|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Cuộc bầu cử tổng thống Mỹ sẽ tác động thế nào với giá vàng?

18:01 | 15/07/2024
Chia sẻ
Trong lịch sử, giá vàng có xu hướng biến động mạnh trong những tuần trước và sau khi cuộc bầu cử tổng thống Mỹ diễn ra.

Giá vàng biến động mạnh trước - sau cuộc bầu cử tổng thống Mỹ

Mỹ dường như đang là tâm điểm chú ý của thị trường vàng thế giới khi sắp xảy ra hai sự kiện quan trọng là quyết định lãi suất của Fed vào tháng 9 và cuộc bầu cử tổng thống diễn ra vào ngày 5/11. 

Đối với cuộc bầu cử tổng thống, việc xem xét các cuộc bầu cử trước đây của Mỹ có thể cung cấp cái nhìn sâu sắc về cách giá vàng có thể biến động trong những ngày và tuần sau cuộc bầu cử diễn ra. Tuy nhiên, những thay đổi về giá sau bầu cử có xu hướng trở lại bình thường khá nhanh.

Theo thống kê từ Nasdaq, năm 2016, khi ông Trump chạy đua ghế tổng thống Mỹ với bà Hillary Clinton, giá vàng đã tăng khoảng 50 USD/ounce trong những tuần trước cuộc bầu cử diễn ra vào ngày 8/11, đạt mức hơn 1.300 USD/ounce vào ngày 4/11.

Sau chiến thắng của ông Donal Trump, giá vàng đã giảm đáng kể, xuống mức thấp nhất 9 tháng là 1.128 USD/ounce vào giữa tháng 12. Sau mức thấp đó, giá vàng bắt đầu phục hồi và đến giữa tháng 1/2017 một lần nữa đã ở mức trên 1.200 USD/ounce.

 Diễn biến giá vàng trước và sau cuộc bầu cử năm 2016 (Nguồn: Tradingeconomics)

Cuộc bầu cử năm 2020 diễn ra vào ngày 3/11 và trong tuần trước ngày bỏ phiếu, giá vàng được giao dịch ở mức khoảng 1.900 USD/ounce, mặc dù đã giảm xuống mức thấp 1.867 USD vào ngày 30/10. Sau cuộc bầu cử, giá vàng đã có diễn biến tích cực, tăng vọt lên mức 1.951 USD/ounce vào ngày bỏ phiếu. 

 Diễn biến giá vàng trước và sau cuộc bầu cử năm 2020 (Nguồn: Tradingeconomics)

Tuy nhiên, giá vàng đã giảm trở lại trong những tuần tiếp theo và giảm xuống dưới 1.800 USD/ounce trong thời gian ngắn khi việc kiểm phiếu ở Georgia và một số bang vẫn tiếp diễn, cùng với các thách thức pháp lý từ nhóm của ông Trump.

Khi tổng thống Mỹ chấm dứt, giá vàng sẽ diễn biến thế nào?

Giá vàng tăng đáng kể trong nhiệm kỳ tổng thống của ông Trump, tăng từ 1.209 USD/ounce khi ông nhậm chức vào ngày 20/1/2017 lên 1.839 USD/ounce vào ngày cuối cùng của ông, tức là ngày 19/1/2021.

Vàng cũng đã chứng kiến ​​mức tăng đáng kể trong nhiệm kỳ tổng thống của ông Biden. Giá vàng ở mức 1.871 USD/ounce khi ông tiếp quản từ Nhà Trắng vào ngày 20/1/2021. Và tính đến nay (15/7), giá vàng đạt trên 2.400 USD/ounce sau khi liên tiếp xô đổ các kỷ lục cũ hồi tháng 5. 

Trong cuộc bầu cử năm nay, câu hỏi mà nhiều người đặt ra lúc này là giá vàng sẽ diễn biến thế nào nếu một trong hai ứng cử viên đắc cử. 

Trao đổi với chúng tôi, chuyên gia tài chính TS Nguyễn Trí Hiếu cho rằng dù ông Joe Biden hay ông Donald Trump tái đắc cử thì giá vàng sẽ vẫn có xu hướng tăng trở lại. 

Trường hợp ông Biden tái đắc cử, đồng USD có thể yếu hơn khi chính quyền và Fed đưa ra các chính sách nới lỏng tiền tệ. Hiện thị trường cũng đang kỳ vọng nhiều vào việc Fed xoay trục chính sách trong tháng 9 sau khi dữ liệu CPI Mỹ tháng 6 suy yếu. 

Đối với trường hợp ông Trump đắc cử, theo ông Hiếu, mặc dù ứng cử viên này chưa tiết lộ nhiều về những chính sách tiền tệ có thể thực hiện nhưng dưới thời ông đương nhiệm, lạm phát tăng cao. 

“Do đó, theo tôi, nếu ông Trump đắc cử thì có thể tiếp tục chính sách nới lỏng tiền tệ vì ông là người rất quyết liệt trong những chính sách kích thích phục hồi và phát triển kinh tế. Chính vì thế ông Trump có thể nới lỏng chính sách tiền tệ, từ đó hỗ trợ giá vàng trong thời gian tới”, ông Hiếu nói. 

Chia sẻ với người viết, chuyên gia tài chính Phan Dũng Khánh cho rằng cần theo dõi tác động của cuộc bầu cử tổng thống Mỹ đối với đồng USD bởi đây vẫn đang là ẩn số. Tuy nhiên, theo ông có thể dự đoán được ẩn số này theo chính sách chung.

"Hiện tại tỷ lệ thất nghiệp Mỹ vượt 4% và có xu hướng tăng lên. Trong khi đó, tiêu dùng chậm lại. Do đó, dù tổng thống là ai đi nữa thì chính sách thời gian tới là ưu tiên việc phục hồi kinh tế. Điều này trùng quan điểm với Fed. Hiện, Fed khó có khả năng tăng lãi suất nhưng câu hỏi lúc này bao giờ Fed giảm lãi suất?”, ông Khánh nói. 

Tuy nhiên, ông Khánh cho rằng sẽ khó xảy ra một con sóng giá vàng như hồi đầu năm ngay cả khi Fed giảm lãi suất. Giá vàng có thể quay về đỉnh cũ và tiếp tục tăng lên tối đa 2.500 USD/ounce sau đó điều chỉnh và tích luỹ đi ngang.

“Fed giảm lãi suất chưa chắc đồng USD sẽ yếu đi bởi các ngân hàng trung ương trên thế giới đã giảm lãi suất từ trước đó và có thể tiếp tục giảm với mức độ mạnh hơn so với Fed. Ngay cả khi nếu hạ thì lãi suất Mỹ vẫn ở mức cao hơn so với kỳ vọng và tối đa khoảng 2 lần.

Trong khi các ngân hàng trung ương khác đã hạ và nếu Fed hạ thì họ tiếp tục hạ nhanh hơn. Nghĩa là sức mạnh đồng USD sẽ không ảnh hưởng nhiều và gây áp lực lên các tài sản khác trong đó có vàng”, ông Khánh phân tích.

Ngoài ra, theo ông vàng còn bị chi phối bởi yếu tố nhu cầu. Trong hai tháng qua, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc đã ngừng mua vàng. Đây là quốc gia mua vàng lớn nhất thế giới và là một trong những lực đẩy chính của giá vàng trong thời gian qua. 

“Trước đây, mức độ FOMO của nhà đầu tư cá nhân lẫn tổ chức đã quá cao. Do đó, hiện nay họ đang có xu hướng thận trọng nên giá vàng khó lòng tăng mạnh”, ông Khánh nói.

H.Mĩ

Yagi là cơn bão mạnh nhất trong 30 năm qua, Hà Nội gió mạnh nhất từ khoảng 19h ngày 7/9 đến 1h ngày 8/9
Ông Hoàng Phúc Lâm, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, cho biết Hải Phòng – Quảng Ninh gió mạnh nhất còn kéo dài đến khoảng 19h ngày 7/9, sau giảm nhanh; Thái Bình – Nam Định gió mạnh nhất từ khoảng 16-22h; Đồng bằng Bắc Bộ (trong đó có thủ đô Hà Nội) gió mạnh nhất từ khoảng 19h ngày 7/9 đến 1h ngày 8/9.