|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Nhà đất

Giá nhà ở trên thế giới và Việt Nam biến động ra sao sau đại dịch?

08:44 | 11/10/2020
Chia sẻ
Chính sách tiền tệ, chính sách tài khóa và sự thay đổi thói quen của người mua nhà là những yếu tố khiến giá nhà ở trên thế giới liên tục tăng trong thời gian qua, theo The Economist.
Giá nhà ở trên thế giới liên tục leo thang - Ảnh 1.

Giá nhà ở tại Đức tăng 11,4% so với cùng kì năm trước, đạt mức kỉ lục 310.600 USD cho một căn nhà. (Ảnh: Hoàng Huy).

Giá nhà ở trên thế giới liên tục leo thang

Mặc dù nền kinh tế bị đình trệ do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, giá nhà ở vẫn tiếp tục tăng ở các quốc gia có thu nhập cao và trung bình.

Báo cáo từ Hiệp hội môi giới bất động sản của Mỹ cho thấy, tại thời điểm tháng 8, giá nhà ở trung bình tại nước này đã tăng 11,4% so với cùng kì năm trước, đạt mức kỉ lục 310.600 USD/căn, thông tin từ Reuters.

Theo The Guardian, giá trung bình của một căn nhà tại London (Anh) trong tháng 9 là hơn 480.000 bảng Anh, tăng 1,6% so với hồi tháng 8 và tăng 5% so với cùng kì năm ngoái. Đây là tháng thứ ba liên tiếp giá nhà ở tại nước này có mức tăng kỉ lục từ trước đến nay.

Tại Đức, The Economist cho biết giá nhà ở tại nước này trong quí II/2020 đã tăng 11% so với cùng kì năm trước. 

Thị trường nhà ở của Canada tiếp tục diễn biến bất ổn trong tháng 8. Theo thống kê của Hiệp hội bất động sản Canada (CREA), giá trung bình của một ngôi nhà được bán ra là 586.000 USD, tăng 18,5% so với cùng tháng năm ngoái.

Khảo sát về giá nhà ở trung bình ở châu Âu trong tháng 9/2020 của Statista, Monaco là quốc gia có giá nhà ở cao nhất với khoảng 52.500 USD/m2 (hơn 1,2 tỉ đồng). Các vị trí tiếp theo thuộc về Anh (27.300 USD/m2), Thụy Sỹ (17.100 USD/m2) và Pháp (16.500 USD/m2).

Điều gì đã tác động đến giá nhà ở?

Giá nhà ở trên thế giới và Việt Nam biến động ra sao sau đại dịch? - Ảnh 2.

Giá nhà ở trung bình tại Monaco hơn 1,2 tỉ đồng/m2. (Nguồn: Hoàng Huy tổng hợp từ Statista).

Theo The Economist, có ba nguyên nhân khiến giá nhà ở leo thang trong thời gian qua: Chính sách tiền tệ, chính sách tài khóa và sự thay đổi thói quen của người mua nhà.

Về chính sách tiền tệ, do ảnh hưởng của đại dịch, các ngân hàng trung ương trên khắp thế giới đã cắt giảm lãi suất, giảm chi phí vay thế chấp. 

Tại Mỹ, người dân hiện có thể vay thế chấp lãi suất cố định trong 30 năm với lãi suất hàng năm chỉ 2,9%, giảm so với mức 3,7% hồi đầu năm.

Bên cạnh đó, các khoản thanh toán thế chấp hàng tháng cũng phải chăng hơn, lãi suất thấp khiến cho việc mua nhà trở nên hấp dẫn, bởi lợi nhuận chúng mang lại cao hơn so với các khoản đầu tư an toàn thay thế.

Thứ hai là chính sách tài khóa. Trong những cuộc suy thoái trước đây, khi nhiều người mất việc làm và thu nhập giảm kéo theo nguồn cung thị trường bất động sản tăng lên, giá nhà ở bị sụt giảm mạnh.

Đại dịch COVID-19 đang đẩy nền kinh tế thế giới đạt mức suy thoái thấp nhất kể từ năm 1930. Tuy nhiên, lần này chính phủ các nước đã làm tốt việc bảo toàn thu nhập của người dân thông qua các khoản trợ cấp và các chế độ phúc lợi mở rộng.

Tại Tây Ban Nha, chính phủ cho phép người vay tạm ngừng trả nợ thế chấp giúp những người lao động thất nghiệp không phải bán nhà. Tại Anh, nước này đã tạm thời đình chỉ thuế tem, một loại thuế mua nhà ở nước này. 

Tương tự, các cơ quan quản lí của Nhật Bản đã yêu cầu các ngân hàng hoãn trả nợ gốc cho các khoản thế chấp. Hà Lan cũng tạm thời cấm tịch thu tài sản. Tại Mỹ, tỉ lệ tịch thu nhà ở đang ở mức thấp nhất kể từ năm 1984.

Những điều này khiến giá nhà ở không những không bị sụt giảm mà còn tăng lên tại các quốc gia.

Tình trạng mất việc làm trong năm nay tập trung ở những người lao động trong lĩnh vực dịch vụ được trả lương thấp, những người có xu hướng thuê nhiều hơn mua.

Thói quen của người mua nhà thay đổi cũng ảnh hưởng đến giá nhà ở tại các khu vực. Theo thống kê vào năm 2019, các hộ gia đình tại các quốc gia thuộc khối OECD dành trung bình 19% chi tiêu cho chi phí nhà ở. 

Đại dịch COVID-19 khiến một bộ phận lớn những nhân viên văn phòng phải làm việc tại nhà. Điều này đã thúc đẩy mọi người nhu cầu chi thêm tiền để phục vụ nhu cầu ở của mình.

Đã có những dấu hiệu cho thấy mọi người đang có xu hướng rời bỏ các thành phố lớn để chuyển ra sinh sống tại vùng ngoại ô. Dữ liệu từ Zillow (công ty nghiên cứu thị trường nhà ở) cho thấy giá bất động sản ở thành thị và ngoại ô tại Mỹ đang tăng với tốc độ tương đương giống nhau.

Giá nhà ở tại Hà Nội và TP HCM biến động ra sao?

Giá nhà ở trên thế giới và Việt Nam biến động ra sao sau đại dịch? - Ảnh 3.

Giá nhà ở phân khúc chung cư tại Hà Nội trung bình 1.325 USD/m2. (Ảnh: Hoàng Huy).

Theo bà Nguyễn Hoài An, Giám đốc CBRE Việt Nam chi nhánh Hà Nội, quí III/2020 Hà Nội đã chứng kiến nhu cầu mua chung cư, nhà ở của người dùng tăng cao trong khi nguồn cung lại sụt giảm mạnh.

Cụ thể, giá chung cư Hà Nội trung bình rơi vào khoảng 1.325 USD/m2, giảm 4% so với cùng kì năm 2019. 

Phân khúc biệt thự và nhà liền kề có mức giá thứ cấp lần lượt tăng 2% và 7% so với năm trước. Mức giá này xuất hiện ở các dự án tại Thanh Xuân, Bắc Từ Liêm, Nam Từ Liêm, Cầu Giấy và Tây Hồ.

Tại TP HCM, không chỉ riêng thời điểm dịch bệnh mà trong vài năm trở lại đây, mặt bằng giá nhà ở, đặc biệt chung cư đã tăng khá nhanh, khoảng 10-15%/năm trong hai năm qua. Cá biệt có những dự án tăng 20-30%/năm. 

Lí giải điều này, bà An cho rằng nguyên nhân tăng giá đến từ việc nguồn cung chung cư TP tại HCM những năm qua bị hạn chế. 

Cụ thể, ở TP HCM việc cấp giấy phép xây dựng cho các dự án chung cư được nghiên cứu rất kĩ lưỡng và mất nhiều thời gian hơn so với trước đây, dẫn đến việc nguồn cung bị hạn chế, những sản phẩm hiện có trên thị trường được đẩy giá cao hơn. 

Bên cạnh đó, TP HCM cũng là đầu cầu, trung tâm kinh tế quốc gia, thu hút nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước. Đây cũng là yếu tố khiến giá nhà ở tại đây liên tục leo thang.

Hoàng Huy