|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Bộ trưởng Công Thương: Chiết khấu 0 đồng cho cửa hàng xăng dầu là bất hợp lý

12:58 | 16/03/2022
Chia sẻ
Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên thừa nhận mức chiết khấu cho cửa hàng xăng dầu chỉ ở mức 200 đồng/lít, thậm chí 0 đồng là bất hợp lý. Bộ Công Thương đã kiến nghị với Bộ Tài chính nâng mức chi phí định mức kinh doanh, lợi nhuận định mức theo đúng Luật hiện hành

Chiết khấu 0 đồng là bất hợp lý

Tại phiên họp Thường vụ Quốc hội, đại biểu Quốc hội Nguyễn Hữu Thông (Bình Thuận), đại biểu Trình Lam Sinh (An Giang) chất vấn Bộ trưởng Công Thương về vấn đề các cửa hàng tạm ngừng bán xăng, dầu vì mức chiết khấu cho cửa hàng xăng dầu chỉ ở mức 200 đồng/lít, thậm chí 0 đồng.

Liệu có mức chiết khấu tối thiểu cho các cửa hàng xăng dầu để có lợi nhuận, tránh tình trạng cửa hàng vi phạm quy định kinh doanh?

Trả lời chất vấn của các đại biểu, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cũng đã nhận ra vấn đề bất hợp lý trong khâu chiết khẩu. Trong hệ thống lưu thông xăng dầu, bao gồm doanh nghiệp đầu mối, thương nhân phân phối đến cửa hàng bán lẻ thì các cửa hàng là doanh nghiệp dân doanh.

"Họ làm thì phải có công, nhưng nếu chiết khấu bằng 0 trong khi phải bán theo giá cơ sở, giá niêm yết. Đây cũng là một vấn đề bất hợp lý.

Bộ Công Thương đã kiến nghị với Bộ Tài chính nâng mức chi phí định mức kinh doanh, lợi nhuận định mức theo đúng Luật hiện hành", Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh.

Bộ trưởng Bộ Công Thương: Chiết khấu 0 đồng cho cửa hàng xăng dầu là bất hợp lý  - Ảnh 1.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên. (Ảnh: Quốc hội)

Ngoài ra, Bộ cũng yêu cầu các doanh nghiệp đầu mối nhập khẩu chiết khấu cho hệ thống phân phối theo đúng quy định. Doanh nghiệp đầu mối phải chiết khấu cho thương nhân phân phối, thương nhân phân phối phải chiết khấu cho cửa hàng bán lẻ.

"Bởi nếu không có chiết khấu, người ta sẽ viện ra đủ lý do để không kinh doanh. Chẳng ai đi kinh doanh lại lấy tiền nhà đi cho thiên hạ. Đó là thực tế.

Bộ Công Thương không nghiêng về phía doanh nghiệp, cửa hàng bán lẻ xăng dầu nhưng để họ hoạt động đúng mục đích, có hiệu quả và chịu sự kiểm soát cơ quan quản lý thì họ phải có công, tức tỷ lệ chiết khấu hoặc lợi nhuận định mức trong kinh doanh", Bộ trưởng lưu ý.

Lãnh đạo Bộ Công Thương cho biết giá xăng dầu vận hành theo xu hướng thế giới và điều hành theo Nghị định 83, 95. Song, việc giá xăng dầu tăng sốc khiến nhiều doanh nghiệp bị lỗ, Quỹ Bình ổn giá xăng dầu âm nặng.  

"Nếu muốn tính chiết khẩu cho người tham gia kinh doanh, nhất là cửa hàng bán lẻ thì phải tính vào giá", ông Diên cho biết.

Ngoài ra, Bộ trưởng nhắc lại việc các cửa hàng kinh doanh xăng dầu treo biển hết xăng, một phần do nguồn cung từ nhà máy lọc dầu Nghi Sơn dừng đột ngột trong khi nhập khẩu xăng dầu cần thời gian, thủ tục, không thể trong ngày một ngày hai.

"Tôi xin khẳng định chúng ta chưa bao giờ thiếu nguồn xăng dầu. Nhưng thiếu cục bộ, thiếu trong vài ngày là có. Bộ Công Thương nắm bắt kịp thời, chia sẻ nguồn cung giữa các doanh nghiệp, đại lý và tình trạng này đã được khắc phục chỉ sau vài ngày", lãnh đạo Bộ Công Thương khẳng định.

Thanh tra 33 doanh nghiệp đầu mối

Cũng từ việc cửa hàng bán lẻ găm hàng, đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) tranh luận rằng thực tế có một số đại lý thông tin nguồn cung từ nhà điều hành ở cấp vĩ mô không cung cấp xuống nên các đại lý không có xăng dầu để bán. Liệu có việc găm hàng từ doanh nghiệp nhập khẩu?

Bộ trưởng Bộ Công Thương: Chiết khấu 0 đồng cho cửa hàng xăng dầu là bất hợp lý  - Ảnh 2.

Ảnh minh hoạ. (Ảnh: Phạm Mơ)

Trả lời chất vấn, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết thời gian qua cơ quan Quản lý thị trường đã kiểm tra 16.800 trên tổng số 17.000 cửa hàng bán lẻ xăng dầu trên cả nước.

Trong đó, chỉ phát hiện 211 trường hợp vi phạm, phần lớn các cây xăng đang trong quá trình sửa chữa và đã báo cáo với cơ quan chức năng nhưng cũng có những cây xăng cố tính găm hàng, chờ nâng giá.

Việc cửa hàng đóng cửa, treo biển không có nguồn cung là có thật, dù chỉ là số ít. Các đại lý xăng dầu lý giải họ mua xăng dầu từ nhà máy Nghi Sơn nhưng việc giảm công suất khiến nguồn cung bị thiếu hụt.

Bộ Công Thương đang tiến hành thanh tra đồng bộ 33 doanh nghiệp có chức năng nhập khẩu xăng dầu, và đến giờ đã có kết quả bước đầu nhưng do chưa đầy đủ dữ liệu, căn cứ, quy trình nên chưa thể báo cáo cụ thể.

"Nếu phát hiện thấy những doanh nghiệp đầu mối nào không thực hiện đúng chức năng nhiệm vụ theo quy định, chứ không nói "găm hàng", thì dứt khoát sẽ xử lý theo quy định của pháp luật và hình thức cao nhất là đình chỉ kinh doanh, rút giấy phép", lãnh đạo Bộ Công Thương khẳng định.

Ngoài ra, Bộ trưởng Diên cho biết nếu cử tri, nhân dân phát hiện nơi nào xảy ra tình trạng như cây xăng đóng cửa, găm hàng không bán mà không bị xử lý thì phản ánh để xử lý người đứng đầu lực lượng quản lý thị trường.

Phạm Mơ