'Giá vàng khó lòng có sóng tăng mới ngay cả khi Fed giảm lãi suất'
Giá vàng tiến sát kỷ lục cũ sau khi Mỹ công bố CPI
Giá vàng thế giới hôm nay quay trở lại ngưỡng quan trọng 2.400 USD/ounce và đã tiến rất gần mức kỷ lục thiết lập hồi tháng 5 là 2.450 USD/ounce trong bối cảnh thị trường ngày càng kỳ vọng vào việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ giảm lãi suất vào tháng 9 sau khi Mỹ công bố dữ liệu về chỉ số giá tiêu dùng.
Giới chuyên gia và nhà đầu tư nhận định giá vàng có thể tiếp tục từ nay đến cuối năm khi Fed giảm lãi suất, làm sức mạnh của đồng USD yếu đi. Điều này khiến vàng trở nên hấp dẫn hơn đối với các loại đồng tiền khác.
“Giá vàng quay trở lại mốc 2.400 USD khi dữ liệu CPI mỹ tích cực, củng cố cho việc giảm lãi suất vào tháng 9. Những người đầu cơ vàng có khả năng đẩy giá vàng lên mức kỷ lục mới vào tuần tới”, ông Tai Wong, một nhà giao dịch kim loại độc lập trả lời Reuters.
Ông Zain Vawda, nhà phân tích thị trường tại MarketPulse của OANDA, cho biết: “Xét về xu hướng chung của chính sách tiền tệ và nhu cầu vàng, tôi nghĩ rằng đợt tăng giá vẫn chưa kết thúc”.
Tuy nhiên, một số chuyên gia khác cho rằng giá vàng khó có thể bứt phá ngay cả khi Fed giảm lãi suất.
Trao đổi với chúng tôi, chuyên gia tài chính Phan Dũng Khánh cho rằng sẽ khó xảy ra một con sóng giá vàng như hồi đầu năm ngay cả khi Fed giảm lãi suất. Giá vàng có thể quay về đỉnh cũ và tiếp tục tăng lên tối đa 2.500 USD/ounce sau đó điều chỉnh và tích luỹ đi ngang.
“Fed giảm lãi suất chưa chắc đồng USD sẽ yếu đi bởi các ngân hàng trung ương trên thế giới đã giảm lãi suất từ trước đó và có thể tiếp tục giảm với mức độ mạnh hơn so với Fed. Ngay cả khi nếu hạ thì lãi suất Mỹ vẫn ở mức cao hơn so với kỳ vọng và tối đa khoảng 2 lần. Trong khi các ngân hàng trung ương khác đã hạ và nếu Fed hạ thì họ tiếp tục hạ nhanh hơn. Nghĩa là sức mạnh đồng USD sẽ không ảnh hưởng nhiều và gây áp lực lên các tài sản khác trong đó có vàng”, ông Khánh phân tích.
Ngoài ra, theo ông vàng còn bị chi phối bởi yếu tố nhu cầu. Trong hai tháng qua, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc đã ngừng mua vàng. Đây là quốc gia mua vàng lớn nhất thế giới và là một trong những lực đẩy chính của giá vàng trong thời gian qua.
“Trước đây, mức độ FOMO của nhà đầu tư cá nhân lẫn tổ chức đã quá cao. Do đó, hiện nay họ đang có xu hướng thận trọng nên giá vàng khó lòng tăng mạnh”, ông Khánh nói.
Chia sẻ với người viết, chuyên gia tài chính Nguyễn Trí Hiếu cho rằng yếu tố rủi ro với thị trường vàng lúc này là lạm phát Mỹ trong thời gian tới có thể không đạt được như Fed kỳ vọng.
“Hiện tại Mỹ đang nỗ lực kiểm soát lạm phát nhưng vẫn chưa đạt được mục tiêu Fed đề ra là 2%. Do đó, xác suất lạm phát quay trở lại vẫn có, khi đó Fed sẽ không thực hiện việc giảm lãi suất như kỳ vọng và giá vàng sẽ chịu áp lực”, ông Hiếu nhận định.
Báo cáo mới đây của Bộ Lao động Mỹ cho thấy vào tháng 6, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) đã giảm 0,1% so với tháng 5. Đồng thời, CPI tháng 6 chỉ tăng 3% so với cùng kỳ năm trước, đánh dấu mức thấp nhất trong hơn ba năm qua.
Loại trừ chi phí năng lượng và thực phẩm dễ biến động, CPI tháng 6 lõi tăng 0,1% so với tháng 5 và 3,3% so với cùng kỳ. Cả hai đều tăng thấp hơn dự báo tương ứng của các nhà kinh tế là 0,2% và 3,4%.
'Mùa xuân đẹp nhất' của vàng đã qua
Chia sẻ tại buổi Toạ đàm trực tuyến với chủ đề "Đầu tư vào vàng, chứng khoán hay bất động sản nửa cuối năm?”do Trang TTĐTTH VietnamBiz tổ chức, ông Trần Ngọc Báu – CEO CTCP Dữ liệu và Công nghệ tài chính WiGroup cho biết trong 6 tháng đầu năm vàng nhẫn là kênh đầu tư có hiệu suất tốt nhất trong số các kênh như cổ phiếu, trái phiếu, USD, tiền gửi, trái phiếu chính phủ.
Tuy nhiên, ông Báu cho rằng “mùa xuân đẹp nhất" của vàng đã đi qua nhưng sẽ vẫn còn “làn gió xuân” mới thổi về. Ví dụ như câu chuyện ngân hàng trung ương các nước có thể tích thêm vàng trước sức ép về sự thay đổi đồng tiền dự trữ hay việc Fed hạ lãi suất….Đây sẽ là động lực cho giá vàng trong thời gian tới.
Ông Tạ Thanh Tùng, Trưởng phòng Nghiên cứu & Tư vấn Bất động sản CTCP FDIT cho rằng nhà đầu tư vẫn nên có vàng trong danh mục. Tuy nhiên, tỷ trọng không nên quá nhiều vì là tài sản phòng thủ, khoảng 5%. Nhận định trong ngắn hạn, FIDT cho rằng vàng vẫn còn dư địa tăng trưởng trong 6 tháng cuối năm nhưng dư địa không còn quá nhiều. Nếu kinh tế thế giới tốt hơn thì giá sẽ ổn định hơn.
Trong ngắn hạn, nhà đầu tư có thể nắm giữ vàng nhưng không phải quá hấp dẫn để tăng tỷ trọng. Về mặt dài hạn, nắm giữ các tài sản khác hấp dẫn hơn.
Theo ông Nguyễn Thế Minh – Giám đốc Phân tích Công ty Chứng khoán Yuanta Vietnam nhận định vàng là tài sản nên nắm giữ khi có những bất ổn về kinh tế, chính trị. Tuy nhiên, giai đoạn bất ổn nhất cũng đã qua. Do vậy, dư địa để giá vàng tăng hơn nữa không còn nhiều.
“Những bất ổn không phải là đã kết thúc nhưng để giá vàng có đợt tăng phi mã như thời gian qua thì sự bất ổn cần phải bùng phát thật mạnh. Do đó, trong giai đoạn tới, nhà đầu tư nên xem đây là kênh phòng thủ và tỷ trọng không quá nhiều”, ông Minh nhận định