|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Nhà đất

Mua nhà thời đại dịch với qui tắc 30/30/3 để tránh rủi ro

17:00 | 12/09/2020
Chia sẻ
Ảnh hưởng của dịch COVID-19 khiến lãi suất thế chấp chạm đáy, nhu cầu về bất động sản tăng cao. Tuy nhiên, người mua nhà vẫn cần nhận thức đúng khả năng tài chính của bản thân để tránh rủi ro.
Mua nhà thời đại dịch và qui tắc 30/30/3 - Ảnh 1.

Lãi suất thế chấp chạm đáy kéo theo nhu cầu mua bất động sản tăng cao. (Ảnh minh họa: CNBC).

Sam Dogen, nhà sáng lập công ty tài chính Financial Samurai, mới đây đã chia sẻ trên CNBC một số lời khuyên cho người mua nhà trong mùa dịch. 

Theo Sam, làn sóng người đổ xô mua nhà mùa dịch COVID-19 khiến ông nhớ đến cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008. Thời điểm đó, nhiều người đã dồn tiềm lực tài chính, vay mượn để mua nhà, kết quả là không ít trong số đó đã gặp rủi ro.

Trước tác động của đại dịch, lãi suất thế chấp ngân hàng đã đạt mức thấp nhất trong lịch sử, dẫn đến nhu cầu mua bất động sản tăng cao. Do đó, Sam đã gợi ý qui tắc 30/30/3 để người mua nhà tránh được những rủi ro không đáng có.

Không chi quá 30% tổng thu nhập cá nhân cho khoản thế chấp hàng tháng

Thông thường, người mua nhà được khuyên rằng không nên để khoản thế chấp ngân hàng hàng tháng vượt ngoài 30% tổng thu nhập. Song khi lãi suất ngân hàng chạm đáy, không ít người đã phá vỡ qui tắc này.

Theo Sam, khi người mua chi 40% tổng thu nhập 50.000 USD/tháng cho thế chấp, họ vẫn dành ra được 30.000 USD. Tuy nhiên, nếu chi 40% trên tổng thu nhập 5.000 USD/tháng, chi tiêu cho những nhu cầu cơ bản thậm chí sẽ trở nên khó khăn. 

"Khi thu nhập của bạn trở nên khó khăn, chi tiêu ít lại là giải pháp an toàn", Sam nhấn mạnh.

Mua nhà thời đại dịch và qui tắc 30/30/3 - Ảnh 2.

Sam Dogen đã làm việc trong ngành ngân hàng 13 năm trước khi sáng lập Financial Samurai. (Ảnh: Morsa Images/Getty).

Tiết kiệm lượng tài sản bằng 30% giá trị căn nhà

Phần thứ hai của qui tắc 30/30/3: Người mua nhà cần tiết kiệm ít nhất 30% giá trị căn nhà (bằng tiền mặt hoặc tài sản ít rủi ro), trong đó 20% cho khoản trả trước và 10% như một khoản dự trữ lành mạnh.

Số tiền này nghe có vẻ nhiều, song trong bối cảnh thị trường có nhiều bất ổn như mùa đại dịch, một bước đệm tài chính khỏe mạnh không bao giờ là thừa.

Nếu người mua có kế hoạch mua nhà trong 6 tháng tới, hãy giữ khoản thanh toán trước ít nhất 20% bằng tiền mặt. 

Tuy nhiên, Sam cũng cảnh báo người mua nhà không nên đầu tư khoản trả trước vào cổ phiếu hay các tài sản rủi ro khác bởi thời hạn mua nhà quá ngắn.

Giá ngôi nhà không nhiều hơn 3 lần tổng thu nhập hàng năm

Đây là một qui tắc nhanh chóng để lựa chọn những căn nhà trong phạm vi giá cả phải chăng. 

Sam đưa ra dẫn chứng cụ thể, nếu thu nhập của người mua nhà là 100.000 USD/năm, họ hoàn toàn có thể lựa chọn những ngôi nhà có giá 300.000 USD. Nếu thu nhập là 500.000 USD/năm, người mua nhà hãy mạnh dạn mua căn nhà giá 1,5 triệu USD.

Qui tắc này có thể mở rộng lên 500% thu nhập nhờ lãi suất thế chấp ngân hàng sụt giảm, khả năng chi trả nhà ở tăng lên. Song điều này cũng dẫn đến nợ nhiều hơn, thuế tài sản và chi phí bảo trì tăng lên.

Cần đặt ra kỉ luật cho bản thân khi mua nhà

Dù việc đầu tư bất động sản có nhiều lợi ích đến mấy, Sam cho rằng người mua nhà cần hạn chế chi tiêu quá khả năng tài chính của bản thân. Ngoài tiền thế chấp, tiền bảo hiểm, phí bảo trì, thuế tài sản cũng là những khoản phát sinh cần tính tới.

Đối với qui tắc 30/30/3, Sam khuyên người mua nhà nên tuân thủ ít nhất một qui tắc trong số đó hoặc tốt nhất là cả ba nếu có thể.


Hoàng Huy