|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Giám đốc Đầu tư Chứng khoán HSC mách nước hút vốn dài hạn và vốn ngoại vào thị trường

21:22 | 21/08/2018
Chia sẻ
Vốn dài hạn là một trong những giải pháp cho các ngân hàng cần nâng vốn, đồng thời giúp ngân hàng thương mại cung cấp các gói vay thế chấp kỳ hạn dài hơn. Chứng chỉ lưu ký không có quyền biểu quyết và cổ phần vàng sẽ giúp tháo room cho nhà đầu tư nước ngoài.

Quỹ hưu trí tư nhân là chìa khóa cho vấn đề thiếu vốn dài hạn

Tại diễn đàn kinh tế Việt Nam 2018 (ViEF) sáng nay 21/8, ông Fiachra MacCanna – Giám đốc điều hành, Giám đốc bộ phận Phân tích CTCP Chứng khoán TP HCM (HSC) trình vày vấn đề tái cấu trúc thị trường vốn và tài chính tại Việt Nam.

Ông MacCanna cho biết, Việt Nam đang trong tình trạng thiếu vốn dài hạn. Nhiều ngân hàng thương mại đang thiếu vốn, khó khăn trong việc áp dụng chuẩn Basel 2, cũng khó có thể phát hành trái phiếu và các gói vay thế chấp kỳ hạn dài từ 20 – 30 năm…

Năm 2017, tỷ trọng vay thế chấp của Việt Nam là khoảng 19,6% GDP mặc dù đạt được mức tăng khá tốt trong 3 năm trở lại đây, nhưng con số này vẫn thấp hơn rất nhiều nếu so với Malaysia (42,4%), Thái Lan (46,8%) và Singapore (54,2%).

giam doc dau tu chung khoan hsc mach nuoc hut von dai han va von ngoai vao thi truong
Ông Fiachra MacCanna – Giám đốc điều hành, Giám đốc bộ phận Phân tích CTCP Chứng khoán TP HCM (HSC)

Không những vậy, sự thiếu vốn dài hạn cũng là một thách thức đối với tiến trình thoái vốn Nhà nước, ông MacCanna cho biết.

Thống kê cho thấy, phần lớn các cuộc bán vốn tại các DNNN phụ thuộc vào nhà đầu tư nước ngoài, như Sabeco bán gần 54% cho ThaiBev và Vinamilk bán vốn cho F&N và JC&C… Sự thiếu vốn dài hạn làm hạn chế nguồn mua lại cổ phần Nhà nước tại các doanh nghiệp. Năm 2017, tổng tài sản của ngành bảo hiểm Việt Nam chỉ ở mức 13,5 tỷ USD, tương đương 6,1% GDP.

Để giải quyết vấn đề này, quỹ hưu trí tư nhân sẽ là một giải pháp cho nền kinh tế. Đồng thời, cấu trúc đầu tư của quỹ này thường tập trung vào thị trường trái phiếu và cổ phiếu.

Tại các quốc gia phát triển như Mỹ, giá trị tài sản của các quỹ hưu trí lên tới 135% GDP vào năm 2016; hay lại Anh, con số này cũng đạt tới hơn 95% GDP. Ngay tại Đông Nam Á, Singapore cũng đã đạt con số gần 80% GDP vào năm 2016.

Để phát triển quỹ hưu trí tư nhân, việc hoàn thiện khuôn khổ pháp lý và vai trò của Chính phủ (nguồn thông tin đáng tin cậy với người dân) trong việc phổ cập kiến thức và lợi ích của quỹ hưu trí tư nhân là những nhân tố quan trọng.

Hiện Việt Nam đã ban hành nghị định 88 và thông tư 86; đồng thời đang đợi Bộ Lao động và Thương binh Xã hội ban hành những hướng dẫn cụ thể tiếp theo để hoàn thiện khuôn khổ pháp lý.

Ngoài ra theo ông MacCanna, phổ biến danh sách chính thống các quỹ hưu trí tư nhân hợp pháp sẽ giúp các công ty và người lao động tin tưởng và lựa chọn những đối tác chính xác.

Chứng chỉ lưu ký không có quyền biểu quyết và cổ phần vàng sẽ giúp tháo room cho nhà đầu tư nước ngoài

Đối với vấn đề thu hút dòng vốn ngoại, MSCI đã chỉ ra hạn chế tham gia thị trường là rào cản lớn nhất. Đây cũng là trở ngại trong việc nâng hạng thị trường chứng khoán. Các rào cản như chuẩn kế toán, minh bạch hay thanh khoản còn tồn tại ở Việt Nam dù không quá khó để thay đổi.

Theo thống kê, nhiều ngân hàng và công ty đã đầy room ngoại. Hiện 8/30 công ty trong rổ VN30 đã đầy room. Một con số khác, 9 trong số 16 ngân hàng TMCP niêm yết cũng đã đầy room ngoại.

Để giúp tăng tỷ lệ sở hữu của các nhà đầu tư nước ngoài, tăng tính thâm nhập cho thị trường chứng khoán Việt Nam thì theo chuyên gia đến từ HSC, chứng chỉ lưu ký không có quyền biểu quyết và cổ phần vàng là chìa khóa để giải quyết vấn đề.

Chứng chỉ lưu ký không có quyền biểu quyết cho nhà đầu tư nước ngoài vừa giải quyết bài toán nới room mà vẫn đảm bảo vấn đề an ninh quốc gia; kiềm kiểm soát công ty thông qua quyền biểu quyết và trần room 49% có thể được gỡ bỏ. Tại Thái Lan, chứng chỉ lưu ký không có quyền biểu quyết cho nhà đầu tư nước ngoài đã được áp dụng và rất thành công.

Đối với cổ phần vàng cho phần vốn Nhà nước, Nhà nước có quyền phủ quyết với các quyết định quản trị không hợp lý ngay cả khi giữa cổ phần tỷ lệ nhỏ.

Liên kết tổ chức xếp hạng tín nhiệm trong nước với nước ngoài

Cuối cùng đối với việc tổ chức xếp hạng tín nhiệm, mô hình hợp lý cho các tổ chức xếp hạng tín nhiệm trong nước là hợp tác với các tổ chức xếp hạng tín nhiệm nước ngoài để được chuyển giao các phương thức, tiêu chuẩn xếp hạng của thế giới. Một số nước như Thái Lan và Malaysia áp dụng mô hình này khá thành công.

Phát hành trái phiếu có thể bắt buộc phải xếp hạng tín nhiệm để tạo thị trường minh bạch, bao gồm xếp hạng cho trái phiếu có đảm bảo và không có đảm bảo.

Ông MacCanna cũng cho rằng nên khuyến khích xếp hạng các doanh nghiệp hay tổ chức phát hành để phản ánh khả năng chi nợ của bên phát hành.

Xem thêm

Bạch Mộc

Liệu hệ thống KRX có lỡ hẹn với mốc ngày 2/5?
Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) vừa đưa ý kiến về hệ thống công nghệ thông tin thuộc dự án đầu tư xây dựng Sở Giao dịch Chứng khoán TP HCM (hay còn gọi là hệ thống KRX) trước thời điểm dự kiến chính thức vận hành 2/5 theo như kế hoạch đưa ra trước đó.