nhiều doanh nghiệp đã âm. Với số quỹ còn lại từ năm 2021, nếu chi Quỹ BOG cũng chỉ được vài ngày.

Không thể bắt doanh nghiệp vay ngân hàng và chịu lãi vay đó. Do vậy, việc chi Quỹ BOG trong dài hạn là không khả thi", ông Thịnh nói.

Theo chuyên gia Đinh Trọng Thịnh, Việt Nam vận hành theo kinh tế thị trường và xu hướng của thế giới, "nước nổi bèo nổi".

Do vậy, ở thời điểm này, người tiêu dùng sẽ phải thắt chặt chi tiêu, sử dụng xăng dầu tiết kiệm; còn doanh nghiệp cần kiểm soát giá thành sản xuất, hạn chế đến mức thấp nhất và đưa tất cả chi phí phát sinh vào giá bán.

Ngoài van quỹ BOG, Liên Bộ Tài chính – Công Thương cũng đang lấy ý kiến, trình Chính phủ về việc giảm thuế xăng dầu, cụ thể là thuế môi trường để tạo điều kiện cho người dân, doanh nghiệp phục hồi kinh tế trong trạng thái bình thường mới.

Chủ tịch VINPA cho rằng giá dầu đã từng có thời điểm vượt 100 USD/thùng nhưng các nền kinh tế trên thế giới vẫn phát triển tốt, trong đó có Việt Nam.

Khi giá dầu ở mức cao so với mặt bằng chung giúp các nước xuất khẩu dầu mỏ hưởng lợi lớn. Tuy nhiên, họ sẽ giữ giá dầu ở mức cân đối, nằm trong "khả năng chịu đựng" của các nước nhập khẩu. Bởi nếu giá dầu quá cao trong khi các nền kinh tế chưa phục hồi, nhu cầu sẽ tác động ngược trở lại đến nước xuất khẩu.

Phạm Mơ