Giá tiêu nguyên liệu, cước tàu tăng phi mã đè nặng lên các doanh nghiệp xuất khẩu
Giá tiêu tăng nhanh, doanh nghiệp không dám ký hợp đồng giao xa
Gần đây, thông tin giá tiêu tăng mạnh đem đến niềm vui cho người nông dân. Chỉ trong vòng 3 tháng, giá tiêu tăng tới 30% lên 95.000 đồng/kg. Nhưng với doanh nghiệp xuất khẩu, niềm vui chưa chắc đến với họ bởi những gánh nặng về chi phí khi giá bán ra chưa tăng tương xứng với giá nhập đầu vào.
Giá tiêu nguyên liệu tăng cao trong khi giá tiêu xuất khẩu trong tháng 1 chỉ tăng nhẹ 4,6% lên 4.000 USD/tấn khiến các nhà xuất khẩu phải bỏ nhiều tiền hơn để gom hàng, thậm chí có những đơn hàng ký trước giá bán thấp hơn giá nhập.
Trao đổi với chúng tôi, ông Lê Đức Huy, Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV xuất nhập khẩu 2-9 Đắk Lắk (Simexco DakLak), cho biết hiện tại giá tiêu nguyên liệu tăng cao làm tăng chi phí đầu vào cho doanh nghiệp.
“Ngày xưa, 8 triệu là đã có thể mua được 2 tấn tiêu nhưng giờ chưa mua nổi được một tấn. Giá hiện tại đã cao gấp đôi so với trước đây. Điều này đòi hỏi nguồn vốn của doanh nghiệp xuất khẩu phải lớn, đồng nghĩa với việc phải vay ngân hàng nhiều hơn, kéo theo chi phí tài chính cũng tăng, ăn mòn lợi nhuận”, ông Huy cho biết.
Giá tăng do sản lượng sụt giảm cũng khiến cho có những trường hợp doanh nghiệp không gom được hàng. Bà Hoàng Thị Liên, Chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu - Cây gia vị Việt Nam (VPSA), cho biết mặc dù doanh nghiệp đã đặt cọc nhưng bà con nông dân có thể không giao hàng. Khi đó, các công ty xuất khẩu gặp rủi ro không có hàng để giao cho nhà nhập khẩu.
“Các doanh nghiệp không dám ký hợp đồng giao xa, chỉ tối đa 3 tháng. Nếu ký hợp đồng quá xa, giá cả thị trường biến động mạnh, doanh nghiệp không đủ sức gồng gánh”, bà Liên nói thêm.
Theo đánh giá của VPSA, sản lượng tiêu Việt Nam niên vụ 2023 - 2024 dự kiến giảm 10 - 15% xuống 160.000-165.000 tấn do xu hướng chuyển sang trồng các loại cây ăn quả khác có hiệu quả kinh tế hơn. Hiện Việt Nam là nước xuất khẩu tiêu lớn nhất thế giới với thị phần khoảng 50%.
Gánh nặng chi phí vận tải
Bên cạnh gánh nặng chi phí nguyên liệu tăng, các doanh nghiệp xuất khẩu tiêu còn chịu ảnh hưởng lớn từ giá cước vận tải tăng do căng thẳng khu vực Biển Đỏ leo thang, nhất là tuyến đường sang EU - nơi tiêu thụ 20% lượng tiêu của Việt Nam.
Theo Chủ tịch VPSA, cước tàu đi từ Việt Nam sang EU hiện đã tăng gấp 3 lần so với thời điểm tháng 11 năm ngoái lên 4.000 - 6.000 USD/FEU (container 40 feet).
Ước tính một container 40 feet có thể chưa tối đa 22 tấn tiêu. Giá tiêu xuất khẩu trung bình trong tháng 1 là 4.000 USD/tấn. Như vậy, chi phí vận chuyển chiếm gần 7% giá trị đơn hàng.
Cùng với việc tăng giá cước, một số hãng tàu lớn đã áp dụng thêm các khoản phí mùa cao điểm (Peak Season Surcharge), gây căng thẳng thêm về chi phí cho chủ hàng.
Trong trường hợp chủ hàng Việt Nam không phải là người đàm phán hợp đồng vận chuyển, họ có thể sẽ bị áp phí không báo trước và ở mức cao. Theo quy định thông thường, khi các hãng tàu thay đổi phí, phụ phí phải báo trước 15 ngày.
“Có doanh nghiệp xếp hàng lên tàu từ 20/12/2023 thì đến ngày 5/1/2024 hãng tàu đề nghị phụ thu thêm 2.000 USD/FEU. Việc áp phụ phí tuỳ tiện như vậy khác nào đẩy doanh nghiệp xuất khẩu vào thế ‘cá nằm trên thớt’. Ứng xử của các hãng tàu không minh bạch”, bà Liên cho biết.
Ngoài ra, việc đối thoại, đàm phán với các chủ tàu cũng trở nên khó khăn.
“Các doanh nghiệp xuất khẩu khi phản ánh lên đại lý thì tất cả đại lý đều nói phải trao đổi trực tiếp với hãng tàu. Tuy nhiên, khi gặp các hãng tàu, họ lại không cho chúng tôi đối thoại, trao đổi về vấn đề này. Thậm chí họ yêu cầu nếu trong vòng một tuần không thanh toán phụ phí sẽ phạt thanh toán chậm”, bà Liên nói.
Không chỉ các hãng tàu, các cảng cũng tăng phụ phí THC (phụ phí xếp dỡ tại cảng; viết tắt của cụm từ Terminal Handling Charge) từ 10 - 20%.
“Nhiều đơn hàng bị lỗ. Sau COVID-19, tất cả mọi thứ đều bất bình thường. Các hàng tàu nói rằng nếu doanh nghiệp muốn xuất hàng thì phải chịu thêm phí. Chúng tôi vì muốn giữ chữ tín với khách hàng buộc phải trả thêm, không làm cách nào khác được. Trong thời gian này, doanh nghiệp tính toán sao không lỗ là may mắn rồi”, Tổng Giám đốc Simexco DakLak cho hay.
Theo số liệu của Tổng Cục Hải quan, trong tháng 1, Việt Nam xuất khẩu 17.000 tấn tiêu, tăng 36% so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, so với tháng 12, lượng xuất khẩu đã giảm 15%.
Để giảm thiểu rủi ro, Cục Xuất nhập khẩu khuyến nghị các doanh nghiệp có thể lựa chọn kết hợp hình thức vận chuyển đường biển và và đường hàng không để tối ưu thời gian. Cụ thể, hàng hoá sẽ vận chuyển đến Dubai sau đó chuyển sang Châu Âu, Mỹ bằng đường hàng không.