|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

[Báo cáo] Thị trường hồ tiêu quý III/2023: Sản lượng giảm, giá sẽ tăng trong năm 2024?

06:33 | 25/10/2023
Chia sẻ
Thị trường hồ tiêu nhiều khả năng sẽ tiếp tục trầm lắng trong những tháng cuối năm do các nhà nhập khẩu gần như đã mua đủ hàng ở thời điểm hiện tại. Tuy nhiên, với dự báo sản lượng của Việt Nam giảm 15% vào năm tới, nhu cầu hồ tiêu toàn cầu có khả năng vượt quá nguồn cung và đẩy giá tăng lên vào năm sau.

Tính cuối quý III giá tiêu đen trong nước dao động ở mức 69.000 – 72.000 đồng, tăng 1.500 – 2.000 đồng/kg so với thời điểm cuối quý II, nhưng thấp hơn khoảng 6.000 đồng/kg so với mức đỉnh là 74.000 - 77.000 đồng/kg đạt được vào tháng 5 năm nay.

Cập nhập mới nhất đến 18/10, giá tiêu đen tại các tỉnh Tây Nguyên và Nam Bộ đã giảm về mức 67.500 – 71.000 đồng/kg.

Giá tiêu tại thị trường nội địa giảm do nhu cầu nhập khẩu từ các thị trường Mỹ, EU, Trung Quốc đều chậm lại, trong bối cảnh đồng USD và lạm phát cao. Kỳ vọng giá trị đồng USD sẽ tăng nên các nhà nhập khẩu không muốn dự trữ hàng. Do vậy sức mua cầm chừng và chờ đợi những diễn biến mới từ tỷ giá USD.

Bên cạnh đó, cuộc xung đột giữa Israel - Hamas ngày càng trầm trọng đặt ra mối lo ngại đối với nhu cầu chung về hồ tiêu. Tuy nhiên, do lượng tiêu trong dân không còn nhiều nên mức giảm giá không lớn.

Diễn biến giá tiêu đen trong nước từ đầu năm 2022 đến 18/10/2023. (Nguồn: Hoàng Hiệp tổng hợp)

Trong quý III năm nay, tổng cộng Việt Nam đã xuất khẩu 53.359 tấn hồ tiêu với trị giá 199,3 triệu USD, tăng 4,7% về lượng nhưng giảm 5,4% so với quý III năm ngoái. 

Lũy kế trong 9 tháng đầu năm, xuất khẩu hồ tiêu đạt 206.037 tấn, tăng 18,1% (tương ứng 31.529 tấn) so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, do giá tiêu giảm nên kim ngạch xuất khẩu chỉ đạt 682,5 triệu USD, giảm 11,4% (88 triệu USD) so với cùng kỳ năm 2022.

9 tháng đầu năm, Trung Quốc đã vượt qua Mỹ để trở thị trường xuất khẩu hồ tiêu lớn nhất của Việt Nam với khối lượng đạt 55.985 tấn, tăng gấp 4,7 lần so với cùng kỳ năm ngoái và chiếm 27,7% tổng khối lượng hồ tiêu xuất khẩu của nước ta so với mức 6,8% của cùng kỳ.

Nhu cầu hồ tiêu của Trung Quốc tăng cao sau khi nước này dỡ bỏ chính sách “Zero COVID” và mở cửa trở lại từ đầu năm nay. Tuy nhiên, Trung Quốc dường như đã nhập khẩu đủ lượng hàng cần thiết ngay trong nửa đầu năm và bước sang quý III nước này chỉ nhập khẩu 5.161 tấn hồ tiêu, giảm mạnh so với mức 24.450 tấn của quý II và 25.919 tấn trong quý I.

Đứng thứ hai về tiêu thụ hồ tiêu của nước ta trong 9 tháng qua là thị trường Mỹ với khối lượng đạt 38.072 tấn, chiếm 18,5% thị phần, tuy nhiên so cùng kỳ lượng nhập khẩu từ Việt Nam giảm 14%.

Ngoài ra, lượng hồ tiêu xuất khẩu sang nhiều thị trường chính khác cũng giảm trong 9 tháng đầu năm như: Ấn Độ giảm 17%, UAE giảm 25,4%, Đức giảm 16,1%, Hà Lan giảm 19%... 

Thị trường hồ tiêu nhiều khả năng sẽ tiếp tục trầm lắng trong những tháng cuối năm khi các nhà nhập khẩu gần như đã mua đủ hàng ở thời điểm hiện tại. Tuy nhiên, với việc sản lượng của Việt Nam được dự báo giảm trong năm tới, nhu cầu toàn cầu đối với hồ tiêu có khả năng vượt quá nguồn cung và đẩy giá tăng lên vào năm sau. 

Báo cáo mới đây của Nedspice Group và Simexco Daklak đều có chung nhận định sản lượng hồ tiêu của Việt Nam sẽ giảm 15% trong năm 2024. Điều kiện thời tiết trong những tháng tới sẽ ảnh hưởng đáng kể tới năng suất vụ sau.

Theo khảo sát của Simexco Daklak, nguồn cung tiêu tại Việt Nam đang giảm dần do năng suất cây trồng thấp và lợi nhuận giảm. Tồn kho hiện tại ước tính chỉ vào khoảng 15.000 - 20.000 tấn và vụ thu hoạch tiếp theo dự kiến sản lượng chỉ khoảng 140.000 - 150.000 tấn, giảm đáng kể so với năm ngoái.

Nhiều nông dân đã chuyển sang trồng các loại cây trồng khác cho thu nhập thường xuyên và cao hơn, chẳng hạn như sầu riêng. Diện tích còn lại có số lượng lớn cây già cỗi cho năng suất không cao. Ngoài ra, thời tiết mưa nhiều trong vài tuần qua cũng gây ra một số lo ngại về việc kiểm soát thuốc bảo vệ thực vật.

 Chi tiết báo cáo thị trường hồ tiêu quý III/2023 tại đây:   

Hoàng Hiệp, thiết kế: Vân Miên

Vì sao Mỹ chật vật với lạm phát hơn châu Âu?
Lạm phát có thể đã giảm mạnh từ các mức cao nhất hàng chục năm qua ở cả hai bờ Đại Tây Dương, nhưng tiến triển ở Mỹ đã chững lại, khiến Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) hiện được dự đoán sẽ bắt đầu cắt giảm lãi suất chậm hơn nhiều so với Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB).