Bộ trưởng Công Thương: 'Quỹ bình ổn không còn, giá dầu thế giới tăng, chúng ta không thể làm gì khác ngoài giảm thuế'
Tại phiên chất vấn Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên, đại biểu Quốc hội Vũ Thị Lưu Mai, Phó chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính ngân sách cho rằng việc chọn giảm thuế bảo vệ môi trường để kìm giá xăng dầu là chưa phù hợp.
Theo đó, bà cho rằng giảm thuế bảo vệ môi trường dẫn đến đối tượng ô nhiễm cao chịu thuế suất thấp và ngược lại. Bên cạnh đó, những đầu mối kinh doanh, phân phối xăng dầu sẽ phải chịu thiệt nếu dự trữ bắt buộc ở thời điểm chưa giảm thuế và bán ra ở thời điểm giảm thuế. Điều này chưa phù hợp điều hành giá cả, đảm bảo lợi ích các bên.
Bà Mai dẫn chứng nhiều quốc gia chọn thuế VAT, thuế nhập khẩu...để điều tiết giá xăng dầu.
Phản hồi bình luận này, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết công cụ điều hành giá phải dùng đến quỹ bình ổn và sắc thuế.
"Chọn sắc thuế nào chúng tôi cân nhắc, bàn trong liên ngành và báo cáo Chính phủ. Tình huống bây giờ rất căng khi giá thế giới biến động. Để xử lý tình huống bây giờ thì nhanh nhất là sử dụng thuế môi trường và đây là thẩm quyền của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội", Bộ trưởng cho biết.
Người đứng đầu Bộ Công Thương nói thêm trong lúc khó này cần có cơ chế để giảm giá xăng dầu, cứu được nền kinh tế, hỗ trợ được người dân.
Việt Nam chưa phải là nền kinh tế thị trường theo nghĩa đầy đủ mà là nền "Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa". Các mặt hàng chiến lược như xăng dầu cần có sự kiểm soát của nhà nước.
Mọi động thái cấp bách phải vì người dân chứ không phải mang lại gì cho bộ này, bộ kia. Giảm thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu là giải quyết bài toán cấp bách, trước mắt. Nếu điều chỉnh các sắc thuế khác, phải chờ Quốc hội sửa luật và thông qua, thì phải tới tháng 6 tháng 7. Khi đó đã hết Quỹ bình ổn mà giá thế giới tăng hàng ngày thì công tác điều hành vô cùng khó khăn.
"Thực sự tình huống hiện tại rất gay go, quỹ bình ổn không còn, giá thế giới tăng, thuế không được giảm thì chúng ta có thể làm gì khác?", Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nói.
Nếu giá xăng dầu thế giới tiếp tục tăng cao, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục nghiên cứu, phối hợp với các cơ quan liên quan đề xuất các giải pháp liên quan đến thuế, phí.
Nếu đã sử dụng hết các công cụ thuế phí mà vẫn không kìm được giá xăng dầu, để bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, sẽ phải áp dụng các chính sách bảo đảm an sinh xã hội.
Mới đây, Chính phủ vừa ban hành nghị quyết số 31 để thông qua dự án nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc giảm 50% mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn đến hết năm 2022.
Bộ trưởng Tài chính sẽ thừa uỷ quyền Thủ tướng, ký tờ trình báo cáo Uỷ ban Thường vụ Quốc hội. Dự kiến cơ quan thường trực của Quốc hội sẽ cho ý kiến, thông qua theo quy trình một phiên họp.
Theo đề xuất trước đó của Bộ Tài chính, thuế bảo vệ môi trường với xăng, dầu sẽ giảm một nửa so với hiện hành, tức giảm 2.000 đồng mỗi lít với xăng. Mức giảm với dầu diesel, dầu mazut, dầu nhờn là 1.000 đồng mỗi lít, mỡ nhờn là 1.000 đồng mỗi kg, dầu hỏa 700 đồng mỗi lít.
Sau khi được cấp có thẩm quyền thông qua, quy định này dự kiến có hiệu lực từ 1/4. Sau giảm thuế này, mỗi lít xăng dự kiến giảm tương ứng 2.200 đồng (gồm VAT) và giá dầu cũng được điều chỉnh 1.100 đồng.