Giá vàng có thể sớm chinh phục mốc 2.500 USD/ounce
Theo Financial Times, giá vàng tăng vọt lên mức cao kỷ lục vào thứ Ba (16/7) khi triển vọng ngày càng tăng về một loạt đợt cắt giảm lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang trong năm nay và nhiệm kỳ tổng thống thứ hai của Donald Trump đã tạo ra động lực kép cho kim loại quý này.
Vàng tăng 1,7% lên mức 2.465 USD/ounce, vượt qua kỷ lục trước đó được thiết lập vào tháng 5 là 2.450 USD/ounce. Mức tăng mới nhất diễn ra sau khi dữ liệu lạm phát của Mỹ yếu hơn dự kiến vào tuần trước làm tăng kỳ vọng về việc Fed sẽ sớm giảm lãi suất. Điều này giúp giá vàng được hưởng lợi và tạo sức hấp dẫn đối với các nhà giao dịch.
Giá vàng tăng vọt gần 20% trong năm nay, nhờ lực mua vào mạnh mẽ từ các ngân hàng trung ương, đặc biệt là Trung Quốc. Bên cạnh đó, nhu cầu tìm đến các tài sản trú ẩn an toàn trong bối cảnh địa chính trị leo thang cũng đã thúc đẩy dòng tiền từ các nhà đầu tư cá nhân và các quỹ.
Theo Bloomberg, ngay cả những người có lập trường trung lập đối với vàng cũng bắt đầu mua vào. Trong phiên hôm 16/7, xảy ra một đợt bán tháo ngắn sau khi doanh số bán lẻ của Mỹ mạnh hơn dự kiến. Tuy nhiên sau đó, các nhà giao dịch đã tăng thêm các vị thế mua vào, giúp thúc đẩy sự phục hồi và thu hút thêm dòng tiền.
“Các yếu tố cơ bản rõ ràng đã thay đổi, giúp tâm lý nhà đầu tư vững vàng hơn để nắm nắm giữ vàng trong danh mục của mình. Các quỹ cũng đang theo đuổi xu hướng giá tăng. Do đó, ngưỡng 2.500 USD/ounce sẽ sớm được kiểm định”, ông Chris Weston , giám đốc nghiên cứu tại Pepperstone Group Ltd nhận định.
Tuy nhiên, xét về yếu tố kỹ thuật, vẫn còn những dấu hiệu cho thấy đợt tăng giá này chưa bền vững. Chỉ số sức mạnh tương đối (RSI) 14 ngày của vàng đang dao động quanh mức 70, ngưỡng mà một số nhà đầu tư coi đây là vùng quá mua.
Chuyên gia đầu cơ vàng Peter Schiff nhận định trên trang X cá nhân của mình: “Vàng vừa đạt một mức cao kỷ lục mới và mốc 2.500 USD/ounce sẽ sớm được chinh phục”, theo Kitco News.
Hiện tại, thị trường tiếp tục đánh giá những tác động về mặt tài chính và chính trị của vụ ám sát ông Donald Trump vào cuối tuần trước. Việc ông Trump trở lại Nhà Trắng có thể củng có vị thế trú ẩn an toàn của vàng miếng nếu căng thẳng thương mại toàn cầu leo thang. Ngoài ra, việc cắt giảm thuế theo kế hoạch cũng có thể gây ra rủi ro làm bùng nổ thâm hụt ngân sách của chính phủ Mỹ.
Bà Suki Cooper, nhà phân tích kim loại quý tại Standard Chartered, trả lời phỏng vấn Financial Times: “Giá vàng bắt đầu tăng từ những kỳ vọng rằng Fed sẽ sớm giảm lãi suất sau khi dữ liệu lạm phát Mỹ suy yếu. Bên cạnh đó, cuộc ám sát bất thành ông Trump đã khơi dậy lại nhu cầu tìm kiếm nơi trú ẩn an toàn và phòng ngừa lạm phát”.
Ông Nicky Shiels, giám đốc chiến lược kim loại tại MKS Pamp, cho biết các nhà đầu tư đang lo ngại về viễn cảnh lạm phát và thâm hụt ngân sách gia tăng ở Mỹ dưới thời chính quyền Trump. Ngoài ra, các nhà đầu tư lo ngại tính độc lập của Fed có thể bị đặt dấu hỏi dưới thời Trump, người đã lên tiếng mong muốn giảm lãi suất.
Theo ông Bernard Dahdah, một nhà phân tích tại ngân hàng Natixis của Pháp, viễn cảnh Trump chiến thắng có thể khuyến khích các ngân hàng trung ương mua thêm vàng bất chấp giá cao, vì "mối quan hệ căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc" thúc đẩy họ tiếp tục tìm kiếm các lựa chọn thay thế cho đồng USD.
Ông nói: “Tôi sẽ không ngạc nhiên nếu mức giá 2.300 USD/ounce trở lên là mức nền mới cho kim loại quý này”.
Trong một báo cáo công bố cuối tuần trước, ngân hàng ANZ (Australia) kỳ vọng giá vàng sẽ tăng 2.500 USD/ounce nhờ nhu cầu của Ấn Độ và Trung Quốc vẫn vững chắc.
Ngân hàng Dự trữ Ấn Độ (RBI) cũng đã bắt đầu đa dạng hóa dự trữ ngoại hối của mình bằng cách mua thêm vàng. Ngân hàng trung ương đã mua 37 tấn vàng trong nửa đầu năm.
“RBI đã trở thành ngân hàng mua vàng lớn thứ hai trong năm nay. Khối lượng mua trong nửa đầu năm ngụ ý rằng tổng lượng bổ sung trong năm nay có thể đạt trên 70 tấn nếu tốc độ mua tiếp tục được duy trì”, các nhà phân tích ngân hàng ANZ cho biết.