|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Trần giá vé máy bay không thể giữ nguyên: Cần nâng lên hay bỏ hẳn?

09:04 | 05/07/2022
Chia sẻ
Quy định về trần giá vé máy bay được ban hành từ ba năm trước, khi giá nhiên liệu còn thấp. Các hãng hàng không như Vietnam Airlines, Vietjet Air và Bamboo Airways đều cho rằng mức giá trần này hiện không còn phù hợp.

Quầy tự làm thủ tục của Vietjet. (Ảnh: Song Ngọc).

Các hãng hàng không đã chán giá trần

Thị trường vận tải hành khách bằng đường hàng không của Việt Nam hiện nay không có giá sàn nhưng có giá trần. Quy định về trần giá máy bay được Bộ Giao thông vận tải ban hành trong Thông tư số 17 ngày 3/5/2019, có hiệu lực kể từ ngày 1/7 cùng năm.

Tổng Giám đốc Vietnam Airlines (Mã: HVN) Lê Hồng Hà cho biết Thông tư 17 được xây dựng trên cơ sở giá nhiên liệu bay giữa năm 2019 chỉ khoảng 80 USD/thùng.

Nửa đầu năm 2022, trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu phục hồi mạnh mẽ sau hai năm đại dịch và những bất ổn từ xung đột Nga – Ukraine, giá xăng máy bay Jet A1 đã vọt lên mức 160 – 170 USD/thùng, có lúc còn vượt 200 USD/thùng. Vì vậy, Tổng Giám đốc Lê Hồng Hà cho rằng mức giá trần cũ không còn phù hợp.

Thông tư 19 quy định giá trần vé máy bay trên cơ sở giá nhiên liệu bay giữa năm 2019 chỉ khoảng 80 USD/thùng, bằng một nửa so với hiện nay.

Vị lãnh đạo 50 tuổi của Vietnam Airlines còn cho rằng: “Cần nới giá trần để phản ánh thị trường vận tải hàng không nội địa có tính cạnh tranh, giá vé được điều tiết bởi chính các hãng tham gia khai thác. Việc nới khung giá cũng giúp Vietnam Airlines có thêm nguồn thu từ những khách có khả năng chi trả”.

Tổng Giám đốc Vietnam Airlines Lê Hồng Hà. (Ảnh: Đức Quyền).

Việc nâng giá trần không nhất thiết đồng nghĩa với việc giá tất cả loại vé máy bay đều tăng lên và số hành khách đi máy bay ít hơn.

Trên cùng một chuyến bay, giá của hai vé có thể rất khác nhau tùy thuộc vào hạng thương gia hay hạng phổ thông, đặt mua sớm hay muộn.

Hãng hàng không có thể bán vé giá cao hơn mức trần hiện nay cho người khá giả, sẵn sàng trả nhiều tiền để được hưởng tiện nghi tốt hơn hoặc được đặt vé vào giờ chót. Giá vé hạng phổ thông cho khách hàng bình dân có thể giữ nguyên như hiện nay.

Trong tình huống này, số người được đi máy bay vẫn như cũ, hãng hàng không có thêm nguồn thu và một số khách hàng được hưởng dịch vụ tốt hơn.

Ngược lại, nếu tiếp tục áp dụng mức giá trần cứng nhắc, nguồn thu từ bán vé không đủ bù đắp chi phí, các hãng sẽ dừng bay và khách hàng sẽ chịu thiệt vì mất một lựa chọn đi lại.

Ông Đặng Tất Thắng, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Bamboo Airways cho rằng Việt Nam nên “bỏ giá trần vì đây là rào cản với sự phát triển của ngành hàng không”.

Theo ông Thắng, hàng không là ngành dịch vụ cao cấp nhưng lại bị khống chế bởi giá trần là vô lý. “Việc điều hành giá nên tuân theo cơ chế thị trường, để có thêm lựa chọn cho hãng hàng không trong kinh doanh”.

 

Vietjet Air là hãng hàng không có chi phí vận hành cũng như giá vé thấp hơn Vietnam Airlines và Bamboo Airways. Trao đổi với chúng tôi, đại diện của Vietjet Air cũng bày tỏ ủng hộ đề xuất nâng giá giá vé trần cho phù hợp với mức giá xăng dầu hiện nay.

Chuyên gia và cơ quan quản lý cũng muốn thay đổi

Tại một sự kiện tổ chức ngày 28/6, Cục trưởng Cục Hàng không Đinh Việt Thắng cho hay: “Các hãng hàng không dù đã khôi phục được nhiều đường bay, giải quyết được dòng tiền nhưng do giá xăng dầu tăng phi mã trong suốt thời gian qua, doanh thu vẫn chưa bù đắp được chi phí, ước tính các hãng vẫn lỗ gần 100 tỷ/tháng”.

Báo Chính phủ cho biết Cục Hàng không Việt Nam đang tiếp tục kiến nghị Bộ Giao thông vận tải xem xét, đề xuất giảm thuế môi trường, xăng dầu để hỗ trợ chi phí hoạt động cho các hãng và từng bước nới lỏng giá trần để các hãng linh hoạt giá vé hơn trong thời gian tới.

PGS.TS. Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính), đồng ý với đề xuất nâng hoặc bỏ giá trần vì thị trường hàng không Việt Nam hiện nay có nhiều hãng hoạt động, cạnh tranh với nhau. Nếu hãng nào nâng giá lên cao quá thì hãng đó sẽ mất khách hàng.

Tổng Giám đốc Bamboo Airways Đặng Tất Thắng ủng hộ bỏ trần vé máy bay. (Ảnh: Đức Quyền).

Trước những lo ngại về việc các hãng có thể cấu kết với nhau để tạo thành thế độc quyền nhóm và nâng giá vé, PGS. TS. Nguyễn Thiện Tống cho biết pháp luật Việt Nam có các quy định về chống độc quyền và Nhà nước nên dùng những quy định này để quản lý thay vì dùng cơ chế giá trần.

Trao đổi với chúng tôi, ông Tống lập luận rằng ngay cả ở các đường bay chỉ có một hãng duy nhất khai thác cũng tồn tại sự cạnh tranh, đó là cạnh tranh với phương thức vận tải khác như đường bộ, đường sắt, đường thủy.

Nếu sau khi bỏ trần mà giá vé máy bay cao một cách vô lý thì hành khách sẽ chọn di chuyển bằng cách khác, hoặc đi du lịch ở nơi khác, …

“Giá trần vé máy bay thuộc về nền kinh tế tập trung quan liêu bao cấp, xưa lắm rồi, lạc hậu lắm rồi, bỏ nó đi. Đừng nói chuyện nâng giá trần nữa mà bỏ hẳn đi”, ông Tống nói.

Ngày hôm nay giá xăng dầu cao, các hãng đề xuất Nhà nước nâng giá trần. Ngày mai giá nhiên liệu giảm, Nhà nước có giảm giá trần hay không? Theo PGS. TS. Nguyễn Thiện Tống, Nhà nước không thể theo kịp thị trường để quyết định vào thời điểm nào thì chọn giá bao nhiêu, thay vào đó hãy để cho thị trường tự quyết định giá.

Kế toán trưởng Vietnam Airlines Trần Thanh Hiền cho biết giá nhiên liệu bay bình quân năm 2021 là khoảng 72 USD/thùng, sang 6 tháng đầu năm 2022 là 116 USD/thùng. Vietnam Airlines dự kiến giá trung bình cả năm nay là 138 – 140 USD/thùng, tức là gần gấp đôi năm ngoái.

Tại châu Phi vào tháng 5 năm nay, các hãng hàng không của Nigeria đã cảnh báo nguy cơ phải dừng bay vì giá nhiên liệu quá cao. Chính phủ Nigeria sau đó đã phải hỗ trợ một phần chi phí xăng máy bay cho các hãng.

Tại Australia, Qantas Airways tuần trước đã thông báo cắt giảm số chuyến bay nội địa cũng vì giá xăng tăng mạnh.

Kế toán trưởng của Vietnam Airlines cho biết kế hoạch kinh doanh trình đại hội cổ đông được xây dựng dựa trên giả định giá nhiên liệu bình quân nửa cuối năm khoảng 115 USD/thùng nhưng giá tại ngày tổ chức đại hội (28/6) đã vượt lên trên 162 USD/thùng. 

Ông Hiền ước tính nếu giá nhiên liệu bay trong nửa cuối năm duy trì trên ngưỡng 160 USD/thùng thì chi phí của Vietnam Airlines sẽ cao hơn 4.300 tỷ đồng so với kế hoạch đã lập.

Giá nhiên liệu cao là một phần nguyên nhân khiến cho Vietnam Airlines có nguy cơ lỗ tới 9.335 tỷ trong năm nay. Nếu giá xăng máy bay chỉ ở khoảng 80 USD/thùng thì Vietnam Airlines năm nay sẽ lỗ không quá 3.000 - 4.000 tỷ đồng, vị Kế toán trưởng ước tính.

Đức Quyền