|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Xuất khẩu hồ tiêu có thể vẫn thấp những tháng cuối năm

11:34 | 27/09/2023
Chia sẻ
Cục Xuất nhập khẩu mới đây dự báo xuất khẩu hạt tiêu sẽ duy trì ở mức thấp do nguồn cung nội địa không còn dồi dào, nhu cầu tiêu thụ tại thị trường Mỹ và EU chưa thực sự khởi sắc. Hiện lượng hạt tiêu xuất khẩu có nguồn gốc xuất xứ từ Việt Nam đã hết.

Theo số liệu từ Tổng cục Hải quan, xuất khẩu hồ tiêu của Việt Nam tháng 8 đạt 20.137 tấn, kim ngạch 75,3 triệu USD,  tăng 9% về lượng và 0,2% về kim ngạch so với cùng kỳ năm 2022. 

Nguồn: Tổng Cục Hải quan (H.Mĩ tổng hợp)

Giá xuất khẩu trung bình mặt hàng hồ tiêu tháng 8 đạt mức cao nhất kể từ tháng 11/2022 với 3.741 USD/tấn. Tuy nhiên, con số này thấp hơn 8,1% so với tháng 8/2022.

 Nguồn: Tổng Cục Hải quan (H.Mĩ tổng hợp)

Cục Xuất nhập khẩu mới đây dự báo xuất khẩu hạt tiêu sẽ duy trì ở mức thấp do nguồn cung nội địa không còn dồi dào, nhu cầu tiêu thụ tại thị trường Mỹ và EU chưa thực sự khởi sắc. Hiện lượng hạt tiêu xuất khẩu có nguồn gốc xuất xứ từ Việt Nam đã hết.

Trong các tháng cuối năm nay, doanh nghiệp sẽ xuất khẩu từ lượng hàng nhập khẩu và tồn kho từ trước. Ước tính tổng lượng hàng tồn và nhập khẩu đạt khoảng 80.000 tấn, trong khi tiêu thụ nội địa khoảng 10.000 tấn và lượng hàng tồn chuyển qua năm sau khoảng 30.000 tấn, thì sẽ còn lại khoảng 50.000 tấn để xuất khẩu cho các tháng cuối năm nay.

Hiệp hội Hạt tiêu Việt Nam (VPA) cho biết giai đoạn từ tháng 5 đến tháng 7 giao dịch tiêu ở Việt Nam sôi động vì vừa kết thúc vụ thu hoạch, tiêu còn mới. Tuy nhiên, đến quý III và IV, khách hàng sẽ tìm đến các nước như Brazil và Indonesia để mua vì đây là thời điểm thu hoạch tiêu của hai nước này.Sức mua hồ tiêu và gia vị của các thị trường châu Âu và Mỹ được dự báo tiếp tục trầm lắng trong thời gian tới khi kinh tế thế giới vẫn chưa có nhiều biến chuyển rõ nét.

Mặc dù vậy, giá tiêu nội địa vẫn duy trì duy trì ở nền giá cao. Tính đến ngày 27/9, giá tiêu nội địa ổn định quanh mức 70.000 đồng/kg. Nếu so sánh với đầu năm, mức giá này tăng khoảng 17%. 

 H.Mĩ tổng hợp

Theo VPA, hiện lượng tồn kho hạt tiêu thực tế trong dân không còn nhiều, phần lớn chỉ còn trong đại lý và một số nhà đầu cơ. Trong khi đó, một số doanh nghiệp chế biến cũng đã có đủ lượng hàng để chế biến cuối năm nên vẫn chưa thực sự cần phải mua vào thời điểm này. 

Trong dài hạn, nguồn cung tiêu của Việt Nam được dự báo sẽ thiếu hụt do sự cạnh tranh khốc liệt của những loại cây trồng khác như sầu riêng, chanh leo.

Bà Hoàng Thị Liên, Chủ tịch VPA nhận định nếu việc chặt tiêu để chuyển sang trồng cây ăn quả kéo dài thì có thể trong 3 năm tới nguồn cung sẽ thiếu hụt. 

“Với tình trạng cạnh tranh khốc liệt từ các cây sầu riêng, chanh leo nếu tư duy ngắn hạn cứ thấy cây ăn quả tăng giá là đem chặt tiêu thì có thể 3 năm tới thiếu hụt nguồn cung”, bà Liên nhận định. 

Theo bà Liên, nếu sản lượng của Việt Nam giảm sâu trong 3 năm tới do làn sóng chuyển dịch cây trồng diễn ra mạnh mẽ có thể khiến nông dân “lỡ sóng” giá tiêu . 

Khi chặt đi mất 3 năm để tái đầu tư và lợi nhuận bằng 0. Phải đến năm thứ 4 người dân mới thu hoạch được một chút. Nếu giá lên do nguồn cung thiếu hụt thì họ mất thời gian dài mới có thể thu hoạch và hưởng lợi từ những vườn cây mới. Khi đó, Việt Nam lại trở thành những người đi sau.

"3 năm trồng và 3 năm tăng giá thì mất tổng cộng 6 năm. Lúc đó giá đã cũng đã ở mức đỉnh. Trong khi đó, với cây sầu riêng mặc dù đang cho lợi nhuận tốt hơn rất nhiều cây tiêu, 1 ha có thể thu về 1 tỷ nhưng cũng mất thời gian để cây sinh trưởng”, bà Liên nói. 

H.Mĩ

Vì sao Mỹ chật vật với lạm phát hơn châu Âu?
Lạm phát có thể đã giảm mạnh từ các mức cao nhất hàng chục năm qua ở cả hai bờ Đại Tây Dương, nhưng tiến triển ở Mỹ đã chững lại, khiến Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) hiện được dự đoán sẽ bắt đầu cắt giảm lãi suất chậm hơn nhiều so với Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB).