|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Giá thịt heo tăng quá cao, ngành bán lẻ thực phẩm Trung Quốc rơi vào rủi ro

11:10 | 04/11/2019
Chia sẻ
Financial Times đưa tin, tình trạng giá bán buôn của các loại thịt tăng vọt do dịch tả heo châu Phi (ASF) đang đe dọa gây ra một cuộc khủng hoảng trong ngành bán lẻ thực phẩm ở Trung Quốc.
191010_china1

Không chỉ giá thịt heo, giá của nhiều loại protein khác cũng tăng vọt, khiến chủ nhà hàng và doanh nghiệp chế biến thực phẩm lo âu. (Ảnh: South China Morning Post)

Tháng 10, giá thịt heo tại thị trường tỉ dân đã tăng gần 159% so với cùng kì năm ngoái, cao gấp đôi giá bán lẻ (hiện gần 73%) và gây ảnh hưởng cho các nhà hàng, cửa hàng kinh doanh thịt cũng như nhiều cơ sở bán lẻ thực phẩm khác.

Xu hướng tăng giá cũng được phản ánh ở các loại thịt và nguồn cung protein khác, gồm thịt bò, thịt gà và trứng.

Điều này cho thấy dịch ASF đã bắt đầu gây thiệt hại nghiêm trọng hơn cho nền kinh tế lớn thứ hai thế giới khi mà tăng trưởng GDP quí III của Trung Quốc chững ở mức 6%, mức thấp nhất trong 30 năm.

"Chúng tôi không rõ dịch ASF sẽ gây thiệt hại cho toàn bộ nền kinh tế đến đâu", ông Guo Dandan, một nhà phân tích tại công ty tư vấn Sublime China Information, cho biết. "Tuy nhiên, tình hình đang ngày càng tồi tệ hơn".

11

Ảnh: Financial Times/Bộ Nông nghiệp; Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia Trung Quốc

Dịch ASF đã khiến đàn heo của Trung Quốc sụt giảm hơn một phần ba trong một năm qua.

Việc tiêu hủy heo bệnh đã thúc đẩy nguồn cung thịt trong những tháng đầu năm nhưng kể từ tháng 6, khi giá thịt heo tăng mạnh, người tiêu dùng buộc phải chuyển sang sử dụng các loại thịt khác.

Theo Bộ Nông nghiệp Trung Quốc, giá bán buôn thịt gà trung bình tại các thành phố lớn đã tăng hơn 33% trong tháng 10 so với cùng kì năm trước, trong khi giá thịt bò tăng 17%.

Tuy nhiên, giá bán lẻ thịt gà chỉ tăng khoảng 18% và đối với thịt bò là 12%, buộc các nhà hàng và cơ sở kinh doanh thực phẩm phải chấp nhận chịu lỗ.

"Nhu cầu cho các loại thịt thay thế thịt heo đã vượt xa nguồn cung", theo ông Cui Ernan, nhà phân tích tại công ty tư vấn Dragonomics. "Chính nhu cầu này đã kéo giá thịt tăng cao".

2

Ảnh: Financial Times/Bộ Nông nghiệp; Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia Trung Quốc

Khoảng cách ngày càng lớn giữa giá bán buôn và giá bán lẻ khiến các nhà hàng đến nhiều hãng chế biến thực phẩm gặp khó khăn trong việc đẩy chi phí sang cho người tiêu dùng.

Một giám đốc tại Subway, chuỗi nhà hàng kinh doanh bánh sandwich ở Bắc Kinh, cho biết giá thịt tăng đã kéo chi phí đầu vào lên ít nhất 10%. Subway đang duy trì mức giá cũ nhưng sẽ tăng giá sản phẩm nếu giá thịt tiếp tục tăng cao đột biến.

"Là một chuỗi nhà hàng quốc tế, chúng tôi giỏi kiểm soát chi phí hơn", giám đốc này nói. "Nhưng nếu giá thịt tăng quá mức chấp nhận, Subway không còn lựa chọn nào khác ngoài phương án tăng giá".

Các nhà hàng địa phương nhỏ hơn đang trải qua giai đoạn khó khăn. Tại một nhà hàng thịt nướng ở ngoại ô Bắc Kinh, ông David Zhang - chủ nhà hàng, cho biết ông không dám tăng giá vì sợ mất khách.

"Tôi đang phải chịu lỗ khi bán thịt heo nước", ông Zhang nói. "Tuy nhiên, món này nằm trong thực đơn nên tôi phải phục vụ khi khách yêu cầu". Ông Zhang ước tính giá thịt heo tăng có thể khiến lợi nhuận của nhà hàng giảm một phần năm.

Mặc dù nhiều nhà hàng khác đã tăng giá sản phẩm, nó cũng không đủ để bù cho chi phí gia tăng.

Ông Ji Xiaoqi, chủ một nhà hàng ở phía nam thành phố Quảng Châu, đã tăng giá bát canh thịt heo từ mức 7 nhân dân tệ của hai tháng trước lên 8 nhân dân tệ (tương đương 1,13 USD). 

Mặc dù vậy, biên lợi nhuận đã giảm từ 3 nhân dân tệ xuống còn 1 nhân dân tệ/bát canh này.

3

Lợi nhuận của nhiều nhà hàng và cơ sở chế biến thực phẩm ở Trung Quốc kêu trời vì giá thịt heo, thịt bò, thịt gà tăng cao. (Ảnh: Reuters)

"Chúng tôi sẽ phải mất khách hàng nếu tăng giá để đủ bù chi phí leo thang", ông Ji buồn bã nói. Để ngăn lợi nhuận tiếp tục giảm, nhà hàng đã âm thầm cắt giảm lượng xương heo trong bát canh. "Chúng tôi xoay xở được đầu nào hay đầu nấy", ông nói.

Một số doanh nghiệp Trung Quốc còn tìm cách cấu kết để tăng giá sản phẩm, nhưng bị chính quyền phạt nặng. Hồi đầu tháng 10, chính quyền địa phương tại thành phố Kiềm Tây đã phạt hai chủ nhà hàng mì thịt bò vì cấu kết với nhau tăng giá đồ ăn lên tới 70%.

"Không có hiệp hội nhà hàng hay cá nhân nào được phép sử dụng ưu thế trên thị trường để cấu kết tăng giá dịch vụ", một thông tư do Cục Điều tiết Thị trường Kiềm Tây ban hàng vào tháng 9 nêu rõ.

Hành vi tăng giá trên đã dừng lại nhưng áp lực đối với các nhà bán lẻ thực phẩm Trung Quốc không giảm bớt.

Ông Zhang, chủ nhà hàng đồ nướng ở Bắc Kinh, đang lên kế hoạch tăng giá 20% cho các món thịt nếu giá thịt heo tăng từ mức 28 nhân dân tệ/kg hiện tại lên hơn 30 nhân dân tệ/kg.

"Tôi không thể điều hành một doanh nghiệp thua lỗ", ông nói. "Sớm hay muộn, tôi sẽ phải tăng giá dịch vụ".

Khả Nhân