|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Giải ngân vốn đầu tư công cần điều kiện gì để 'toả sáng' như năm 2020?

06:30 | 15/02/2023
Chia sẻ
Theo các chuyên gia, giải ngân vốn đầu tư công đã phát huy hiệu quả trong những lần cần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Trong giai đoạn 2016 - 2020, ước tính, cứ một đồng vốn đầu tư công sẽ kéo theo 1,5 đồng vốn đầu tư tư nhân.

Phát biểu tại Talk Show "Phố Tài chính", ông Nguyễn Hoàng Linh, Giám đốc Nghiên cứu Công ty Quản lý Quỹ Vietcombank(VCBF) cho rằng, đầu tư công là động lực quan trọng của nền kinh tế, đặc biệt là trong bối cảnh đầu tư của khu vực tư nhân đang suy yếu do mặt bằng lãi suất hiện rất cao.

Với sự quyết tâm của Chính phủ và quá trình cải cách trong những năm gần đây, ông Linh kỳ vọng giải ngân vốn đầu tư công năm 2023 sẽ tăng trưởng 25-30%.

Bà Trần Thị Khánh Hiền, Giám đốc Khối Phân tích Công ty Chứng khoán VNDirect thì cho rằng, để giải ngân vốn đầu tư công phát huy hiệu quả cần tập trung vào các dự án trọng điểm, tránh dàn trải và rút ngắn thời gian lựa chọn nhà thầu.

Một điểm quan trọng là phải tăng cường công tác thẩm định, giám sát. Phải làm sao để tất cả các thành phần kinh tế tham gia vào giải ngân vốn đầu tư công phải đảm bảo năng lực, đáp ứng được tiến độ xây dựng và duy trì được chất lượng công trình.

Bà Trần Thị Khánh Hiền, Giám đốc Khối Phân tích Công ty Chứng khoán VNDirect. (Ảnh chụp màn hình).

Năm 2020 - năm "toả sáng" của vốn đầu tư công

Nhìn lại các giai đoạn trước, Bà Hiền chỉ ra, giải ngân vốn đầu tư công đã phát huy hiệu quả trong những lần cần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

"Năm 2020 trong giai đoạn dịch COVID-19, kinh tế khó khăn, giải ngân vốn đầu tư công đã tạo động lực quan trọng cho nền kinh tế khi thực hiện đạt trên 80% kế hoạch, cao nhất trong giai đoạn 2016 - 2020", chuyên gia từ VNDriect cho biết.

Điều này giúp cho GDP Việt Nam tăng trưởng 2,9% khi tất cả các động lực khác như sản xuất, xuất nhập khẩu,...đều bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi dịch bệnh.

Trong năm đó, các nước xung quanh như Thái Lan hay Indonesia đều gặp tăng trưởng âm do dịch COVID-19 và Việt Nam trở thành một điểm sáng trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương. 

Đồng quan điểm, ông Linh cũng cho rằng, trong giai đoạn 2016 - 2020, hoạt động đầu tư của toàn xã hội đã đóng góp hơn 50% vào tăng trưởng chung của nền kinh tế.

"Mặc dù vốn đầu tư công chỉ chiếm 15 - 16% tổng vốn đầu tư toàn ngân sách song dòng vốn này rất quan trọng. Bởi ước tính, cứ một đồng vốn đầu tư công sẽ kéo theo 1,5 đồng vốn đầu tư tư nhân", chuyên gia VCBF cho hay.

Đầu tư công nhìn từ Philippines và Trung Quốc

Cả hai chuyên gia đều đồng thuận rằng, đầu tư công trở thành một công cụ quan trọng để thúc đẩy nền kinh tế.

Bà Hiền lấy dẫn chứng về Philippines, thông thường mức chi tiêu cho đầu tư công của họ chỉ khoảng 3% GDP nhưng trong giai đoạn 2021 - 2025, Chính phủ nước này đã tăng mức vốn đầu tư công lên 7% GDP để bắt kịp Việt Nam.

Trong khi đó, ông Linh lại nêu dẫn chứng về Trung Quốc, quốc gia đã sử dụng vốn đầu tư công để kích thích tăng trưởng kinh tế trong nhiều năm trở lại đây. Bên cạnh đó, việc đầu tư cơ sở hạ tầng cũng giúp Trung Quốc làm giảm chi phí logistics, giúp hiệu suất của nền kinh tế cao hơn rất nhiều.

"Với Việt Nam, hiện chi phí logistic vẫn chiếm tới 25% GDP, so sánh với các quốc gia phát triển, mức này vẫn đang là rất cao. Với một quốc gia đang phát triển như Việt Nam, rõ ràng việc đầu tư cơ sở hạ tầng vẫn là ưu tiên hàng đầu để thúc đẩy nền kinh tế", Giám đốc Nghiên cứu VCBF cho biết.

Nếu các công trình hạ tầng được đưa vào sử dụng thực tế thì sẽ tạo một "cú hích" lớn cho nền kinh tế, ông Linh nhìn nhận.

Hạ An