Giá lúa gạo tăng sau trúng thầu bán gạo cho Philippines
Trao đổi vớiTBKTSG Online, ông Nguyễn Thanh Thọ, một thương lái chuyên thu mua lúa gạo tại chợ đầu mối lương thực Bà Đắc, huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang cho biết, gạo nguyên liệu giống IR 50404 hiện được các nhà kho mua vào với giá 7.300-7.400 đồng/kg, tăng 100-150 đồng/kg so với mức giá được ghi nhận tại thời điểm Philippines mở thầu mua 250.000 tấn gạo ngày 25-7 vừa qua.
Gạo thành phẩm của giống IR 50404 cũng tăng 100-200 đồng/kg và hiện được bán với giá 8.400-8.500 đồng/kg. Còn giá lúa tươi mua tại ruộng của bà con nông dân ở ĐBSCL dao động ở mức 5.000-5.100 đồng/kg, tăng 200-300 đồng/kg so với mức giá vào thời điểm Philippines mở thầu.
Đối với gạo tấm, loại gạo dùng đấu trộn để thực hiện hợp đồng cho Philippines mà doanh nghiệp trong nước vừa thắng thầu 175.000 tấn hiện được giao dịch ở thị trường chợ đầu mối lương thực Bà Đắc với giá 6.900-7.000 đồng/kg.
Lý giải nguyên nhân khiến giá lúa gạo IR 50404 tiếp tục tăng, ông Nguyễn Thanh Phong, Giám đốc Doanh nghiệp Vạn Lợi (Tiền Giang) cho biết, theo yêu cầu của Philippines, trong tháng 8-2017 có 120.000 tấn gạo (trong tổng số 250.000 tấn được Philippines quyết định mua từ Việt Nam, Thái Lan và một doanh nghiệp đến từ Singapore) sẽ được giao đến kho của Cơ quan lương thực quốc gia Philippines (NFA). “Vì vậy, những doanh nghiệp đã thắng thầu trước đó cũng tranh thủ đưa hàng sang Philippines khiến nhu cầu thị trường nội địa tăng, đẩy giá lên theo”, ông Phong giải thích.
Với diễn biến giá gạo thành phẩm cũng như gạo tấm như trên, một số doanh nghiệp cho biết, chủng loại gạo 25% tấm có giá khoảng 8,025-8,125 triệu đồng/tấn, tương đương 357-361 đô la Mỹ/tấn (tạm tính 1 đô la Mỹ là 22.500 đồng).
Cơ sở để tính ra giá gạo 25% tấm là một tấn gạo bằng 1.000 kg, trong đó, có 25% (250 kg) là gạo tấm đấu trộn vào 750 kg gạo thành phẩm của giống IR 50404. Như vậy, sẽ tính ra được giá quy theo giá đô la Mỹ trên mỗi tấn gạo 25% tấm như trên.
Với giá gạo 25% tấm như vậy, so với giá thấp nhất của 1 trong 6 lô gạo mà 4 doanh nghiệp Việt Nam đã giành được trước đó trong cuộc đua bán cho Philippines là 409 đô la Mỹ/tấn (giá giao tại cảng do NFA quy định), thì chênh lệch giữa 2 mức giá (giá trong nước quy theo đô la Mỹ và giá doanh nghiệp trúng thầu) là khoảng 48-52 đô la Mỹ/tấn. Còn so với mức giá cao nhất của 1 trong 6 lô gạo là 425,9 đô la Mỹ/tấn, thì mức chênh lệch này khoảng 64,9-68,9 đô la Mỹ/tấn.
Trong một diễn biến khác có liên quan, theo Bộ Công Thương, cơ quan này đã nhận được công hàm của Bangladesh thông báo việc Tổng cục lương thực thuộc Bộ lương thực Bangladesh mời thầu nhập khẩu 50.000 tấn gạo đồ vàdự kiến được mở thầu vào hôm nay, 8-8.
Trước thông tin này,TBKTSG Onlineđã liên hệ với Hiệp hội lương thực Việt Nam (VFA) để hỏi liệu Việt Nam có tham gia cuộc đua cung cấp gạo cho Bangladesh cũng như khả năng cung cấp chủng loại gạo này của Việt Nam ra sao. Tuy nhiên, đến thời điểm này,VFA chưa đưa ra bất câu trả lời nào.
Trong lần mở thầu trước đó, Việt Nam đã tham gia và giành được hợp đồng cung cấp 250.000 tấn gạo cho Bangladesh. Trong đó, có 200.000 tấn gạo trắng với giá 430 đô la Mỹ/tấn và 50.000 tấn gạo đồ với giá 470 đô la Mỹ/tấn.
Hôm 23-5 vừa qua, Bộ Công Thương Việt Nam và Bộ lương thực Bangladesh đã ký gia hạn bản ghi nhớ (MOU) về thương mại gạo giữa 2 nước.Theo đó, mỗi năm Việt Nam sẽ cung cấp cho Bangladesh 1 triệu tấn gạo các loại, từ nay đến năm 2022.