|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Giá tiêu năm 2024 có thể chạm 90.000 đồng/kg vì sản lượng giảm?

07:00 | 04/11/2023
Chia sẻ
Giá tiêu nội địa được dự báo chạm mốc 90.000 đồng/kg đầu năm 2024 vì sản lượng giảm. Tuy nhiên, về dài hạn, sức cầu yếu tiếp tục đè nặng lên giá mặt hàng gia vị này.

Giá tiêu có thể tăng trong ngắn hạn

Mới đây, Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam (VPA) cho biết sản lượng tiêu niên vụ 2023 - 2024 dự kiến giảm 10 - 15% xuống 160.000-165.000 tấn do xu hướng chuyển sang trồng các loại cây ăn quả khác có hiệu quả kinh tế hơn. 

Điển hình như tại tỉnh Đắc Lắk, một số doanh nghiệp cho biết diện tích chủ yếu tập trung Cư Kuin, Ea Hleo, Chư M’gar, Krong Năng người dân trồng trồng xen sầu riêng nhiều, do tiêu già, chết và dân không trồng thêm. Tại nhiều nơi, người dân đang lưỡng lự có nên chuyển sang trồng sầu riêng hoặc cà phê sau vụ thu hoạch 2024 . Theo khảo sát của các doanh nghiệp hội viên VPA, Đắk Lắk còn 30 - 70% diện tích tùy vùng. Tại Đắk Nông, tình hình vườn vẫn ổn, tuy nhiên diện tích bị thu hẹp, xen cà phê, sầu riêng nhiều.

Nguồn: VPA (H.Mĩ tổng hợp)

Việc diện tích giảm được dự báo sẽ tác động đến giá tiêu trong đầu năm tới. Trao đổi với chúng tôi, ông Lê Đức Huy, Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV XNK 2-9 Đắk Lắk (Simexco) cho rằng mức giá 85.000 - 90.000 đồng/kg trong năm 2024 là khả thi.

Ông Huy lý giải không chỉ Việt Nam mà sản lượng của nhiều năm trồng tiêu như Ấn Độ, Brazil được dự báo cũng sẽ không khả quan do ảnh hưởng bởi hình thái thời tiết xấu El Nino. Trong khi đó, thời điểm quý I/2024, lượng mua vào của các nước phương tây có thể dồn cùng một lúc do tồn kho cạn. Điều này sẽ giúp đẩy giá tiêu trong nước tăng trở lại. 

“Thông thường, thời điểm cuối quý III, các nước bắt đầu tăng cường nhập hàng để chuẩn bị cho đầu năm 2024 nhưng năm nay họ có vẻ không tự tin về tình hình tài chính và kinh tế chung nên lượng mua vào khá dè dặt. Họ chưa mua vì sợ chôn vốn. Tuy nhiên, có thể đến quý I/2024, các nước sẽ phải mua hàng giao ngay vì khi đó, lượng tồn kho đã hết”, ông Huy nói.

Thời gian qua, lượng mua hàng của các công ty nhập khẩu chững lại do lo ngại về suy thoái kinh tế. Trong quý III năm nay, tổng cộng Việt Nam đã xuất khẩu 53.359 tấn hồ tiêu với trị giá 199,3 triệu USD, tăng 4,7% về lượng nhưng giảm 5,4% về giá trị so với quý III năm ngoái. 

Theo Tổng giám đốc XNK 2-9 Đắk Lắk, diễn biến giá nội địa thời gian qua cũng đã phản ánh điều này. Ngoài ra, việc các đại lý và nhà buôn tăng cường bán ra để có tiền mua cà phê cũng là nguyên nhân gây áp lực lên giá tiêu nội địa.

Những ngày đầu tháng 11, giá tiêu trong nước có xu hướng giảm và hiện quanh mức 67.000 - 68.000 đồng/kg, thấp hơn khoảng 10% so với quý II.  

 H.Mĩ tổng hợp

“Một số người kinh doanh cần vốn lớn để chuyển sang kinh doanh cà phê khi giá mặt hàng này liên tục tăng mạnh. Trong khi đó, họ đã bị chôn vốn ở tiêu trong thời gian dài. Do vậy, các đại lý bán ra nhiều để xoay vốn”, ông Huy cho biết. 

Tuy nhiên, về dài hạn, giá tiêu sẽ chịu áp lực lực vì cầu yếu. Trong báo cáo mới đây, VPA cho biết sản lượng hồ tiêu toàn cầu vụ 2024 được ước tính giảm khi sản lượng được dự báo từ các nước sản xuất đều giảm. Dù vậy, mức giảm này vẫn thấp hơn so với mức giảm nhu cầu tiêu thụ toàn cầu.

"Ngoại trừ Trung Quốc thì dự báo nhu cầu tiêu thụ sắp tới của các nước trên thế giới có thể sụt giảm do ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế đến từ xung đột tại Đông Âu. Đồng thời, tác động của cuộc chiến tại Israel cũng sẽ ảnh hưởng lên giá dầu mỏ, điều này sẽ càng làm cho tình hình kinh tế thế giới càng lâm vào suy thoái, sức mua khả năng sẽ giảm trong thời gian tới", VPA nhận định.

Giá tiêu cuối năm sẽ không có nhiều biến động dù tồn kho đã cạn

Giai đoạn cuối năm, giá tiêu được dự báo không có nhiều biến động. Mặc dù hàng tồn kho không còn nhiều nhưng cũng đủ đáp ứng cho các doanh nghiệp thực hiện các đơn hàng đã ký.

“Hàng tồn kho trong dân đã cạn nhưng doanh nghiệp vẫn đủ hàng để giao cho khách. Do đó, giá tiêu nội địa từ nay đến cuối năm sẽ không có nhiều biến động, cao nhất chỉ khoảng 72.000 đồng/kg”, ông nói. 

Lũy kế trong 9 tháng năm 2023, xuất khẩu hồ tiêu đạt 206.037 tấn, tăng 18% so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, do giá tiêu giảm nên kim ngạch xuất khẩu chỉ đạt 682,5 triệu USD, giảm 11,4% so với cùng kỳ năm 2022. Giá xuất khẩu tiêu đạt bình quân 3.312 USD/tấn, giảm 25% so với cùng kỳ.

 Nguồn: Tổng Cục Hải quan (H.Mĩ tổng hợp)

Bà Hoàng Thị Liên, Chủ tịch VPA dự báo trong quý IV, xuất khẩu sẽ phụ thuộc vào lượng hàng tồn kho từ các năm trước chuyển sang. Hiện tại, Việt Nam đã xuất khẩu hết sản lượng thu hoạch năm 2023, một phần xuất khẩu được lấy từ lượng nhập khẩu cũng như tồn kho từ năm trước. Dự kiến 3 tháng cuối năm, Việt Nam sẽ xuất khẩu khoảng 45.000 tấn, đưa tổng lượng xuất khẩu cả năm 2023 ước đạt 250.000 tấn. Lượng tồn kho 2023 chuyển sang năm 2024 sẽ thấp nhất trong nhiều năm trở lại đây.

H.Mĩ

Vì sao Mỹ chật vật với lạm phát hơn châu Âu?
Lạm phát có thể đã giảm mạnh từ các mức cao nhất hàng chục năm qua ở cả hai bờ Đại Tây Dương, nhưng tiến triển ở Mỹ đã chững lại, khiến Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) hiện được dự đoán sẽ bắt đầu cắt giảm lãi suất chậm hơn nhiều so với Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB).