Giám đốc Fiin ấm ức vì nhiều người nghĩ mô hình kinh doanh cho vay trực tuyến là tín dụng đen
Nhiều người đánh đồng mô hình khởi nghiệp kết nối cho vay trực tuyến Fiin là tín dụng đen vì thiếu hành lang pháp lý rõ ràng.
Khởi nghiệp cho vay trực tuyến
Ra đời trên thế giới từ năm 2000, nhưng mô hình kết nối tài chính trực tuyến mới xuất hiện ở Việt Nam vài năm gần đây. Fiin - một trong những startup tiên phong - kết nối giữa người có tiền nhàn rỗi với người muốn vay mà không đủ tiêu chuẩn tiếp cận nguồn vốn ngân hàng.
Ứng dụng Fiin trên điện thoại di động. Ảnh: Fiin. |
Khác ngân hàng truyền thống, Fiin xử lý dữ liệu (big data) bằng trí tuệ nhân tạo để xây dựng hệ thống thẩm định trực tuyến hồ sơ của hai bên vay và cho vay. Khi hồ sơ được duyệt, người có tiền lựa chọn đối tác, người cần tiền sẽ nhanh chóng được vay sau vài thao tác nhanh gọn. Đặc biệt, hai đối tượng có thể quản lý thông tin các khoản vay, cho vay của họ.
Mô hình khởi nghiệp Fiin do Trần Việt Vĩnh sáng lập vào 6/2018. Anh nhận định trong Quốc gia khởi nghiệp rằng, tài chính trực tuyến là mảnh đất màu mỡ, hấp dẫn. Dân số Việt Nam đạt gần 100 triệu người nhưng chỉ 31% người dân sở hữu tài khoản ngân hàng, 2% có thẻ tín dụng, thanh toán không tiền mặt dưới 10%. Với giá trị lên đến 42 tỷ USD, khoảng 1một triệu tỷ đồng vào năm 2019, thị trường này là “miếng mồi”ngon cho người khởi nghiệp, nhà đầu tư, các tổ chức trong và ngoài nước.
“Trong thời gian rất sớm, tổ chức, tập đoàn, công ty nước ngoài sẽ nhảy vào chiếm lĩnh thị trường giống như Uber, Grab gần như độc chiếm thị trường Việt. Nên dù một số quy định của luật chưa điều chỉnh nhưng tôi không chờ đợi mà khởi nghiệp luôn”, Vĩnh chia sẻ.
Nhiều người coi mô hình vay ngang hàng là tín dụng đen
Khởi nghiệp trong lĩnh vực mới mà luật pháp chưa theo kịp, Fiin vấp phải tâm lý nghi ngờ của một bộ phận công chúng. Nhiều người tranh luận về tính pháp lý của các công ty kết nối trực tuyến. Mặt khác, hoạt động biến tướng của một số doanh nghiệp khiến họ bị đánh đồng với tổ chức tín dụng đen. Đó là nỗi niềm của Fiin nói riêng và startup tài chính trực tuyến nói chung.
“Tôi rất bức xúc vì nhiều người hiểu nhầm cho vay trực tuyến là tín dụng đen. Chúng tôi mong muốn cơ quan nhà nước sớm ban hành khuôn khổ pháp lý rõ ràng, giúp doanh nghiệp hoạt động minh bạch yên tâm cung cấp dịch vụ có ích cho xã hội”, Vĩnh thổ lộ.
Trần Việt Vĩnh - người sáng lập nền tảng kết nối cho vay trực tuyến Fiin. Ảnh: Fiin. |
Giám đốc điều hành Fiin nhận định các tổ chức tín dụng đen nhìn thấy cơ hội kiếm người vay rất nhanh từ một số công ty tiên phong kết nối tài chính trực tuyến. Chiến lược kinh doanh của họ là lập website, sao chép nội dung quảng cáo của doanh nghiệp chính thống. Khi đó, tín dụng đen mượn danh mô hình như Fiin nhằm kinh doanh dịch vụ của họ.
Để bảo vệ người dùng, Fiin dùng trí tuệ nhân tạo phân tích dữ liệu, sàng lọc khách hàng đủ uy tín, năng lực tài chính và mức vay, cho vay hợp lý. Nhà sáng lập khẳng định, việc sàng lọc giảm thiểu hơn 90% rủi ro. Trường hợp nợ xấu phát sinh, công ty sẽ mua lại khoản vay từ người cho vay, rồi thu hồi nợ theo đúng quy định pháp luật.
Nhiều sơ hở vì thiếu hành lang pháp lý
Chuyên gia kinh tế Lâm Minh Chánh – Giám đốc trường Kinh doanh BizUni đánh giá, mô hình kinh doanh Fiin là phát minh sáng tạo, tương lai của xã hội. Bởi, nhiều người cần tiền nhưng chưa đủ tiêu chuẩn gặp ngân hàng, tổ chức tài chính. Nền tảng kết nối tài chính trực tuyến giúp tiền lưu thông, cắt giảm chi phí.
Tuy nhiên, ông Chánh cho rằng, mô hình của Fiin dù bài bản nhưng vẫn tồn tại nhiều vấn đề. Công ty chỉ thẩm định dựa trên hành vi, uy tín mà thiếu thông số lịch sử tín dụng (CIC). Đây là thông số quan trọng nhất, phản ánh thực chất tình hình tài chính của người vay. Hơn nữa, Fiin cho vay lãi suất dưới 20% là đúng quy định pháp luật nhưng cao hơn ngân hàng và khá cao đối với người vay.
“Tôi ủng hộ những công ty bài bản như Fiin. Nhưng mô hình còn nhiều vấn đề, chẳng hạn như tiến hành thẩm định mà gần như không thẩm định”, Chánh bình luận.
Vĩnh phản biện rằng chuyên gia Chánh đang nhìn mô hình theo góc độ của ngân hàng, tổ chức tài chính truyền thống. Ngoài ra, Fiin còn hướng tới đối tượng không có CIC, khó tiếp cận vốn ngân hàng như người trẻ, sinh viên, người nông thôn ra thành thị. Công nghệ giúp hệ thống phác họa chân dung đầy đủ của người dùng.
“Nhiều người hỏi Fiin có phải là tín dụng đen vì hiện Việt Nam chưa có khung pháp lý hoàn thiện nhằm đảm bảo an toàn cho khách hàng, bản thân doanh nghiệp, ngăn chặn kẻ xấu tận dụng, gây ảnh hưởng đến uy tín của chúng tôi”, Vĩnh giãi bày.
Xem thêm |