|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Giá tiêu sẽ có một nhịp điều chỉnh trước khi tăng trở lại?

07:00 | 09/03/2024
Chia sẻ
Bà Hoàng Thị Liên, Chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu và Cây Gia vị Việt Nam (VPSA) cho biết giá tiêu đang bước vào chu kỳ tăng và khi giá tăng đến điểm "bão hoà" sẽ xuất hiện nhịp điều chỉnh.

Giá tiêu sẽ có một đợt điều chỉnh

Giá tiêu ở thị trường nội địa đang tiếp tục xu hướng tăng trong những tháng đầu năm. Chỉ trong vòng 3 tháng (kể từ tháng 12/2023), giá tiêu đã tăng tới 30%. Tính tới cuối tháng 2, giá hạt tiêu đen tăng 10.000 – 11.000 đồng/kg so với cuối tháng 1 lên mức 91.000 – 94.000 đồng/kg. Ngưỡng cao nhất ghi nhận trong tháng 3 là 96.000 đồng/kg. 

 Nguồn: Báo Quốc Tế (H.Mĩ tổng hợp)

Trao đổi với chúng tôi bên lề hội nghị hồ tiêu và gia vị quốc tế, bà Hoàng Thị Liên, Chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu và Cây Gia vị Việt Nam (VPSA) cho biết giá tiêu đang bước vào chu kỳ tăng. Tuy nhiên, trong quá trình đi lên, giá tiêu sẽ có một vài nhịp điều chỉnh xuống trước khi tăng trở lại. 

“Khi giá tiêu tăng lên mức độ nào đó sẽ đạt đến điểm “bão hoà”, các thành phần tham gia thị trường đều hài lòng. Khi đó, giá tiêu sẽ điều chỉnh”, bà Liên cho biết.  

Tuy nhiên, theo bà việc chênh lệch cung - cầu có thể khiến giá tiêu tiếp tục tăng trong thời gian tới. Nguồn cung tiêu của Việt Nam và các nước lớn trên thế giới giảm khiến thị trường toàn cầu thâm hụt “vài chục nghìn tấn” tiêu. 

 Bà Hoàng Thị Liên, Chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu và Cây Gia vị Việt Nam (Ảnh: H.Mĩ)

Theo VPSA, sản lượng tiêu năm nay dự kiến giảm 10% xuống 170.000 tấn so với năm ngoái, mức thấp nhất trong vòng 5 năm gần đây. 

Trong khi đó, Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) dự báo thị trường hạt tiêu toàn cầu sẽ tiếp tục diễn ra sôi động trong thời gian tới. Do chênh lệch mùa vụ nên giá hạt tiêu tiếp tục neo ở mức cao trong vài tháng nữa. 

Tại những nước có sản lượng hạt tiêu lớn, Brazil đã qua mùa thu hoạch, hiện Việt Nam bước vào mùa thu hoạch, trong khi chính vụ của Indonesia và Malaysia vào tháng 7 hàng năm. Nguồn cung từ các nước Indonesia, Brazil, Malaysia, Campuchia không bù đắp đủ cho lượng giảm xuất khẩu của Việt Nam sẽ đẩy giá hạt tiêu tăng nóng ngay từ đầu vụ.

Hiệp hội Hồ tiêu Quốc tế (IPC) mới đây dự báo sản lượng hồ tiêu toàn cầu năm 2024 tiếp tục giảm 1,1% tương đương 6.000 tấn, chủ yếu là do sản lượng giảm tại Việt Nam. Trong khi, IPC dự báo sản lượng tăng tại Brazil và Ấn Độ dù vẫn còn phụ thuộc vào yếu tố thời tiết. Các quốc gia sản xuất khác có thể duy trì sản lượng tiêu với mức thay đổi không đáng kể. 

Với Brazil, vụ thu hoạch tiêu ở bang Para của Brazil đã kết thúc. Sản lượng hồ tiêu của Brazil năm 2023 đạt 95.000 tấn và dự báo tăng lên 105.000 tấn trong năm 2024. Tuy nhiên hiện nay vẫn còn khá sớm để dự báo sản lượng năm 2024 nếu vấn đề thời tiết tiếp tục tái diễn như năm 2023 sẽ có thể ảnh hưởng tiêu cực đến mùa vụ 2024, như vùng Para đang bị khô hạn. Lượng hồ tiêu hữu cơ của Brazil hiện ước đạt 600 tấn mỗi năm.

“Sức ép của suy giảm nguồn cung sẽ tác động tích cực lên giá. Điều này tạo động lực cho bà con đầu tư nhiều hơn cho vườn tiêu”, bà Liên nói. 

Từ góc độ doanh nghiệp, bà Nguyễn Thị Thanh Huyền, Phó Giám đốc của Prosi Thăng Long, cho biết nhu cầu hạt tiêu trên thế giới luôn lớn. Sau thời gian dài thị trường tiêu đi xuống ở giai đoạn trước, các nhà nhập khẩu không tích luỹ nhiều. Do đó, hiện tại họ tăng cường nhập khẩu trở lại vì sợ rằng giá sẽ còn tăng thêm trong khi nguồn cung ở các nước đều giảm.

Hai yếu tố này cùng lúc sẽ tác động đến giá trong thời gian tới. Nếu giá tiêu tại Việt Nam tăng, các nước khác cũng sẽ tăng theo, bà cho hay.

Mặc dù vậy, với kỳ vọng nguồn cung sẽ tăng trong một tháng tới, nhiều doanh nghiệp trong ngành cho rằng giá tiêu có thể ổn định trong ngắn hạn, thay vì tăng đột biến như tháng 12 năm ngoái. 

Doanh nghiệp cần cân đối giữa giá tiêu nguyên liệu và xuất khẩu

Việc tăng giá tiêu nguyên liệu đang gây sức ép cho doanh nghiệp xuất khẩu khi các đơn hàng đều phải ký trước. Nhiều doanh nghiệp cũng dự báo rằng năm 2024 sẽ tiếp tục là một năm biến động với thị trường hồ tiêu, giá tiêu sẽ còn tăng lên.

“Từ tháng 12/2023 giá tiêu tăng đột biến kéo dài đến thời điểm hiện tại. Điều này khiến nhiều hộ dân chưa muốn bán ra chờ đợi giá tăng thêm. Đây là khó khăn cho các công ty trong việc thu mua", đại diệnProsi Thăng Long chia sẻ.

Vị này cho biết công ty của bà đang chờ đợi hàng trong vụ thu hoạch tiêu năm nay và chuẩn bị cho các phương án xuất khẩu.

"Chúng tôi sẽ không đầu cơ quá nhiều và chỉ thu mua theo giá thị trường. Đồng thời, Prosi sẽ ưu tiên ký các các đồng giao sau ngắn hạn và chỉ ký giao xa với những khách hàng lâu năm”, bà Huyền nói. 

Khuyến cáo tới các doanh nghiệp, Chủ tịch VPSA cho rằng các doanh nghiệp cần điều chỉnh sao cho mức giá nhập vào và bán ra có mức độ tăng tương đồng nhau để tránh rủi ro về giá. Nếu giá tiêu trong nước tăng thì các doanh nghiệp cần phải tăng giá xuất khẩu tương ứng.

"Nếu không đảm bảo hai mức giá này tăng phù hợp thì doanh nghiệp sẽ phải gánh rủi ro vì họ phải đảm bảo giữ uy tín, đảm bảo đơn hàng", bà Liên nói.

Bà gợi ý rằng các doanh nghiệp có thể mua từ từ, mỗi ngày một ít, tránh sự dồn dập quá nếu không nó sẽ tác động lên về giá khi có đơn hàng lớn, tạo thêm sự khan hiếm hàng thêm.

H.Mĩ