|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Bộ Công Thương: Giá tiêu có thể còn tăng do nguồn cung hạn chế

15:37 | 05/03/2024
Chia sẻ
Xu hướng tăng giá được dự báo sẽ tiếp tục diễn ra trong ngắn hạn do nguồn cung hạn chế. Sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, sản lượng thu hoạch vẫn chưa được nhiều do các chủ vườn thiếu nhân công. Bên cạnh đó, nhu cầu hạt tiêu từ Trung Quốc tăng mạnh đẩy giá mặt hàng lên cao.

 

Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết giá tiêu ở thị trường nội địa vẫn tiếp tục tăng trong tháng 2. Ngày 28/2, giá hạt tiêu đen tăng từ 10.000 – 11.000 đồng/kg so với cuối tháng 1/2024 (tùy từng khu vực khảo sát), lên mức 91.000 – 94.000 đồng/kg. Như vậy, chỉ trong vòng 3 tháng (kể từ tháng 12/2023), giá tiêu tăng tới 30%.

 Nguồn: Báo Quốc Tế (H.Mĩ tổng hợp)

“Xu hướng tăng giá được dự báo sẽ tiếp tục diễn ra trong ngắn hạn do nguồn cung hạn chế. Sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, sản lượng thu hoạch vẫn chưa được nhiều do các chủ vườn thiếu nhân công. Bên cạnh đó, nhu cầu hạt tiêu từ Trung Quốc tăng mạnh đẩy giá mặt hàng lên cao”, Cục Xuất nhập khẩu nhận định.

Tình hình tiêu thụ hồ tiêu trong hai tháng đầu năm tuy giảm về lượng nhưng doanh thu vẫn tăng do giá xuất khẩu tăng mạnh.

 Nguồn: Tổng Cục Hải quan (H.Mĩ tổng hợp)

Theo ước tính của Cục Xuất nhập khẩu, tháng đầu năm 2024, xuất khẩu hạt tiêu của Việt Nam đạt khoảng 35 nghìn tấn, trị giá 143 triệu USD, giảm 12,3% về lượng, nhưng tăng 13% về trị giá so với cùng kỳ năm 2023. 

Giá xuất khẩu bình quân hạt tiêu của Việt Nam ước đạt mức 4.041 USD/tấn, tăng 29% so với cùng kỳ năm 2023.

  Nguồn: Tổng Cục Hải quan (H.Mĩ tổng hợp)

Thông tin giá tiêu tăng mạnh đem đến niềm vui cho người nông dân. Nhưng với doanh nghiệp xuất khẩu, niềm vui chưa chắc đến với họ bởi những gánh nặng về chi phí khi giá bán ra chưa tăng tương xứng với giá nhập đầu vào.

Trao đổi với chúng tôi, ông Lê Đức Huy, Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV xuất nhập khẩu  2-9 Đắk Lắk (Simexco DakLak), cho biết hiện tại giá tiêu nguyên liệu tăng cao làm tăng chi phí đầu vào cho doanh nghiệp. 

“Ngày xưa, 8 triệu là đã có thể mua được 2 tấn tiêu nhưng giờ chưa mua nổi được một tấn. Giá hiện tại đã cao gấp đôi so với trước đây. Điều này đòi hỏi nguồn vốn của doanh nghiệp xuất khẩu phải lớn, đồng nghĩa với việc phải vay ngân hàng nhiều hơn, kéo theo chi phí tài chính cũng tăng, ăn mòn lợi nhuận”, ông Huy cho biết. 

Giá tăng do sản lượng sụt giảm cũng khiến cho có những trường hợp doanh nghiệp không gom được hàng. Bà Hoàng Thị Liên, Chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu - Cây gia vị Việt Nam (VPSA), cho biết mặc dù doanh nghiệp đã đặt cọc nhưng bà con nông dân có thể không giao hàng. Khi đó, các công ty xuất khẩu gặp rủi ro không có hàng để giao cho nhà nhập khẩu.

“Các doanh nghiệp không dám ký hợp đồng giao xa, chỉ tối đa 3 tháng. Nếu ký hợp đồng quá xa, giá cả thị trường biến động mạnh, doanh nghiệp không đủ sức gồng gánh”, bà Liên nói thêm. 

H.Mĩ

Vàng, đô và lãi suất: Ý nghĩa như thế nào với kinh tế Việt Nam?
Tỷ giá USD/VND đã tăng 4,5% so với đầu năm, cao hơn 1% so với mức mất giá bình quân dưới 3,5% trong gần 1 thập kỷ. Điều này đã gây sức ép lớp lên các nhà điều hành phải đưa ra một loạt các chính sách kết hợp nhằm ngăn chặn sự giảm giá của đồng VND, tạo ra những tác động nhất định lên thị trường tài chính.