|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Giấc mơ đưa bánh mì xuất ngoại của chàng trai bỏ ngang đại học

09:37 | 12/01/2018
Chia sẻ
Chàng trai Nguyễn Đăng Phong khởi nghiệp khi không có bằng đại học, quyết tâm xây dựng thương hiệu riêng của Việt Nam ở thị trường nước ngoài.
giac mo dua banh mi xua t ngoai cua chang trai bo ngang dai hoc

Bức tường vàng trên đường Hòa Bình là địa điểm “check-in” nóng tại Đà Lạt, liên tục lọt vào danh sách những điểm chụp ảnh đẹp không thể bỏ qua khi đặt chân đến thành phố ngàn hoa.

Chàng trai sinh năm 1989 mở tiệm bánh mì mang tên Cối Xay Gió, với màu vàng đặc trưng trên lá cờ Việt Nam. Giấc mơ của anh không chỉ gói gọn ở vài điểm "check-in" được nhiều người biết đến. Phong muốn đưa thương hiệu và bức tường vàng vượt khỏi đường biên giới Việt Nam.

“Tôi không muốn học nữa”

18 tuổi, Phong khăn gói xuống Sài Gòn học đại học. Nửa năm đầu nhàm chán với những giờ lên lớp rồi về phòng trọ. Phong muốn bước khỏi cuộc sống tẻ nhạt. Anh làm nghiên cứu thị trường rồi cùng bạn bè góp vốn bán hoa, thú bông vào các dịp lễ, cứ có gì bán đó. Những lúc như thế, Phong thấy mình khác hẳn một cậu sinh viên ngồi vật vờ ở lớp.

Năm thứ hai, anh xin thực tập vài công ty. Chàng trai được thấy thế giới trong một bức tranh khác, với nhiều con người, thú vị, kích thích hơn. Thực tập không có lương nhưng anh luôn hào hứng bởi mỗi ngày là một trải nghiệm và học nhiều thứ. Phong dần nhận ra đam mê kinh doanh và muốn khởi nghiệp, làm một cái gì đó của riêng mình.

Anh nghỉ học, khi đã có thể kiếm tiền để nuôi sống bản thân bằng nhiều công việc. Chỉ cần hoàn thành một bản nghiên cứu là có 150.000 đồng. Nhiều hôm, anh làm đến một chục bản. Tính ra tổng thu nhập cả tháng không nhỏ đối với một sinh viên.

Nhưng quan trọng hơn cả, anh dùng số tiền đó để tham gia các khóa học về kinh doanh mà mình yêu thích. Học phí đắt nên anh chỉ dám xin gia đình một khoản, còn lại cố gắng tự lo để trang bị mọi kiến thức cần thiết cho hành trình khởi nghiệp đã được định sẵn trong đầu.

Giữa năm 2011, Phong hỏi thuê mặt bằng ở Đà Lạt, trở thành nhà cung cấp hoa, chuyển đến cho khách hàng ở Đà Nẵng, Sài Gòn và Hà Nội. Được một thời gian, anh nảy ra ý tưởng mở quán cà phê và hoa, vừa gần gũi lại có thể tiến gần hơn đến lĩnh vực bán lẻ với cà phê. Sau đó, cảm thấy có thể đi xa hơn với cà phê, anh ngừng hẳn việc bán hoa. Phong vay bố mẹ 200 triệu đồng, cộng thêm tiền dành dụm và mượn thêm tổng cộng có 460 triệu để tạo dựng cửa hàng Windmills Coffee đầu tiên.

Ngay từ ngày đầu khởi nghiệp, anh đã xác định luôn trong tâm thế học hỏi. Vốn là người lạc quan và làm nhiều hơn nói, Phong luôn bình tĩnh bước về phía trước với ý nghĩ “thua thì làm lại”. Anh còn mở rộng xuống Sài Gòn và Nha Trang. Số tiền trang trải và mở quán mới đa phần đến từ việc xin gối đầu đối tác để trả dần.

Trong kinh doanh, điều quan trọng nhất là uy tín. Bạn không nhất thiết phải trả hết nhưng hứa là phải trả và trả là trả đủ. Nhờ vậy mà chúng tôi tạo uy tín, thậm chí có đối tác cho nợ đến 100% tiền và một tháng sau kinh doanh mới phải trả”, Phong chia sẻ.

Quán cà phê ở Sài Gòn luôn đông khách nhưng chi phí mặt bằng, phí bãi gửi xe quá cao khiến kết quả kinh doanh không khả quan. Phong quyết định đóng cửa và chỉ tập trung vào thị trường Đà Lạt. Trong thời gian này, anh cùng các cộng sự còn mở thêm chuỗi Yolo Hostel với 3 chi nhánh và 2 nhà hàng Vuông pizza vì “rất mê kinh doanh và thích được học từ việc kinh doanh”.

giac mo dua banh mi xua t ngoai cua chang trai bo ngang dai hoc
Windmills và Vuông Pizza nằm trên cùng một mặt bằng

Các cửa hàng của Phong kinh doanh hai thứ. Một là nước uống - món tráng miệng, hai là nông sản khô. Nguyên liệu được chọn từ những trang trại sạch với nguồn gốc rõ ràng. Dù mở 5 cửa hàng và doanh thu ổn định, Phong vẫn chưa thấy thỏa mãn. Anh cho rằng thương hiệu chưa thật sự có sức tác động lớn với khách hàng.

8x quyết định mở cửa hàng bánh mì mang tên Cối Xay Gió.

Giấc mơ tiệm bánh mì Việt trên đất ngoại

Nhiều lần đọc tin bánh mì Việt nằm trong danh sách những món ăn đường phố hấp dẫn nhất thế giới, Phong tự hỏi sao mình không làm. Tiệm bánh Cối Xay Gió đầu tiên tại đường Hòa Bình mở bán từ tháng 6/2017, sau nhiều tháng Phong rong ruổi khắp nơi tìm hướng đi.

Từ một người chỉ biết thưởng thức, anh dần trở thành chuyên gia trong mảng bánh mì. Tay ngang bước vào lĩnh vực mới, anh cho đó là một cơ hội lớn để học hỏi.

Nhà sáng lập Cối Xay Gió

Chàng trai tự tìm tòi cách làm bánh rồi mời đầu bếp về trả lương cao để có sản phẩm như ý. Nguyên liệu lựa chọn khắt khe từ hàng trăm nhà cung cấp. Có lúc anh phải thay đến lần thứ ba mới ưng vì nguyên liệu không những phải sạch mà còn cần đạt tiêu chí giữ chất lượng khi trung chuyển.

Chi phí làm bánh cao vì hệ thống bếp trung tâm đạt chuẩn khá đắt đỏ. Khâu vận hành cũng tốn kém vì bánh mau hư. Tất cả những vật dụng trong bếp cũng đòi hỏi chất lượng vệ sinh cao. “Tôi không dám nói chúng tôi tốt hoàn toàn nhưng một điều đảm bảo là chúng tôi luôn cố gắng từng ngày để sản phẩm đến tay khách hàng là tốt nhất”.

Mục tiêu của Phong là thị trường chứ không phải lợi nhuận. Vì vậy mỗi ổ bánh mì bán ra lời có vài nghìn đồng. Tuy nhiên, sau bốn tháng doanh thu đã đạt ngang với chuỗi cà phê, dù mặt bằng chỉ trên dưới 40m2. Giá nguyên liệu luôn lên xuống với thị trường nhưng Cối Xay Gió cam kết một mức ổn định cho khách hàng. “Lợi nhuận sẽ đến khi chúng ta làm tốt vai trò của mình”, anh chia sẻ.

Lợi thế của Phong là những cửa hàng có đến 200 sản phẩm, nên doanh thu các mặt hàng san sẻ qua lại. Mặt bằng nhỏ nên đa phần khách hàng mua mang đi chứ không ngồi lại nên không mất phí cho người và bãi giữ xe. Anh muốn mở nhiều cửa hàng để nhân rộng thành mô hình tiện lợi, ở bất cứ đâu khách hàng cũng có thể ăn bánh mì của Cối Xay Gió. Từ ý nghĩ đó, Phong đặt thêm những món hàng tạp hóa để khách vào có thể tiện mua những thứ khác nếu có nhu cầu.

Cửa hàng ban đầu là thử nghiệm nhưng lượng khách vượt quá mong đợi. Việc này khiến Phong quyết định đóng cửa hàng trong vài ngày để chỉnh đốn quy trình, quyết không vì đông mà làm giảm chất lượng sản phẩm và dịch vụ chăm sóc khách hàng.

Hiệu ứng từ thị trường một phần nằm ngoài kiểm soát nhưng phần còn lại đều nằm trong tính toán của anh và cộng sự. Anh làm bức tường vàng với dòng chữ thương hiệu công phu là có chủ đích, mang thương hiệu thuần Việt sang nước ngoài với hai tông màu vàng - đỏ chủ đạo, thu hút sự chú ý của giới trẻ, đối tượng khách hàng chính mà Cối Xay Gió hướng tới.

Phong dự định ra mắt hệ thống giao hàng tận nơi miễn phí tại Đà Lạt. Phần mềm sẽ giúp khách hàng biết thời gian nào sản phẩm đến tay và theo dõi đường đi của người giao hàng.

Vì lẽ đó, công ty Phong không có phòng tiếp thị mà chỉ có phòng tiếp thị số, với những người làm công việc tương tác thường xuyên với khách hàng qua mạng xã hội như một kênh chăm sóc người tiêu dùng trong kỷ nguyên số.

Cối Xay Gió đã mở 4 cửa hàng tại Đà Lạt, trung bình bán hơn 1.000 ổ bánh mì mỗi ngày. Ngoài ra, Phong còn quản lý 8 đầu mục kinh doanh cá nhân khác. Tuy nhiên, hiện giờ, anh tập trung cho Cối Xay Gió, với giấc mơ đưa thương hiệu này sang nước ngoài. Anh đã bắt đầu làm việc với một số đối tác tại Nhật và Singapore.

“Nhiều nguyên liệu Việt Nam có thể tìm thấy ở nước ngoài, dù giá đắt hơn một chút. Điều này có nghĩa có thể dễ mở chuỗi ở các quốc gia khác mà vẫn chủ động về nguồn nguyên liệu”, anh bày tỏ.

Khi được hỏi có đang ấp ủ một ý tưởng mới, Phong lắc đầu. Trong 6 năm tới, mục tiêu của 8x Đà Lạt là mở 500 cửa hàng Cối Xay Gió tại Việt Nam và đưa sang nước ngoài. Phong nói, tới lúc đó mới tính tiếp.